Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế vừa ban hành Công điện về chủ động triển khai công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 5 và mưa lũ, ngập lụt trên địa bàn tỉnh.
Chính quyền địa phương dựng biển cảnh báo không cho người, phương tiện qua lại các tuyến đường bị ngập nước ở huyện Đồng Xuân. Ảnh: CTV |
Để chủ động ứng phó cơn bão số 5, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành của tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời chủ động, sẵn sàng ứng phó cơn bão số 5 và đợt mưa lũ tới.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về cơn bão số 5, mưa lớn, lũ, ngập lụt để chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai phù hợp tình hình thực tế của đơn vị, địa phương; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm chắc thông tin về diễn biến cơn bão số 5 và mưa lũ để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển; chủ động di dời, sơ tán dân, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm (nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét) để bảo đảm an toàn tính mạng và tài san; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bảo đảm nguồn cung cầu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở đất. Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn… để thực hiện các biện pháp cảnh báo để người dân biết, chủ động phòng tránh…
Đối với các cơ quan, đơn vị quản lý hồ chứa, thủy lợi, thủy điện phải theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lớn, lũ, ngập lụt để chủ động triển khai thực hiện việc đưa dần mực nước hồ về cao trình đón lũ, cắt giảm lũ cho vùng hạ du, hạn chế thấp nhất ngập lụt và thiệt hại do xả lũ gây ra.
Các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại đối với người, phương tiện, cơ sở vật chất thuộc phạm vi quản lý, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ địa phương triển khai ứng phó thiên tai…
Theo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, lúc 16 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 14,.6 độ vĩ bắc, 110,7 độ kinh đông, cách Đà Nẵng khoảng 305km, Quảng Nam khoảng 270km, Quảng Ngãi khoảng 215km về phía đông đông nam; sức gió mạnh nhất cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với bão số 5 nên từ ngày 13-16/10, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-500mm/đợt, có nơi trên 600mm.
ANH NGỌC