Được sự tài trợ của chương trình Nâng cao năng lực quản lý đất đai và môi trường do tổ chức SIDA (Thụy Điển), lần đầu tiên Phú Yên xúc tiến quy hoạch chuyên ngành về xây dựng hệ thống nghĩa trang. Đây là cơ sở quan trọng để quản lý, đầu tư xây dựng nghĩa trang, vừa đáp ứng đời sống tâm linh của nhân dân, vừa bảo vệ cảnh quan, môi trường, xây dựng nếp sống văn minh.
HẦU HẾT CÁC NGHĨA TRANG ĐỀU TỰ PHÁT
Để đáp ứng nhu cầu chôn cất người quá cố, lâu nay các địa phương ở Phú Yên đều dành một phần quỹ đất xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa. Do đó, cùng với quá trình gia tăng dân số, nhu cầu về đất nghĩa trang cũng tăng theo. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2001, đất nghĩa trang, nghĩa địa của tỉnh có 1.690 ha thì cuối năm 2006 đã tăng lên 1.799 ha. Hiện tại đất xây dựng nghĩa trang chiếm 0,35% diện tích tự nhiên và chiếm 0,61% đất nông nghiệp của tỉnh.
Có khá nhiều điều bất cập trong hệ thống nghĩa trang ở các địa phương. Nghĩa trang khu vực nông thôn hầu như phát triển tự phát, chưa có nơi nào bảo đảm yêu cầu của nếp sống mới, mọi công việc từ bố trí nơi chôn cất, chọn vị trí đặt mộ, hướng mộ đều do thân nhân người mất lựa chọn. Việc sử dụng đất nghĩa trang hoàn toàn phụ thuộc vào phong tục, tập quán địa phương, chủ yếu dùng cho chôn cất người qua đời mà chưa quan tâm đến diện tích cây xanh và các công trình hạ tầng. Có nghĩa trang và khu dân cư chưa được phân định rõ ràng, nhiều hộ gia đình sinh sống gần như lọt hẳn vào nghĩa trang, giếng nước, nhà vệ sinh nằm kề cận khu mai táng. Trong khi đó địa táng có tác động đến môi trường đất, không khí, nước ngầm trong quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong mộ. Còn tại các đô thị, nghĩa trang thường nằm sát khu vực nội thị, có nơi nằm ngay trong lòng đô thị đã tác động tiêu cực đến kiến trúc cảnh quan và môi trường đô thị; có nơi thuộc quyền quản lý của các tổ chức tôn giáo, dòng tộc mà chưa có sự quản lý của chính quyền địa phương.
QUY HOẠCH HỆ THỐNG NGHĨA TRANG VĂN MINH
Thạc sĩ Nguyễn Đình Phong, Trưởng phòng Quy hoạch Sở Xây dựng Phú Yên cho biết: Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4449:1987 Quy hoạch xây dựng, quy mô diện tích đất nghĩa trang là 0,04-0,06 ha/1.000 dân, chúng tôi đề xuất phần mộ là 0,5m2 đối với người dân đô thị và 0,6m2 đối với người dân nông thôn. Dự báo đến năm 2010, dân số của Phú Yên là 957.000 người, nhu cầu đất nghĩa trang sẽ là 44,28ha, gồm 13,63ha đất nghĩa trang đô thị và 40,65ha đất nghĩa trang nông thôn; đến năm 2020, dân số của tỉnh tăng lên 1.126.000 người thì nhu cầu đất nghĩa trang là 63,64 ha, bao gồm 18,09 ha đất nghĩa trang đô thị và 45,55 ha đất nghĩa trang nông thôn.
Theo ông Phong, việc quy hoạch hệ thống nghĩa trang trên địa bàn Phú Yên thực hiện theo hướng tôn tạo cảnh quan; cải tạo bảo đảm cảnh quan, môi trường, hạ tầng kỹ thuật đối với những nghĩa trang hiện có phù hợp với quy hoạch tổng thể; đóng cửa các nghĩa trang không phù hợp với quy hoạch, gây tác động xấu đến cảnh quan, môi trường mà không có khả năng khắc phục hoặc đã hết diện tích mà không có điều kiện mở rông. Xu thế chung là hạn chế nghĩa trang cấp thôn, xóm, tập trung xây dựng nghĩa trang có quy mô cấp huyện, xã hoặc liên xã để có điều kiện quản lý, đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình kỹ thuật như nhà tang lễ, nhà làm việc của ban quản lý, bảo vệ, nhà tưởng niệm, đài hóa thân, các hạng mục công trình kỹ thuật khác.
Ví dụ huyện Đông Hòa, có quy hoạch xây dựng mới nghĩa trang tại thôn Thạch Chẩm (Hòa Xuân Tây) với diện tích 50 ha. Dự kiến khi nghĩa trang này được xây dựng (vào năm 2012- 2015) thì sẽ đóng cửa phần lớn các nghĩa trang thôn, xóm trên địa bàn huyện. Đối với TP Tuy Hòa, hiện có 10 nghĩa trang, nghĩa địa thì nghĩa trang liệt sĩ tỉnh tại phường Phú Đông cần tôn tạo cảnh quan, các nghĩa trang còn lại đều đóng cửa và di dời cải táng tại nghĩa trang Thọ Vức (Bình Kiến). Nghĩa trang Thọ Vức được xây dựng mới với quy hoạch 159,6 ha, trong đó giai đoạn 1 đến năm 2010 là 59,6 ha; các nghĩa trang Chóp Vung, Gò Xuân Dục, Gò Giữa (An Phú) thì giữ nguyên hiện trạng, hạn chế chôn cất, khuyến khích người dân mai táng tại nghĩa trang Thọ Vức.
Việc chăm lo phần mộ không chỉ là nghĩa cử dành cho người đã khuất mà tự nó nói lên cấp độ văn minh, thiện mỹ của lớp người đang sống. Do vậy công tác quy hoạch, quản lý theo quy hoạch để sử dụng đất nghĩa trang tiết kiệm, có hiệu quả cũng là một yêu cầu bức thiết trong công tác quản lý đất đai.
NGUYÊN TRƯỜNG