Thứ Hai, 23/09/2024 23:34 CH
Thu nhập cao từ mô hình trồng sâm nam
Chủ Nhật, 02/06/2019 06:22 SA

Ông Nguyễn Ngọc Vui với mô hình trồng cây sâm nam mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình - Ảnh: NGỌC HÂN

Từ chỗ kinh tế khó khăn, sản xuất bấp bênh, nhiều gia đình hội viên nông dân ở thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa đã mạnh dạn đưa cây sâm nam rừng lấy lá (sâm nam) về trồng trên đất vườn mang lại thu nhập cao.

 

Sâm nam thường mọc tự nhiên trong rừng, trên núi hoặc các khu vườn hoang dại, được nhiều người sử dụng lá tươi vò nát để làm thạch, có tác dụng thanh nhiệt, tốt cho sức khỏe.

 

Hái lá ra tiền

 

Ông Nguyễn Văn Trí, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hòa Vinh, cho biết: Nhiều năm trước đây, một số hộ dân ở địa phương sống bằng nghề đi hái lá sâm nam ở rừng núi khu vực đèo Cả. Thường sau mỗi ngày đi hái lá sâm nam, mỗi người mang về vài ba ký, đem bán để chế biến thức ăn giải nhiệt. Về sau, do nhu cầu tiêu thụ lớn mà nguồn lá sâm nam ngày một khan hiếm, người dân bắt đầu trồng sâm nam quanh vườn nhà.

 

Ông Nguyễn Ngọc Vui ở khu phố 1, thị trấn Hòa Vinh là một trong những người đi đầu trồng sâm nam. Với 10.000 gốc sâm nam, mỗi tháng ông Vui thu hơn 1 tạ lá, thu nhập khoảng 7 triệu đồng.

 

Chia sẻ về cách trồng, ông Vui cho biết: Sâm nam khá “khó tính”, đất trồng phải cao ráo, có mùn, một ngày tưới nước 2 lần vào sáng và tối. Sâm nam cần nhiều nước nhưng không chịu được úng nên những vùng đất thấp phải thoát nước kịp thời. Vì là cây dây leo nên phải làm giàn. Trồng sâm nam để lấy lá nên việc bón phân, ngăn ngừa sâu ăn lá là khâu quan trọng nhất. Vì thế cần bón lót phân chuồng hoai mục, khi cung cấp đủ chất dinh dưỡng lá sẽ to và dày.

 

“Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn, nhờ trồng sâm nam, mỗi năm tôi thu lời khoảng 100-140 triệu đồng từ việc bán lá, hạt giống và làm thạch. Tôi cũng không ngờ loại dây leo có nguồn gốc hoang dại này lại chính là “cây xóa đói giảm nghèo”, ông Vui phấn khởi nói.

 

Bắt đầu trồng từ năm 2015, vườn sâm nam của gia đình ông Lê Văn Tiên ở khu phố 1, thị trấn Hòa Vinh cũng đã mang lại nguồn thu nhập cao từ nhiều năm qua. Ông Tiên cho biết: “Thấy người quen trồng sâm nam đem lại hiệu quả kinh tế nên tôi mới tìm giống về trồng. Lúc đầu tôi mua lẻ vài gốc về trồng thử, sau đó mua hạt giống để ươm trồng tại vườn nhà. Sâm nam ươm trồng khoảng 6 tháng là có thể thu hoạch lá được.

 

Hiện gia đình tôi đang trồng hơn 5.000 gốc trên 800m2 đất và đang phát triển khá tốt. Mỗi tháng thu hoạch lá 4 đợt, bình quân mỗi đợt khoảng 20kg, bán với giá 70.000 đồng/kg, kiếm cũng được gần 6 triệu đồng. Từ khi tôi trồng loại dây leo này chưa khi nào bị ế hàng. Lá sâm nam bán chạy nhất vào những tháng nắng nóng, thương lái đến tận vườn hái lá chứ không phải mất công chở đi bỏ mối xa như trước”.

 

Không để cung vượt cầu

 

Nhiều hộ dân trồng sâm nam ở huyện Đông Hòa cho biết, sâm nam cũng tương tự như rau ngót, rau dền vậy. Có thể nói, ai cũng biết, ai cũng có thể trồng để sử dụng trong gia đình, nhưng do nhu cầu ngày càng cao, nên sâm nam bắt đầu có được thị trường tiêu thụ, và từ đó diện tích trồng cũng dần được nhân rộng. Hiện tại ở thị trấn Hòa Vinh, khu phố 1 là nơi bà con trồng sâm nam nhiều hơn hết, với trên 30 hộ. Đây cũng được xem là mô hình sản xuất có hiệu quả đối với những hộ ít đất sản xuất.

 

Tiêu biểu như hộ bà Võ Thị Nguyên, gần 2 năm nay, nhờ trồng sâm nam mà gia đình bà không còn phải tha phương đi làm thuê làm mướn nữa. Tận dụng ít đất vườn để trồng sâm nam, mỗi tháng gia đình bà cũng có nguồn thu nhập kha khá.

 

Ngoài ra, mỗi khi những hộ khác đến đợt thu hoạch lá sâm, bà Nguyên cũng có cơ hội đi hái thuê cho những hộ trồng nhiều, mỗi ký được trả công 5.000 đồng. Hầu như trong xóm cứ cách 1-2 ngày là có vườn thu hoạch lá sâm. Những người ít đất, cần việc làm như bà Nguyên có cơ hội kiếm được công ăn việc làm, với thu nhập từ 50.000-70.000 đồng/ngày.

 

Theo ông Nguyễn Văn Trí, trồng sâm nam là mô hình hữu ích đối với những hội viên ít đất sản suất, giúp gia tăng thu nhập cho nông hộ, nhất là vào thời buổi mà lợi nhuận của người trồng lúa đang gặp khó. Vì vậy, Hội Nông dân thị trấn đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp sâm nam và liên kết những hộ trồng loại dây leo “xóa đói giảm nghèo” này lại với nhau, nhằm huy động được số lượng lớn, dễ tiêu thụ.

 

“Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con địa phương, nhất là đối với những hộ đang trồng sâm nam, hoặc có ý định sẽ trồng, cần phải thận trọng, vì loại dây leo này dễ nhân giống, dễ canh tác, nên cũng dễ xảy ra tình trạng thừa sản lượng, rớt giá như đã từng thấy ở một số loại nông sản khác. Vì vậy, bà con chỉ nên nhân rộng một cách có chọn lọc và tập trung”, ông Trí khuyến cáo.

 

Có thể nói, phát triển một loại cây trồng mới, mô hình mới, có hiệu quả tốt cho bà con là điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc phát triển thiếu tính quy hoạch như thời gian vừa qua, đã xảy ra tình trạng cây nào có giá bà con đua nhau trồng, rồi đến một lúc diện tích quá nhiều sẽ làm cho giá cả rơi tự do, khiến bà con chịu nhiều thiệt hại. Hy vọng, với những định hướng và chính sách phù hợp của các ngành, các cấp tại địa phương, mô hình trồng sâm nam ở thị trấn Hòa Vinh sẽ không phải lặp lại tiền lệ này.

 

NGỌC HÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek