Chủ Nhật, 05/05/2024 16:54 CH
Nâng cao vai trò của báo chí vì sự ổn định và phát triển bền vững
Thứ Sáu, 04/01/2019 15:28 CH

Phóng viên tác nghiệp tại Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2018 - Ảnh: THÚY HẰNG

Là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, báo chí Việt Nam trong những năm qua đã có bước phát triển đáng kể cả chất và lượng, về các loại hình và nội dung cũng như hình thức. Hệ thống báo chí được phủ rộng khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội nên nội dung tuyên truyền, phản ánh luôn kịp thời, đa dạng, phong phú.

 

Phát huy vai trò phản biện xã hội

 

Thực hiện Luật Báo chí, nhiều năm qua các cơ quan báo chí đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đưa tin chính xác, phản ánh đầy đủ và kịp thời các sự kiện chính trị lớn ở trong và ngoài nước, tuyên truyền, phản ánh sinh động các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng các ngày kỷ niệm, ngày lễ; phản ánh những thành quả về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; phân tích, nêu rõ được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Ngoài lực lượng phóng viên chuyên nghiệp và đội ngũ cộng tác viên trên nhiều lĩnh vực hoạt động của báo chí, nhiều tờ báo, tạp chí đã phát huy vai trò của chuyên gia trong việc phân tích, phản biện các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách liên quan tới lĩnh vực phát triển kinh tế vĩ mô; giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ hoặc các chính sách ảnh hưởng tới số đông người dân. Việc tổ chức sản xuất các tin bài chuyên sâu, chuyên biệt dưới góc nhìn chuyên gia cũng là một lợi thế. Tuy nhiên, lựa chọn này cần đảm bảo các yếu tố: Đầu tư có mũi nhọn, tinh gọn, hiệu quả; đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích và phải phát huy được ưu thế của báo chí là có đội ngũ chuyên gia đông đảo.

 

Một số tờ báo, tạp chí đã phát huy hiệu quả chức năng phản biện xã hội đa chiều và sâu sắc. Đi theo hướng chuyên sâu, chuyên biệt, các cơ quan báo chí có cơ hội kết hợp với nhau, chia sẻ tài nguyên, các giải pháp marketing, tạo ra một hệ sinh thái về truyền thông thu nhỏ, trong đó mỗi cơ quan báo chí có vai trò của riêng mình và tất cả các bên đều phát huy được lợi thế. Một điểm sáng trong hoạt động báo chí thời gian qua là kịp thời phát hiện, đưa tin, bài phản bác những luận điệu, thông tin sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức, cộng đồng; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, các tệ nạn xã hội, phê phán các hành vi tiêu cực, góp phần vì sự ổn định và phát triển bền vững đất nước.

 

Chế bản báo tại Tòa soạn Báo Phú Yên - Ảnh: LÊ HẢO

 

Còn sa đà vào “mảng tối”

 

Bên cạnh những mặt đạt được, thực tế thời gian qua đã chỉ ra một số hạn chế trong hoạt động báo chí. Từ nhiều hội thảo, diễn đàn chuyên ngành về công tác báo chí, các đại biểu và dư luận xã hội cho rằng, một số cơ quan báo chí và nhà báo thông tin sai sự thật, thể hiện chủ yếu ở mảng bài viết về các vụ án. Nhiều trường hợp đưa thông tin sai sự thật nhưng khi bị phát hiện, bị khiếu nại lại không cải chính hoặc cải chính không nghiêm túc. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức nhà nước, tập thể, cá nhân phải điêu đứng, khó khăn khi bị thông tin sai, thậm chí bị vu cáo.

 

Không ít bài báo vi phạm pháp luật, xâm phạm bí mật đời tư cá nhân, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự nhân phẩm của công dân. Tình trạng thông tin thiếu trung thực, suy diễn, thổi phồng, khoét sâu vào những thiếu sót, khuyết điểm của một số tổ chức, cá nhân, tô đậm mặt trái, những hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội... diễn ra đáng lo ngại.

 

Đây là hệ quả của lối làm báo chụp giật vô trách nhiệm, thậm chí xuất phát từ động cơ xấu của một số cơ quan báo chí và một số phóng viên nhằm tạo ra những “sự cố”, những vụ tai tiếng, giật gân, câu khách. Một số ý kiến cho rằng thông tin sai sự thật còn là biểu hiện của sự cẩu thả, tắc trách, coi thường bạn đọc, coi thường pháp luật trong quy trình biên tập, thẩm định, xét duyệt tin, bài của những người có trách nhiệm quản lý và điều hành cơ quan báo chí. Một số nhà báo thường sa đà vào “mảng tối”, mặt trái của đời sống xã hội, tạo nên bức tranh ảm đạm, bi quan về đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị.

 

Những thông tin này tạo nên hiệu ứng không tốt trong công chúng, tạo cái nhìn thiên lệch cho người nước ngoài về Việt Nam; bị các đối tác và đối thủ nước ngoài triệt để khai thác, lợi dụng nhằm gây sức ép với Nhà nước ta trên các bàn đàm phán đa phương và song phương về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư... Trên bình diện khác, một số cơ quan báo chí và nhà báo sa đà vào các thông tin giật gân, tình dục, bạo lực, mê tín dị đoan, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, làm suy giảm tính định hướng, tính giáo dục và tính thẩm mỹ của báo chí...

 

Tăng cường đào tạo chuyên môn nghiệp vụ

 

Để khắc phục tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng từ mỗi cá nhân có trách nhiệm của từng tòa soạn đến mỗi nhà báo, biên tập viên của mọi đơn vị báo chí cần xây dựng nhận thức đúng đắn về vai trò truyền bá văn hóa, đáp ứng nhu cầu văn hóa, hướng tới công chúng và xã hội với tinh thần lương thiện trí thức. Tính khả thi của đòi hỏi này phụ thuộc vào sự tự ý thức, vào năng lực, sự hiểu biết, nhãn quan văn hóa của mỗi người làm báo.

 

Cơ quan báo chí cần chú trọng tuyển chọn người giỏi nghề, có bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp, tâm sáng; phải có khả năng gánh vác công việc, điều hành tự tin, có trách nhiệm, có khả năng tổng hợp, phân tích nhanh, có sức thuyết phục; có khả năng truyền đạt kinh nghiệm cho phóng viên mới vào nghề; có khả năng sáng tạo, phán đoán, nhạy cảm. Cần đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Hỗ trợ các khóa tập huấn, đào tạo về chuyên môn, tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan báo chí.

 

Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ quản lý trên lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản; phát huy mặt tích cực, sự nhạy bén chính trị, tính định hướng báo chí, hạn chế tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo thị hiếu tầm thường. Cần quan tâm đúng mức tới việc định hướng các cơ quan báo chí tuyên truyền về phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm, cổ động cái mới, gương người tốt, việc tốt; đồng thời tránh khuynh hướng tư nhân hóa báo chí; thông tin không trung thực, không chính xác, suy diễn chủ quan.

 

Cơ quan quản lý báo chí cũng cần tăng cường vai trò trọng tài, tư vấn, tham mưu cho các cơ quan báo chí trong xử lý các vụ việc đột xuất; vai trò cơ quan đầu mối xây dựng và định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí trong trách nhiệm quản lý. Tăng cường công tác thanh kiểm tra; phát hiện, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc kiến nghị xử lý đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản. Giữ vai trò kết nối các cơ quan báo chí khác trong phạm vi quản lý để thẩm định nguồn tin, đa dạng hóa nguồn tin, kết nối với độc giả qua phản hồi, qua lấy ý kiến và đưa những ý kiến tâm huyết khoa học. Bằng nhiều giải pháp và hoạt động song song đã tạo thông tin ngày càng đặc thù hơn, chấp nhận và tiếp cận các môi trường thông tin mới, kết nối không giới hạn nhưng theo quy định pháp luật về thông tin truyền thông đã tạo được thế đứng cho cơ quan báo chí trong hoạt động thông tin, góp phần vì sự ổn định và phát triển bền vững đất nước.

 

ThS NGUYỄN HOÀI SƠN

Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek