Thứ Bảy, 11/01/2025 17:47 CH
Bếp củi miền quê
Thứ Sáu, 14/10/2022 09:48 SA

Người dân nông thôn dùng bếp củi nấu bánh chưng, bánh tét. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Có một thời gian dài, nhiều gia đình ở thôn quê không còn nấu bếp củi mà chuyển sang dùng bếp gas, bếp điện. Những năm gần đây, keo, bạch đàn… trồng nhiều ở các gò đồi; khi khai thác bán gỗ nguyên liệu, nông dân tận dụng cành nhánh chặt về làm củi để tiết kiệm chi phí.

 

Những bếp củi đã tắt lâu ngày bây giờ có dịp cháy trở lại. Nhiều người ở xa về thăm quê ngồi quanh bếp lửa hồng, nấu nước pha trà, nhớ lại chuyện cũ.

 

Củi than nướng thịt lụi, cá rô đồng…

 

Vừa cho củi vào bếp, vừa thổi cho ngọn lửa cháy bùng, anh Nguyễn Văn Vinh ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, kể: Hồi nhỏ còn ở nhà cũ gần sông Trà Bương, chiều chiều tôi đi học về, bỏ cái cặp trên thùng phuy lúa rồi ra đầu ngõ chơi. Có lúc đi ngang qua bếp, tôi thấy má đang nướng thịt lụi. Khói bếp rải mùi thơm từ sau hè đến tận ngoài ngõ, bụng tự dưng cồn cào đòi cơm. Hồi đó ai cũng làm ruộng hứng nước trời. Năm nào lúa được mùa, bếp nhà đỏ lửa ngày ba bữa: sáng, trưa, chiều; năm mất mùa thì bữa sáng ăn cơm nguội. Thịt lụi thì năm thuở mười thì mới có.

 

Lấy ống tre thổi lửa, anh Vinh kể tiếp: Về sau, miền quê ở đây hầu như nhà nào cũng sử dụng bếp gas, không dùng bếp củi. Tôi cũng mua cho má nồi cơm điện, bếp gas, lò nướng để tiện nấu ăn. Nhà dời vô xóm Gò cách xa sông Trà Bương để tránh lụt. Sân vườn rộng, má trồng dừa. Tàu dừa khô rơi xuống, má chặt từng đoạn ngắn chụm lửa. Hàng cây bạch đàn, keo lá tràm trồng viền theo hàng rào xung quanh nhà, má nhờ người mé nhánh rồi chất đống để dành nấu nướng. Má nói, cơm nấu nồi điện không ngon miệng nên chuyển sang nấu bếp củi. Má kêu thợ che bên hông nhà, lợp tấm tôn làm cái bếp. Không chỉ nhà má tôi, bây giờ ở miền quê nhiều nhà khôi phục bếp củi.

 

Cũng theo anh Vinh, sau khi học ra trường, anh công tác ở TP Tuy Hòa, cuối tuần mới về quê thăm má. “Tuần trước tôi về quê, má lui cui nhóm lửa rồi bắc nồi cơm lên bếp. Cơm sôi cạn nước, má vần xuống bên hông rồi lui cui nướng thịt lụi. Cậu Hai ở thị trấn La Hai lên thăm chơi, vừa đến đầu ngõ mùi thịt nướng đã xộc vào mũi. Cậu đi thẳng đến chỗ bếp củi, xuýt xoa rằng lâu quá mới có mùi thịt lụi nướng lọt ra ngoài”, anh Vinh nói.

 

Đang mùa mưa, nhiều người dân ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) ra cánh đồng giăng trắng nước để thả lưới bắt cá. Chiều về, nhà nhà nướng cá trên bếp củi than, mùi thơm sực nức. Ông Nguyễn Văn Trí tâm đắc: “Cũng con cá rô đồng nhưng nướng trên than củi cho tới khi chuyển sang màu vàng thì dậy mùi thơm lừng. Cá rô đồng nướng lửa than đem dầm với nước mắm ngò; nấu cơm bằng bếp củi cháy sém, ăn với rau lang luộc chấm nước mắm đó thì gia đình bốn người vét sạch nồi cơm”.

