Chính sách đặc thù góp phần thay đổi diện mạo vùng miền núi

Chính sách đặc thù góp phần thay đổi diện mạo vùng miền núi

Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi giai đoạn 2017-2020 giúp giải quyết những vấn đề khó khăn về đời sống, sản xuất

Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi giai đoạn 2017-2020 giúp giải quyết những vấn đề khó khăn về đời sống, sản xuất; từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống cho hộ DTTS nghèo, đặc biệt khó khăn; góp phần giảm nghèo bền vững. 

Nhìn nhận về công tác thực hiện đề án cũng như những khó khăn, hiệu quả mang lại, ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết:

Ông Trương Văn Phương

- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2017 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai các nội dung liên quan như rà soát, tổng hợp nhu cầu theo đúng quy định; bám sát các nội dung, xây dựng đề án thực hiện ở từng địa phương, tổng hợp xây dựng đề án chung toàn tỉnh.

Với tổng vốn thực hiện hơn 143 tỉ đồng, đơn vị đã cùng các địa phương hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo, hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất, đất ở, chuyển đổi nghề, giải quyết nước sinh hoạt, bố trí sắp xếp, ổn định dân cư, hỗ trợ người dân vay vốn tín dụng ưu đãi…

Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức kiểm tra thực tế việc thực hiện chương trình, dự án, chính sách dân tộc... ở các huyện miền núi, huyện, thị xã có xã miền núi. Đơn vị đã hướng dẫn, đôn đốc, kịp thời hỗ trợ các địa phương triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc theo kế hoạch đề ra.

* Việc thực hiện chính sách nói trên đã làm thay đổi bộ mặt vùng DTTS, miền núi và đời sống của người dân như thế nào, thưa ông?

- Vùng DTTS và miền núi của tỉnh có tất cả 45 xã, thị trấn, tập trung chủ yếu vào 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân. Đồng bào dân tộc thiểu số có 60.114 người, chiếm gần 27% dân số vùng miền núi và 7% dân số toàn tỉnh, với 33 thành phần dân tộc sinh sống. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, những năm qua, các cấp, ngành đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất; thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách phát triển xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ đời sống người dân mang lại những hiệu quả thiết thực. Tình hình kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi có nhiều thay đổi, cơ cấu kinh tế vùng đang dần dịch chuyển với xu hướng phát triển kinh tế chung.

Trong nông nghiệp đã hình thành các vùng cây nguyên liệu mía, sắn… gắn với các nhà máy công nghiệp chế biến; công nghiệp tăng trưởng khá, đã hình thành các ngành công nghiệp quan trọng như thủy điện, khai thác, chế biến lâm sản, vật liệu xây dựng. Cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện… dần hoàn thiện, tạo thuận lợi cho người dân mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn tại các thôn, buôn đồng bào DTTS.

Nhờ các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ, xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) ngày càng khang trang. Ảnh: MINH DUYÊN

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực; mặt bằng dân trí được nâng lên; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương cơ bản ổn định.

Đặc biệt, các hộ đồng bào DTTS được kịp thời thụ hưởng chính sách do Nhà nước hỗ trợ, từ đó cải thiện cuộc sống, giảm tỉ lệ hộ nghèo; góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững của tỉnh.

* Năm 2020 là năm cuối của chặng đường thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù đối với vùng DTTS, miền núi của tỉnh. Theo ông, những phần việc sẽ phải làm từ đây đến cuối năm là gì?

- Thực tế hiện nay, vùng DTTS, miền núi của tỉnh đã có những đổi thay so với trước nhưng vẫn là vùng còn nhiều khó khăn. Kinh tế phát triển chưa thật sự bền vững; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ít nhiều còn hạn chế; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Trong quá trình thực hiện đề án, nguồn vốn được trung ương phân bổ so với nhu cầu kinh phí phê duyệt là quá ít nên khó thực hiện các mục tiêu.

Định mức hỗ trợ thấp, đối tượng thụ hưởng chủ yếu là hộ nghèo nên không có vốn đối ứng. Việc giải quyết hỗ trợ nhu cầu về đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn do các địa phương không có quỹ đất. Công tác hỗ trợ các nội dung còn chậm; giải ngân vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách huyện chậm vì người dân không đủ năng lực xây dựng phương án vay...

Để việc thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi phát huy hiệu quả, Ban Dân tộc tỉnh đã kiến nghị trung ương tiếp tục ưu tiên bố trí phân bổ nguồn vốn thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng DTTS, miền núi; tăng mức hỗ trợ, định mức và mở rộng các đối tượng thụ hưởng chính sách thuộc các chương trình, dự án, chính sách đang triển khai để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Đồng thời đơn giản thủ tục, cân đối tăng mức hỗ trợ nguồn vốn vay cho các chương trình giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Chúng tôi cũng đề xuất các địa phương chủ động rà soát đối tượng thụ hưởng, khi nguồn kinh phí được phân bổ nhanh chóng triển khai thực hiện; có kế hoạch nâng cao năng lực cho đội ngũ cơ sở, các địa phương cùng phối hợp chặt chẽ hơn trong tham gia thực hiện đề án.

* Xin cảm ơn ông!

Để việc thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi phát huy hiệu quả, Ban Dân tộc tỉnh đã kiến nghị Trung ương tiếp tục ưu tiên bố trí phân bổ vốn đầu tư; có chính sách ưu tiên phân bổ vốn hàng năm, bố trí vốn trung hạn trong đầu tư các chương trình giảm nghèo, chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng DTTS, miền núi...

KHANG ANH (thực hiện)

Từ khóa:

Ý kiến của bạn