Mạng lưới y tế công lập của tỉnh đang là hệ thống chủ yếu cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT), dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) cho người dân trên địa bàn tỉnh. Hiện nhiều cơ sở y tế công lập xã hội hóa để thu phí người dân khi thực hiện dịch vụ KHHGĐ có chất lượng. Tuy nhiên do thiếu chính sách khuyến khích, không đồng bộ, việc xã hội hóa tại cơ sở y tế không tận dụng được nguồn nhân lực hiện có để mở rộng loại hình và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Cần thiết phải xã hội hóa
Hiện 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh đã có trạm y tế và hầu hết đều có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi được đào tạo, có kỹ năng cơ bản về KHHGĐ/SKSS, có khả năng thực hiện kỹ thuật đặt/tháo vòng, tiêm thuốc tránh thai. Tại tuyến tỉnh có Bệnh viện Sản - Nhi, tuyến huyện có đội KHHGĐ/SKSS hoặc khoa sản thuộc trung tâm y tế… đều có đủ điều kiện thực hiện các dịch vụ KHHGĐ/SKSS gồm đặt vòng, tiêm thuốc, cấy thuốc tránh thai, triệt sản…
Bên cạnh y tế công lập, nhiều năm qua, y tế tư nhân cũng đóng góp tích cực trong việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, trong đó có dịch vụ KHHGĐ; một số phòng khám tư nhân cũng đã cung cấp dịch vụ tiêm, cấy thuốc tránh thai, đặt vòng tránh thai. Sự tham gia cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS của y tế tư nhân đang là động lực thúc đẩy cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng Nhà nước “bao cấp” PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS; trong khi hiện nay Nhà nước chỉ ưu tiên cấp miễn phí cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn, phần còn lại huy động đóng góp của cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó, việc phát triển xã hội hóa ở tỉnh còn nhiều khó khăn, nên chưa đáp ứng được nhu cầu so với tiềm năng phát triển từ thực tiễn. Thiếu chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS nên không tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tham gia xã hội hóa, phát huy lợi thế và phát triển bền vững. Ngân sách nhà nước đầu tư cho PTTT chỉ đáp ứng một phần của nhu cầu về PTTT. Trong thời gian tới, PTTT hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS miễn phí sẽ giảm dần do ngân sách nhà nước ngày càng giảm, trong khi đó, nhu cầu đáp ứng PTTT ngày càng tăng. Vì vậy, khi thị trường chưa phát triển sẽ gây ra sự thiếu hụt PTTT nếu không triển khai xã hội hóa.
Từ đòi hỏi của thực tiễn, cần thiết và cấp bách như trên phải xây dựng mô hình thí điểm cho các cơ sở y tế đủ điều kiện tham gia xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của chiến lược Dân số -SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020, phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Mặt khác, thực hiện xã hội hóa nhằm hướng tới dịch vụ chăm sóc SKSS cho người dân thuận lợi, công bằng và chất lượng, trong đó, việc đầu tư quản lý của Nhà nước, đồng thời người dân ở những vùng có điều kiện kinh tế phát triển có trách nhiệm và đồng thuận tự nguyện chi trả một phần chi phí dịch vụ KHHGĐ/SKSS.
Đa dạng phương tiện tránh thai
Phú Yên đang đặt mục tiêu đến năm 2020 đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân; huy động và nâng cao hiệu quả của các nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho chương trình dân số - KHHGĐ phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường. Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu đa dạng hóa PTTT; tiếp nhận và đưa vào sử dụng ít nhất một chủng loại PTTT mới tại địa bàn triển khai xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS. 100% huyện, thị xã, thành phố triển khai xã hội hóa cung cấp PTTT. Kế hoạch sẽ tác động đến các đối tượng gồm các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có nguyện vọng thực hiện KHHGĐ; nam, nữ tuổi vị thành niên, thanh niên cần sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp để phòng tránh lây nhiễm đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS, phòng ngừa có thai ngoài ý muốn…
Chi cục Dân số - KHHGĐ sẽ truyền thông vận động cấp ủy Đảng, chính quyền; huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực của nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân. Phổ biến nội dung xã hội hóa cung cấp PTTT hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại các cơ sở y tế trong tỉnh nhằm tạo thương hiệu và định hướng cho người có nhu cầu sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ chất lượng; tuyên truyền bằng nhiều hình thức để chuyển tải nội dụng xã hội hóa PTTT; vận động tạo môi trường xã hội đồng thuận thúc đẩy xã hội hóa và phát triển thị trường PTTT.
LÊ BI
Trưởng Phòng Truyền thông Chi cục Dân số - KHHGĐ