 

Ấm áp bếp lửa ngày mưa

 

Theo chị Phan Thị Mai ở vùng núi An Lĩnh (huyện Tuy An), quê chị hiện nay nhiều gia đình nuôi bò lai nên tận dụng cành nhánh keo ở những cánh rừng trồng xung quanh làm củi, vừa nấu cháo cho bò vừa nấu nướng thức ăn.

 

Chất xong đống củi keo sau hè, chị Mai kể: Nhà tôi có hai chị em gái. Năm chị tôi 12 tuổi, công việc ngày mùa bận rộn, má vo gạo bắc nồi cơm lên bếp, nhóm lửa rồi sai chị tôi chụm củi. Chị chất thật nhiều củi, giao bếp cho ông Táo rồi ra sân chơi. Lát sau má vào, thấy ngọn lửa cháy phả lên trên nắp nồi nên lớn tiếng: Lửa cháy phả nồi, phả trã, nước chưa cạn mà cơm dưới đít nồi khê khét làm sao ăn? Con gái con lứa mà thỏng thừa thưa thớt. Chị tôi cười gượng rồi bỏ đi, không nói gì! 18 tuổi, chị tôi lấy chồng xa. Mới đây chị về thăm quê, vừa đến nhà thấy tôi nhóm bếp củi chị liền đến ngồi cạnh bên. Nhìn lửa hừng hực cháy, chị thủ thỉ, những lúc nhóm bếp củi nấu cơm, nhờ má khuyên dạy mà chị nên người, chín chắn với công việc sau khi về nhà chồng. Đứa con gái của chị cũng đến chen vô giữa hai chị em. Cả ba ngồi không muốn xa bếp lửa giữa ngày mưa lạnh.

 

Chị Bùi Thị Thùy ở xã An Xuân (huyện Tuy An) ngồi bên bếp lửa cháy bùng nấu ấm nước, cho hay: Gần đây, gia đình tôi nấu nướng đều bằng củi, tiết kiệm tiền điện, giảm chi phí. Buổi sáng thì nấu nước pha trà, trưa nấu cơm, chiều vừa nấu cơm vừa nấu nước ấm để tắm rửa cho em bé. Nếu không dùng củi mà trung bình mỗi tháng nấu 90 ấm nước bằng ấm siêu tốc thì tiền điện tăng cao, ở quê không chịu nổi. Đó là chưa kể những lần rang đậu phộng, luộc thịt, luộc khoai, bắp..., nhất là nấu bánh tét, bánh chưng và nấu nướng trong những dịp nhà có giỗ hay đám tiệc. Nhờ bếp củi, gia đình tôi giảm đáng kể chi phí.

 

Nói về bếp củi, chị Phan Thị Sâm, đồng hương với chị Thùy, kể: Hôm trước nhà có khách ở xa đến thăm chơi. Tôi ra chợ mua cặp chim cút về làm thịt, bằm nhỏ tao dầu nấu canh đu đủ. Tiếp đó nấu nồi cơm rồi nướng thịt ba chỉ cũng đều bằng than củi. Bữa cơm dọn ra, mọi người cùng ngồi vào bàn ăn. Tuy chỉ mấy món đơn giản nhưng món nào cũng vừa chín tới, vừa lửa nên ai cũng ăn rất ngon miệng. Bữa cơm vô cùng ấm cúng, nghĩa tình, nhất là khi trời chuyển lạnh. Người bạn ở xa nhìn qua chỗ bếp củi, làn khói còn vón lại trên mái nhà, thấy lạ mắt, trầm trồ… 

 

Hồi còn sống, một ngày của má tôi luôn bắt đầu bằng ấm nước sôi bên bếp củi. Nấu bếp củi khi nước gần sôi, từ trong ấm phát ra âm thanh réo rắt vui tai, má tôi gọi là nước kêu ấm. Khi hơi nước đội nắp ấm bung ra thì nước sôi. Má nhắc ấm chế vào bình thủy, pha trà rồi bắc luôn nồi cơm, nồi khoai hay nồi xôi cho gia đình có bữa ăn sáng. Có một thời gian dài ở miền quê không còn bếp lửa vì khan hiếm củi chụm, tôi nhớ da diết tiếng nước kêu ấm.

 

Chị Bùi Thị Thùy ở xã An Xuân, huyện Tuy An

 

MẠNH LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek