Đô thị hóa là xu thế tất yếu của quá trình phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đô thị hóa diễn ra theo hướng bền vững.
Một góc đường Hùng Vương (TP Tuy Hòa)- Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
Tỉnh Phú Yên nằm trong khu vực hứng chịu những tác động mạnh nhất của khí hậu biển nên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, các hiện tượng thời tiết bất thường. Chính vì thế, để định hướng phát triển đô thị và đô thị hóa bền vững cần phải có sự chuyển biến trong tư duy hành động từ cơ chế chống chọi sang cơ chế thích ứng. Một đô thị phát triển bền vững phải là một đô thị năng động, có khả năng thích ứng cao và mang bản sắc địa phương. Muốn vậy, cần phải xây dựng được một hệ thống đồng bộ các mục tiêu sau đây:
Tỉ lệ dân số sống ở khu vực thành thị của Phú Yên năm 1996 là 18,6%, năm 2000 là 19,03%, năm 2006 là 20,25%. Dự kiến đến năm 2020, tỉ lệ dân số sống ở khu vực thành thị sẽ là 37% với khoảng 400.000 người. Tỉ lệ tương ứng của cả nước năm 2000 là 23,6%, năm 2006 là 26% và dự kiến đến năm 2020 là 40%. Từ năm 2006 đến năm 2020, cư dân đô thị sẽ phát triển thêm khoảng 200 nghìn người, gấp đôi so với hiện nay và 75% số này là dân cư từ nông thôn lên thành thị. Có thể nói, ĐTH tại Phú Yên có xuất phát điểm thấp hơn mức bình quân của cả nước nhưng lại có định hướng phát triển với tốc độ cao.
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG XÃ HỘI
Phát triển dân số lành mạnh đồng thời tiếp tục thực hiện tăng tỉ lệ dân số đô thị. Kiên trì khống chế tăng dân số tự nhiên, tăng cường quản lý tăng dân số cơ học do di dân từ ngoài vào đô thị. Quan tâm giải quyết các vấn đề dân cư ngoài độ tuổi lao động, trẻ em, thanh thiếu niên và người tàn tật, góp phần thúc đẩy phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội với dân số, lao động, tài nguyên môi trường.
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ
Về đất đai: Mở rộng phát triển quỹ đất xây dựng đô thị trên quan điểm tăng cường bảo vệ, có kế hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, cần phân loại và sử dụng hợp lý đất đai vào các mục đích khác nhau. Đất đô thị cần được quy hoạch hợp lý trên cơ sở cân bằng các mục đích sử dụng trong xây dựng phát triển đô thị, khống chế nghiêm ngặt quy mô, cơ cấu sử dụng đất nội thành, bố trí thích hợp đất xây dựng đô thị mới, đô thị vệ tinh, hạn chế sử dụng đất canh tác vào mục đích mở rộng đô thị. Ưu tiên dành đất đai xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị như giao thông, các trạm xử lý kỹ thuật hạ tầng, nghĩa trang và các khu vực cách ly bảo vệ môi trường. Để thực hiện tốt chức năng quản lý đất đai, chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý đất nông nghiệp và việc cấp phép chuyển quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các loại hình xây dựng chiếm dụng đất canh tác, đồng thời tăng cường bảo hộ đất trồng trọt ở các khu vực trọng điểm ven đô thị.
Về đầu tư hạ tầng kỹ thuật: Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cải thiện điều kiện sinh hoạt của nhân dân và thúc đẩy quá trình ĐTH đồng bộ tại đô thị và nông thôn. Cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các đô thị đồng bộ, hiện đại tùy theo yêu cầu và mức độ phát triển của từng đô thị, đáp ứng tối đa nhu cầu sản xuất và đời sống xã hội. Có biện pháp xử lý, tái chế các chất thải rắn, tránh thải trực tiếp cũng như hạn chế tối đa việc xử lý bằng chôn lấp.
Về phát triển công nghiệp: Đầu tư phát triển cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để tạo thành các trung tâm thu hút lao động. Các khu vực này cần được xác định chính xác quy mô vị trí, tính chất và loại hình cũng như khả năng thu hút lao động. Chất thải rắn công nghiệp cần có biện pháp xử lý, tái chế để tái phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Nước thải, chất thải rắn công nghiệp phải được xử lý đạt tiêu chuẩn quốc gia rồi mới được đưa đến các hệ thống thoát thải và xử lý chung của đô thị.
Quản lý, bảo vệ tài nguyên – môi trường: Đầu tư cải thiện vệ sinh môi trường, giữ gìn giá trị văn hóa lịch sử của mỗi đô thị, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, xây dựng các đô thị xanh, sạch, đẹp. Quy hoạch phân vùng chức năng hợp lý, đảm bảo đáp ứng tốt nhất các nhu cầu về chỗ ở, chỗ làm việc, đi lại, nghỉ ngơi giải trí cho cá nhân và toàn xã hội.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước: Đầu tư tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong quá trình lập quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị và đô thị hóa bền vững, đảm bảo cho các đô thị được xây dựng theo đúng quy hoạch, kế hoạch và pháp luật. Thành lập hệ thống quản lý tài nguyên môi trường, hệ thống quản lý xây dựng PTĐT, hệ thống quản lý và xử lý ô nhiễm.
Phú Yên hiện có 7 đô thị gồm một đô thị loại 3 (TP Tuy Hòa), 6 đô thị loại 5. Trong đó, thị trấn Sông Cầu đang đề nghị công nhận đô thị loại 4 trong năm 2008 và huyện Sông Cầu phấn đấu trở thành thị xã vào năm 2010. Theo các đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị, dự kiến đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có một đô thị loại hai, 3 đô thị loại 4 và 5 đô thị loại 5, chưa kể các khu thị tứ, khu dân cư phục vụ các khu công nghiệp, khu công nghệ cao…
LẬP QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VÀ ĐÔ THỊ HÓA BỀN VỮNG
Xây dựng chiến lược quy hoạch tổng thể phải song song và gắn liền với việc xây dựng các quy hoạch chuyên ngành như: hạ tầng kỹ thuật, bảo tồn di tích, cảnh quan và bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường. Từ đó xây dựng nên bản sắc, đặc trưng đô thị.
Xác định ranh giới đô thị và lập kế hoạch tách nhập hợp tác chia sẻ chức năng với các khu vực lân cận;
Xác định ranh giới các khu vực trọng điểm về kinh tế, môi trường, văn hóa. Đối với từng đô thị, cần lập kế hoạch ưu tiên đầu tư xây dựng các khu đô thị mới và kế hoạch cải tạo, làm mới các khu dân cư nội đô;
Đề xuất chương trình xử lý ô nhiễm, lập kế hoạch cải thiện môi trường sinh thái đô thị, lập kế hoạch bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên.
Quá trình đô hị hóa nông thôn làm biến đổi bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội và kiến trúc. Nó tác động mạnh mẽ đến từng cá thể trong cộng đồng dân cư từ điều kiện sống đến tất cả các hành vi ứng xử. Sự chuyển biến từ tư duy sản xuất nông nghiệp và văn hóa làng xã có truyền thống lâu đời sang tư duy sản xuất công nghiệp hiện đại, lối sống thành thị và sự tiếp cận với công nghệ cao khi diễn ra với tốc độ nhanh, mạnh nếu thiếu định hướng sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường về mặt xã hội mà nông dân, bộ phận dân cư chiếm đa số tại khu vực nông thôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Chính vì vậy, để tiến trình đô thị hóa thật sự bền vững, đạt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và cải thiện điều kiện sống của nhân dân thì bài toán đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý là phải tìm được giải pháp phù hợp trong việc định hướng phát triển đô thị mà công tác quy hoạch xây dựng đô thị theo hướng phát triển bền vững là vấn đề cần phải quan tâm giải quyết tốt.
Quan điểm đô thị hóa bền vững Khái niệm phát triển bền vững đô thị đã được thế giới tiếp nhận và từng bước thực hiện từ hơn 30 năm trước. Tuy nhiên mức độ phát triển đô thị bền vững phụ thuộc vào tỉ lệ đô thị hóa của từng quốc gia. Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác ở châu Á, do quá chú trọng vào phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa vì thế cũng diễn ra với tốc độ rất cao trong khi khả năng đáp ứng các dịch vụ đô thị không phát triển kịp mà hậu quả là sự mất cân bằng trong cơ cấu đô thị. Theo thống kê thì cứ 3 người dân đô thị có một người sống trong các khu ổ chuột và 70% lượng khí thải gây ô nhiễm là do các phương tiện giao thông. Hơn nữa, các vấn đề về giao thông, cấp điện, nước và xử lý chất thải cũng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ngày nay, các nước trên thế giới đều thừa nhận rằng đô thị hóa đang là nguyên nhân chính dẫn đến sự biến đổi khí hậu trái đất và Việt Nam được Ngân hàng thế giới dự đoán là một trong năm quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì vậy, quan điểm phát triển bền vững và quy hoạch đô thị theo hướng phát triển bền vững đã được Chính phủ xây dựng thành chương trình nghị sự quốc gia 21: Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt
Th.S HUỲNH LỮ TÂN