Tại cuộc họp sơ kết công tác Mặt trận vừa qua, thôn A được biểu dương khen thưởng vì đã có thành tích vận động nhiều người dân tham gia phát biểu, đóng góp ý kiến trong các cuộc họp. Mới nghe ban tổ chức công bố thành tích, nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì điều này thật mới mẻ, khá lạ. Tôi cũng là một trong số đó.
Kết thúc cuộc họp, được mời dự bữa cơm thân mật cuối năm, sẵn dịp tôi đem điều “mới mẻ, khá lạ” này hỏi ông H là Chủ tịch MTTQ huyện, ông H khẳng định: Khen thưởng về thành tích này là hoàn toàn xứng đáng. Nhiều người cứ nghĩ điều này có gì là khó, nhưng thật sự không đơn giản như mọi người nghĩ. Chúng tôi cũng cân nhắc kỹ lưỡng rồi mới quyết định khen thưởng và đang đề nghị cấp trên tặng bằng khen cho khu dân cư này.
Hôm về thôn này công tác, tôi tìm gặp ông P là Trưởng ban CTMT để tìm hiểu thêm. Nhắc lại thành tích này, ông P phấn khởi lắm, rồi điềm tĩnh nói với tôi về những việc mà Ban CTMT và Ban Nhân dân thôn đã làm được.
Điều dễ nhận thấy lâu nay tại tất cả các cuộc họp, kể cả những cuộc họp đảng viên nơi cư trú đó là chủ trì thông báo chương trình, nội dung cuộc họp hoặc đọc báo cáo xong thì ở dưới đã có một số người ra về. Đa số những người này đến là để nộp giấy mời họp cho có lệ, để đối phó là chính. Còn khi đến phần góp ý các dự thảo báo cáo thì hầu như ai cũng ngồi im như thóc.
Dù chủ trì cuộc họp có gợi ý gì đi nữa vẫn vậy. Nhiều người cho rằng: Nói chi cho mệt, nói lắm cũng thế thôi, ai nghe, ai giải quyết, được cái gì đâu, không khéo lại vạ vào thân... Với kiểu suy nghĩ như vậy nên các cuộc họp ở khu dân cư đều rất tẻ nhạt, có những nơi họp chỉ vỏn vẹn trong vòng 30 phút.
Trước tình hình như vậy, thôn A đã xây dựng mô hình “Vận động người dân tham gia góp ý trong các cuộc họp”. “Để triển khai mô hình này có hiệu quả, chúng tôi đã họp Ban Nhân dân, Ban CTMT thôn, các tổ chức thành viên để phân công nhiệm vụ rõ ràng”, ông P cho biết.
Từ khi triển khai thực hiện đến nay tất cả các ban, ngành, hội, đoàn thể đều phối hợp thực hiện đồng bộ. Các thành viên này phải nêu gương trước, như vận động người thân trong gia đình tham gia đầy đủ, trong một năm, mỗi người phải có ít nhất 2 ý kiến trong các cuộc họp. Cùng với đó, thôn cũng gắn việc thực hiện mô hình này vào bình xét gia đình văn hóa cuối năm.
Gia đình nào đi họp đầy đủ, có nhiều ý kiến xây dựng được biểu dương, khen thưởng trong các dịp lễ và luôn bảo đảm công tâm, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện. Ví dụ như đầu cuộc họp Trưởng ban CTMT điểm danh, nhưng cuối cuộc họp lại giao cho Bí thư Đoàn Thanh niên điểm danh lại để bảo đảm tính khách quan...
“Cô thấy đấy, nhờ thực hiện một cách cương quyết, bây giờ người dân thôn tôi đã trở thành thói quen tích cực đi họp và tham gia góp ý, phát biểu. Việc thực hiện hiệu quả mô hình “Vận động người dân tham gia góp ý trong các cuộc họp” có tác dụng rất lớn trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống, nhất là trong tình hình hiện nay.
Đa phần các ý kiến, kiến nghị đã giúp các cấp lãnh đạo giải quyết các vướng mắc rất hiệu quả, tránh được sự hiểu nhầm, hoặc là việc thưa kiện không đáng có. Khi lòng dân đã hiểu được ý Đảng thì mọi việc đều hanh thông”, ông P cười mãn nguyện.
NHÂN VĂN