Thứ Ba, 14/01/2025 01:36 SA
Phụ nữ Ea Bá gìn giữ nghề dệt thổ cẩm
Thứ Năm, 07/03/2019 00:00 SA

Mí Lát hướng dẫn con em trong buôn dệt thổ cẩm - Ảnh: NGỌC LY

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang có nguy cơ mai một dần ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Song, tại buôn Bá, xã Ea Bá (huyện Sông Hinh), phụ nữ Ê Đê vẫn âm thầm ngày đêm miệt mài bên khung cửi nhằm gìn giữ nghề truyền thống này.

 

Về buôn Bá, xã Ea Bá vào những ngày đầu tháng 3, cánh đồng lúa nước dọc hai bên đường bê tông phẳng lỳ dẫn vào buôn vừa được ngả rạ, còn thơm mùi rơm mới. Mùa màng thu hoạch xong cũng là lúc phụ nữ Ê Đê ở trong buôn dành nhiều thời gian hơn để ngồi bên khung cửi. Mí Lát có thâm niên nhất trong nghề dệt thổ cẩm ở buôn Bá.

 

Năm nay đã 64 mùa rẫy, thế nhưng đôi mắt mí vẫn sáng, đôi tay khéo léo tạo nên những tấm thổ cẩm đẹp mắt, hoa văn tinh xảo. Ngồi bên khung cửi, Mí Lát chia sẻ: “Từ nhỏ tôi được mẹ dạy cho cách xe vải, nhuộm màu, dệt túi vải, khăn, địu... rồi khó dần lên là dệt chăn, quần áo truyền thống. Cứ như vậy, tôi biết, thành thạo nghề dệt thổ cẩm truyền thống và giữ cho đến bây giờ”.  

 

Khi thấy chúng tôi tò mò, Mí Lát đã tận tình giải thích từng bộ phận của khung dệt. Dụng cụ dệt thổ cẩm gồm có nhiều bộ phận rời, là những thanh gỗ dài dùng để luồn sợi dọc và dập sợi ngang. Tùy theo từng loại sản phẩm mà người thợ mắc sợi vào khung ngắn hoặc khung dài. Khi dệt, người phụ nữ phải ngồi xuống sàn nhà, hai chân duỗi thẳng đạp lên một thanh gỗ nằm ngang để căng mặt sợi trên khung. Tất cả các đầu nối của sợi dệt được gộp lại, buộc vào một chỗ chắc chắn. Khi dệt, người thợ dùng chân và lưng của mình để căng sợi.

 

Cũng theo Mí Lát, trước đây nguyên liệu để dệt thổ cẩm của người Ê Đê được làm từ sợi bông và màu nhuộm từ vỏ cây. Để tạo nên những tấm thổ cẩm đẹp thì sợi bông chính là nguồn nguyên liệu chủ yếu. Xưa kia, bông được trồng khắp nơi trên đất của đồng bào Ê Đê: đất rẫy, đất thổ, gieo hạt vào tháng 2 và tháng 3, thu hoạch vào tháng 6 và tháng 7 âm lịch hàng năm.

 

Đến mùa bông chín, người dân hái bông từ rẫy về nhà rồi bắt đầu các công đoạn sơ chế gồm: nhặt bông, cán bông, lăn con cúi, tiếp đến là kéo sợi chỉ, chế biến sợi, nhuộm màu và cuối cùng là mắc sợi chỉ vào khung dệt. Nhưng sự độc đáo trên từng miếng thổ cẩm của người Ê Đê là ở cách phối màu. Để tạo thành những sợi chỉ màu khác nhau, công thức nhuộm màu dựa vào kinh nghiệm ngàn đời của cư dân khi họ biết được tính năng của các loại lá, vỏ và rễ cây rừng. Để có màu xanh chàm, họ dùng vỏ cây chàm, muốn có màu vàng thì dùng vỏ cây nhàu hoặc củ nghệ, muốn có màu nâu thì dùng vỏ cây dẻ…

