Dai dẳng nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết

Dai dẳng nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết

Đâu đó trên các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) các huyện miền núi của tỉnh, vẫn còn nghe những lời ru buồn của các “bà mẹ trẻ em”.

Đâu đó trên các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) các huyện miền núi của tỉnh, vẫn còn nghe những lời ru buồn của các “bà mẹ trẻ em”. Hy vọng từ chủ trương của Chính phủ về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương sẽ bớt đi những trường hợp vừa đáng thương, song cũng vừa đáng trách, cho những số phận là hệ lụy của nạn tảo hôn gây ra.

“Lấy chồng từ thuở mười ba/ Đến năm mười tám thiếp đà năm con/ Ra đường thiếp hãy còn son/ Về nhà thiếp đã 5 con cùng chồng”.

Câu ca mang đậm nỗi buồn, sự ai oán trách móc về thân phận của người con gái, tưởng chỉ tồn tại trong quá khứ. Vậy mà giờ đây, tảo hôn vẫn là câu chuyện buồn của người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Sông Hinh. Ông Lê Văn Bi, phụ trách Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn huyện có gần 50 trường hợp tảo hôn.

Lấy chồng để… có người làm rẫy, chăn bò

14 tuổi, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, vậy mà cô bé người Ê Đê Hờ Bin (buôn Bầu, xã Ea Bar) đã làm vợ, làm mẹ. Lấy chồng sớm, Hờ Bin phải bỏ học giữa chừng. Chưa có kiến thức chăm sóc chồng con, cuộc sống gia đình khó khăn, bữa ăn cho con chỉ là gói cháo trắng mua vội. Hờ Bin chia sẻ: “14 tuổi em nghỉ học, rồi lấy chồng luôn. Con em năm nay bảy tháng rưỡi. Tuổi thanh xuân của em đã trôi qua mất rồi!”.

Còn em Ksor Hờ Nhút (ở buôn Mùi, xã Ea Trol), năm nay mới 18 tuổi nhưng đã lấy chồng được 4 năm và đã có 2 con. Đứa lớn vừa lên 3, còn đứa nhỏ mới 3 tháng tuổi. Nhà cửa tạm bợ, trong nhà không có gì đáng giá. Cái ăn cái mặc chỉ trông chờ vào rẫy sắn. Hàng ngày, người mẹ trẻ này quanh quẩn với đàn con nheo nhóc, không đủ thời gian, không đủ sức khỏe để đi rẫy. “Học lớp 7, em tự đi bắt chồng. Giờ cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng đi làm rẫy mà chẳng đủ để nuôi con”, Hờ Nhút tâm sự.

Tại huyện Đồng Xuân, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng chiếm tỉ lệ cao, trong đó dân tộc Chăm và Ba Na hơn 70%. Riêng xã Phú Mỡ, qua điều tra từ năm 2013-2016 có hơn 130 cặp tảo hôn, đa số có tuổi đời từ 15-17. Mí Thu là một trong số này. Lấy chồng từ năm 17 tuổi, đến nay người mẹ 22 tuổi này đã có 2 con. Giờ thấy cảnh con cái nheo nhóc, mí thở dài: “Hồi đó, nhà nghèo nên mình nghỉ học sớm. Rồi gia đình cho lấy chồng để có con cái, có người làm rẫy, chăn bò…, đâu ngờ khổ dữ vậy”.

Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay, dân số vùng miền núi của tỉnh là hơn 236.300 người (khoảng 57.900 hộ), chiếm 26,6% dân số toàn tỉnh. Trong đó, DTTS hơn 58.000 người (13.580 hộ), chiếm 24,9% dân số vùng miền núi và 6,6% so với dân số toàn tỉnh. Với 31 dân tộc sinh sống, chủ yếu là Ê Đê, Chăm, Ba Na, Tày, Nùng, Dao, Thái…, đời sống bà con vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn và còn giữ nhiều tập tục lạc hậu như: kết hôn sớm để có người làm rẫy, kết hôn với người trong họ tộc để lưu giữ tài sản…

Tăng cường tuyên truyền

Quan niệm lấy vợ, lấy chồng sớm để có con nối dõi, có người lo ruộng rẫy dường như đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người đồng bào DTTS. Do vậy, việc tuyên truyền, vận động họ sống theo pháp luật, từ bỏ việc kết hôn sớm là rất khó đối với cán bộ DS-KHHGĐ các địa phương và chính quyền các cấp. Hậu quả của nạn tảo hôn như: mẹ bệnh, con đau, không biết cách chăm sóc… vẫn không làm họ từ bỏ. Chính vì vậy, nạn tảo hôn vẫn tiếp diễn mặc dù các cấp, ngành thường xuyên tổ chức tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình. Ông Ksor Y Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), cho biết: “Địa phương cũng đã vào cuộc, thường xuyên tuyên truyền vận động người dân để xóa bỏ tình trạng này. Xã cũng đã đưa việc tảo hôn vào quy tắc, hương ước để người dân biết, thực hiện”.

Theo bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng DS-KHHGĐ tỉnh, tảo hôn ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng, đồng thời làm suy giảm chất lượng dân số. Đối với người đồng bào DTTS thì tục bắt chồng đã ăn sâu vào nếp nghĩ của họ. Họ không quan tâm nguyên nhân cận huyết thống sẽ dẫn đến hệ lụy, như con cái bị khuyết tật, không có khả năng nhận thức và lao động. Còn ông Lê Văn Bi cho biết: Tảo hôn không chỉ là gánh nặng của bản thân, gia đình, mà đó còn là gánh nặng của xã hội. Nó không chỉ tồn tại ở những thôn buôn miền núi mà đang là vấn nạn chung ở đồng bào DTTS trên cả nước.

Lấy chồng sớm, hậu quả sớm, chỉ có tiếng nói người trong cuộc mới là điều đáng để các bạn trẻ và gia đình vùng cao suy ngẫm. Em Hờ Bin mơ ước: “Em ước mơ được đi học lại. Con em sau này lớn lên, em sẽ không cho lấy chồng sớm. Vì lấy chồng sớm, chẳng có ước mơ và cũng chẳng có tương lai như các bạn đang đi học!”.

Tiếng nói không tròn vành rõ chữ, song đó lại là mong ước, là khát khao cháy bỏng của cô bé từng một lần trót dại… Và điều ước của Hờ Bin, cũng chính là niềm mong đợi được giải thoát của các cô bé, cậu bé người DTTS đã từng là nạn nhân của hủ tục tảo hôn. 

Hồi đó, nhà nghèo nên mình nghỉ học sớm. Rồi gia đình cho lấy chồng để có con cái, có người làm rẫy, chăn bò…, đâu ngờ khổ dữ vậy.

Mí Thu ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân

HOÀNG LÊ - NGỌC LY

Từ khóa:

Ý kiến của bạn