Mùa này trên đầm Ô Loan, hàng trăm người dân ở thôn Phú Tân, xã An Cư và thôn Phú Sơn, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) thi nhau ngụp lặn, moi bùn tìm bắt con điệp và hàu sữa. Dù vất vả nhưng ai nấy đều phấn khởi vì có thu nhập.
Chuẩn bị đi bắt hàu - Ảnh: H.NAM |
7 giờ sáng, hàng trăm người chèo sõng ra đầm Ô Loan rồi bắt đầu tản đi bắt điệp, hàu sữa. Trai tráng thì lặn xuống đáy đầm, moi bùn. Mỗi lần lặn, họ chỉ bắt được từ 3 - 4 con điệp. Phụ nữ, người già yếu sức không lặn được thì bắt bằng cách dùng chân moi trong bùn. Khi đụng vào con điệp, hàu sữa, họ dùng hai ngón chân kẹp lại, đưa lên mặt nước bỏ vào chiếc sõng. Ròng rã một ngày trên nắng dưới nước, họ bắt được chừng 2 bao điệp, hàu sữa, bán với giá 5.000 đồng/kg điệp ruột, 8.000 đồng/kg hàu sữa còn nguyên vỏ; thu nhập từ 30.000 - 50.000 đồng/ngày.
Anh Lê Văn Cường ở thôn Phú Tân cho biết, công việc bắt điệp và hàu sữa bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài đến tháng 7 âm lịch. Vào mùa mưa, nước trong đầm Ô Loan bị ngọt hóa làm cho hàu, điệp chết. Khi mùa mưa kết thúc, nước biển xâm nhập trong đầm thành nước lợ, điệp và hàu sinh sôi trở lại. Con điệp, hàu sữa sinh sản và phát triển tương đối nhanh. Do vậy, dù bà con khai thác với số lượng lớn nhưng chúng vẫn không bị cạn kiệt.
Đa số người già ở hai thôn Phú Sơn, Phú Tân có “thâm niên” bắt hàu, điệp từ 40 - 50 năm. Bà Trần Thị Xuân ở thôn Phú Sơn tâm sự: “Tôi moi bùn bắt hàu, điệp hơn 50 năm, móng chân bị nhét không biết bao nhiêu bùn đất, ngón chân bị vỏ điệp, hàu cứa không biết bao nhiêu lần, giờ thành nhiều vết sẹo. Nghề này dù vất vả nhưng có thu nhập ổn định”.
Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông Nguyễn Trung Chánh cho biết, chỉ riêng thôn Phú Sơn, hàng năm có hơn ngàn người chuyên làm công việc này và khai thác từ 25 - 30 tấn hàu, điệp. Gần 10 năm nay, một số loài thủy sản trong đầm như tôm, cua, sò huyết… bị cạn kiệt, nhưng con hàu, điệp vẫn sinh sản nhiều, mang lại thu nhập cho các hộ dân sinh sống quanh đầm. Tuy nhiên công việc này cũng khá nguy hiểm. Anh Nguyễn Lợi ở thôn Phú Tân kể: “Ráng sức lặn xuống chỗ nước sâu để moi bùn dưới đáy, nhiều lúc ngút hơi, tôi trồi lên mặt nước thì chiếc sõng bị gió đánh mạnh trôi đi mất. Đuối sức, tôi bơi không nổi, may mà có người đến cứu giúp…”
MẠNH HOÀI