 

Hiện nay, sợi chỉ để dệt thổ cẩm được phụ nữ Ê Đê mua ở các cửa hàng, không phải trải qua công đoạn nhuộm vỏ cây nên rút ngắn thời gian. Người Ê Đê chọn tông màu đen và đỏ sẫm làm màu nền chủ đạo trên thổ cẩm của mình; chủ đề hoa văn cũng được khéo léo lựa chọn là hình ảnh cây, lá, phương tiện, con vật gần gũi với đời sống hàng ngày, với mong ước cuộc sống hài hòa, với thiên nhiên, nương rẫy, núi rừng, nơi người dân sinh sống.

 

Ở buôn Bá, ngoài Mí Lát, còn nhiều phụ nữ đam mê với nghề dệt thổ cẩm truyền thống như Mí Nguyệt, Mí Loan. Theo Mí Nguyệt, để dệt một tấm thổ cẩm đẹp, người nghệ nhân cần có sự tỉ mỉ, cần cù, tư thế ngồi song song với khung dệt, chân phải đạp mạnh, tay chắc để cho tấm vải bền và cứng. Ngoài ra, tùy năng khiếu, sở thích của từng người, mỗi tấm thổ cẩm có nét hoa văn riêng.

 

Hiện nay, phụ nữ Ê Đê trong buôn không chỉ dệt thổ cẩm cho các thành viên trong gia đình mà còn dệt thổ cẩm để bán cho người dân khi họ cần trong các nghi lễ truyền thống, cưới, hỏi… Thông thường để dệt nên một tấm thổ cẩm mất khoảng 15 ngày, với giá bán từ 1,5-2 triệu đồng/bộ đồ truyền thống nam. Mí Nguyệt cho hay, giá trị kinh tế của một bộ thổ cẩm hiện không cao nhưng vì lòng yêu nghề truyền thống, mí vẫn quyết tâm bám khung cửi, truyền dạy cho con em trong buôn để gìn giữ nghề.

 

Chị Nay Hờ Bóc hiện là cán bộ xã Ea Bá. Ngoài thời gian đi làm, chị thường xuyên tham gia lớp dạy dệt thổ cẩm tại trường dạy nghề huyện. Về buôn, chị được các nghệ nhân lớn tuổi chỉ thêm những nét hoa văn độc đáo đặc trưng của đồng bào mình. “Tôi rất tự hào vì tự tay dệt được bộ đồ thổ cầm truyền thống của dân tộc mình để mặc mỗi khi ở buôn, xã hoặc trường có sự kiện lớn”, chị Nay Hờ Bóc chia sẻ.

 

Ông Lơ Mô Y Xóa, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bá, cho biết: “Bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa cổ truyền của người Ê Đê mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, giúp địa phương giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân”.

 

Cuộc sống hiện đại đang vắng dần hình ảnh người phụ nữ Ê Đê dệt thổ cẩm ở buôn làng. Tuy nhiên, vì đam mê với nghề truyền thống của ông cha, phụ nữ Ê Đê ở buôn Bá, xã Ea Bá vẫn quyết tâm giữ lửa, để nghề dệt thổ cẩm mãi là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào.

 

Dệt thổ cẩm là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Ê Đê huyện Sông Hinh. Tuy nhiên, hiện số nghệ nhân giỏi và tâm huyết với nghề rất ít, thậm chí có nguy cơ mai một. Để bảo tồn nghề truyền thống này, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện để người dân học nghề, đồng thời đẩy mạnh quảng bá du lịch, giúp bà con có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, gần đây địa phương thúc đẩy hình thức du lịch văn hóa cộng đồng tại buôn Lê Diêm và được nhiều du khách hưởng ứng. Các sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào Ê Đê được đánh giá có chất lượng, tinh xảo với nhiều hoa văn sinh động.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Ksor Y Phun

 

NGỌC LY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek