Thứ Năm, 26/12/2024 19:03 CH
Nghề đan đát ở Thạnh Đức
Thứ Sáu, 04/01/2019 13:52 CH

Người dân làng Thạnh Hạ chuyên làm vỉ bánh tráng - Ảnh: THÁI HÀ

Trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí bị làn sóng đồ nhựa “soán ngôi”, nhưng những sản phẩm thủ công do người dân thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân) đan đát từ cây mò o vẫn được thị trường ưa chuộng và đem lại thu nhập cho bà con nơi đây.

 

Từ cây mò o của núi rừng

 

Hiện ở thôn Thạnh Đức có nhiều hộ làm nghề với sản phẩm đặc trưng của làng nghề đan đát. Trong đó, người dân ở làng Thạnh Hạ chuyên làm vỉ phơi bánh tráng, bồ (đựng nông sản), sóng chén (kệ, giá để chén bát); ở Thạnh Trung chuyên về giỏ nhốt gà, còn Thạnh Thượng thì nổi tiếng đan ky. Tất cả những sản phẩm này đều lấy nguyên liệu chính là cây mò o vốn có nhiều ở vùng rừng núi của xã Xuân Quang 3. Qua bàn tay khéo léo, cần mẫn của những người thợ đan đát, sản phẩm làm ra mang đậm dấu ấn của lao động thủ công.

 

Theo những người làm nghề đan đát trong làng, cây mò o thuộc họ tre trúc, nhưng nhỏ hơn tre, mọc nhiều ở vùng rừng núi của huyện Đồng Xuân. So với cây tre hay cây trúc thì cây mò o có độ dẻo, bền và người chẻ nan cũng ít tốn công hơn. Tuy nhiên hiện nay, việc khai thác mò o để làm nguyên liệu rất khó khăn. Ông Thái Văn Nghĩa, 58 tuổi, ở làng Thạnh Hạ cho biết với nghề đan đát, khâu khổ nhất là đi rừng lấy mò o. Từ tháng 2 âm lịch, mò o trên núi đã già nên nhiều người trong làng lên rừng chặt để dành. Những năm trước, khắp các vùng núi của huyện Đồng Xuân, đâu cũng có mò o, chỉ cần bỏ công đi vào rừng là chặt được rất nhiều. Khi có hồ Phú Xuân, người dân không được phép đi lại trên hồ nên phải đi vòng rất xa, mà đi xa có khi cũng không chặt được nhiều vì rừng bị phá, bị đốt để trồng các loại cây lấy gỗ khác. Hiện nay, để lấy được mò o, người ta phải chạy xe máy vài chục cây số lên Suối Mây (xã Xuân Phước), thậm chí là vùng giáp với các tỉnh Tây Nguyên, để xe nơi bìa rừng, chặt gom lại rồi thuê xe tải chở về một chuyến.

 

Ông Võ Văn Lộc, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Thạnh Đức cho biết, cả thôn có hơn một nửa dân số làm nghề đan đát. Đây là công việc phụ lúc nông nhàn nhưng là nghề truyền thống được người dân làm quanh năm và là sinh kế của nhiều gia đình. Nguyên liệu chính cho nghề đan đát là cây mò o, loài cây phát triển rất nhanh, sức sống mạnh mẽ, năm nay chặt hết thì năm sau lại lên. Vì vậy, để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống này, địa phương cần phải quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định để người dân có thể khai thác hợp pháp, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của rừng.

 

Giữ “lửa” cho nghề đan đát

 

Nghề đan đát ở Thạnh Đức đã có từ rất lâu đời và hiện nay vẫn gắn bó với đời sống người dân nơi đây. Cả khi đồ nhựa lên ngôi, đồ thủ công qua thời huy hoàng của nó nhưng vẫn còn rất nhiều người dân cần cù, khéo léo “thổi hồn” vào từng sản phẩm để giữ “lửa” cho nghề truyền thống.

 

Vợ chồng ông Phạm Văn Ngọc và bà Nguyễn Thị Thạnh là người ở làng Thạnh Thượng, chuyên về đan ky đã hơn 30 năm. Trong ký ức của bà Thạnh, chợ huyện như La Hai và các chợ lớn của huyện như Long Hà, Đồng Thành cứ mỗi tháng 6 phiên và phiên chợ nào cũng đầy ắp những ky từ Thạnh Thượng đổ về. “Những năm 1980 đến đầu những năm 1990, những bà, những mẹ ở Thạnh Đức đi chợ bán ky như đi hội. Họ đi bộ từng đoàn, mỗi người gánh 15 đôi ky, vừa đi vừa nói chuyện rôm rả xuống các chợ phiên ngủ lại đợi sáng mai bán sớm. Những đôi ky xếp thành hàng dài, đến trưa là bán hết. Thời đó, đồ nhựa còn hiếm hoi, các sản phẩm đan đát từ Thạnh Đức đã đi khắp các vùng núi, vùng biển miền Trung. Nay đồ nhựa nhiều, các sản phẩm muốn phát triển được cần phải đầu tư nhiều công sức, mò o chẻ phải đều, đương phải đẹp, phải bền”, bà Thạnh cho hay.

 

Hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống đang dần bị đi vào lãng quên. Một số mặt hàng của làng như sóng chén không còn chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, bằng việc phát triển nhiều sản phẩm khác, nghề đan đát ở đây vẫn luôn được giữ gìn. Hiện nay, ở Thạnh Đức nổi tiếng với nghề làm vỉ và đương ky. Ngoài bỏ sỉ cho chợ Tuy Hòa, các sản phẩm này còn được khách hàng ngoại tỉnh đặt mua. Riêng ky khá hút hàng, nhà nghề làm bỏ sẵn trong nhà là các chủ xe tải từ Gia Lai ghé qua mua về.

 

Mặc dù sản phẩm đan đát của người dân làm ra đến đâu đều bán hết đến đó nhưng giá cả chưa ổn định. Thời gian tới, thôn sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể tham mưu cho xã để có hướng duy trì nghề truyền thống, giúp bà con yên tâm về vùng nguyên liệu, đầu ra của sản phẩm. Địa phương cũng khuyến khích người dân mở rộng, phát triển hơn nữa nghề đan đát, giúp nâng cao thu nhập và tạo việc làm.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Hảo, Bí thư Chi bộ thôn Thạnh Đức

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek