Mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quy mô và cơ cấu dân số địa phương. Việc điều chỉnh mức sinh phù hợp sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội đối với từng vùng, từng địa phương. Phú Yên đã và đang tích cực nỗ lực điều chỉnh mức sinh phù hợp giữa các vùng, đối tượng để hướng đến mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn tỉnh.
Xu hướng biến đổi mức sinh
Sau gần 50 năm nỗ lực, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế vào năm 2006 với tổng tỉ suất sinh (2,09 con/phụ nữ) và duy trì mức sinh thay thế hơn 15 năm qua. Tuy nhiên, hiện nay mức sinh tại một số khu vực tỉnh, thành đã tăng cao trở lại. Hiện có đến 33/63 tỉnh, thành có mức sinh cao (trên 2,2 con/phụ nữ), thậm chí nhiều tỉnh, thành có mức sinh rất cao (trên 2,5 con/phụ nữ); 21 tỉnh, thành có mức sinh (dưới 2 con/phụ nữ) và chỉ có 9 tỉnh, thành đạt mức sinh thay thế (2,0-2,2 con/phụ nữ).
Phú Yên là một trong 9/63 tỉnh, thành trên cả nước đạt mức sinh thay thế hơn 10 năm nay. Điều này tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho địa phương. “Để đạt thành quả này, tỉnh Phú Yên nói chung và ngành Dân số nói riêng đã rất nỗ lực trong thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ”, ông Lê Văn Bi, Trưởng phòng Truyền thông, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên cho biết.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số ở Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng hiện nay đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Đó là, mức sinh ở một số khu vực, tỉnh, thành dần tăng cao trở lại; một số địa phương thuộc vùng mức sinh thay thế trước đây đã có mức sinh biến động tăng cao. Ngoài ra, hiện có sự chênh lệch mức sinh rõ rệt giữa khu vực nông thôn và thành thị, trong khi mức sinh tại khu vực thành thị đã đạt và ở dưới mức sinh thay thế trong nhiều năm qua thì mức sinh tại khu vực nông thôn hiện vẫn còn cao, trung bình là 2,29 con/phụ nữ. Trong khi đó, mức sinh cao tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giáo dục… làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của người dân giữa các địa phương. Tại Phú Yên, thời gian qua, ngành Dân số cũng như các cấp, các ngành không ngừng nỗ lực từng bước nâng cao chất lượng dân số, tăng cường truyền thông chuyển đổi hành vi về KHHGĐ để đảm bảo mức sinh ổn định cho người dân ở các vùng miền.
Chia sẻ về vấn đề này, chị Lê Thị Thanh Tịnh, cán bộ Dân số - Gia đình - Trẻ em kiêm phụ trách Đài Truyền thanh xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), cho hay: Thời gian qua, đội ngũ cán bộ dân số địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện sinh con theo đúng KHHGĐ cũng như biết những hệ lụy của việc sinh đông con tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và chất lượng cuộc sống... Nhờ vậy, bà con địa phương ngày càng nhận thức tốt hơn về vấn đề này.
Theo ông Lê Văn Bi, để giải bài toán chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền cũng như duy trì, giữ vững mức sinh thay thế ở Phú Yên trong thời gian tới là việc không hề đơn giản, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành, của toàn hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận của Nhân dân.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Thực hiện Quyết định 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 và hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND tỉnh Phú Yên đã tích cực ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Chương trình này nhằm hướng đến mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) đến năm 2030 để góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam, bảo đảm phát triển tỉnh nhà nhanh, bền vững.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, cho biết: Để góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, thời gian tới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban ngành và địa phương trong việc quán triệt sâu sắc hơn nữa nội dung Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, cần được tăng cường. Từ đó đảm bảo thống nhất nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của người dân về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo duy trì mức sinh thay thế của tỉnh nhà, hướng đến mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh hiện nay của tỉnh là bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con. Cùng với đó, các phong trào thi đua, các cuộc vận động về công tác dân số cần được tiếp tục đẩy mạnh, đảm bảo sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc…
NGỌC QUỲNH