Phát huy nội lực, vai trò chủ động trong tham gia giải quyết các vấn đề về hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc (GĐHP), phòng chống bạo lực, an toàn thực phẩm…, các cấp Hội LHPN tỉnh đã và đang góp phần tích cực chung tay xây dựng những mái ấm gia đình ngày càng yên vui, hạnh phúc
Phụ nữ thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) tìm hiểu về kiến thức trồng rau an toàn - Ảnh: LAN KHANH |
Vì những mái ấm an vui
Để đưa kiến thức xây dựng GĐHP, phòng chống bạo lực đến gần hơn với hội viên, phụ nữ, trong năm 2018 các cấp Hội LHPN Phú Yên đã lồng ghép việc học tập, đăng ký thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng GĐHP” gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; thành lập các CLB “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “GĐHP”, “Chăm sóc sức khỏe vị thành niên”, “Mẹ và con gái”, “Gia đình không có bạo lực”, “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”…
Qua đó hỗ trợ, tư vấn cho hàng chục ngàn lượt phụ nữ các địa phương trong tỉnh nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình cũng như vai trò trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái; xây dựng cuộc sống hạnh phúc, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình Việt.
Chị Nguyễn Thị Điệp, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) chia sẻ: “Lần nào, Hội tổ chức truyền thông về nội dung hỗ trợ phụ nữ xây dựng GĐHP, bền vững cũng thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ trong xã tham gia. Đặc biệt, các buổi tuyên truyền theo từng chuyên đề về phụ nữ không hút thuốc lá, phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ… được chị em người đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đặc biệt hưởng ứng. Thông qua những buổi truyền thông của Hội, hầu như chị em người đồng bào đã hiểu thuốc lá rất có hại cho sức khỏe con người”.
Mí Mai, một phụ nữ lớn tuổi đang “cai” thuốc lá cười nói: “Trước đây, phụ nữ dân tộc thiểu số ở các thôn, buôn hầu như ai cũng hút thuốc. Không những phụ nữ lớn tuổi, mà người trẻ hơn cũng hút. Nhưng từ ngày được Hội Phụ nữ vận động, bà con bỏ nhiều rồi. Phải bỏ thuốc, mình mới khỏe, kinh tế mới khấm khá, gia đình mới hạnh phúc”.
Không chỉ Ea Lâm, mà Hội LHPN ở các địa phương khác trong tỉnh cũng luôn nỗ lực hỗ trợ phụ nữ xây dựng những mái ấm yên vui, nhất là can thiệp, ngăn ngừa bạo lực gia đình; vận động chị em thực hiện chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, kế hoạch hóa gia đình, phòng ngừa những tệ nạn xã hội, chung tay xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.
Chung tay vì sức khỏe người tiêu dùng
Với chủ đề “An toàn vệ sinh thực phẩm”, có thể nói chưa năm nào các cấp Hội LHPN trong tỉnh lại tổ chức nhiều hoạt động chung tay vì sức khỏe của cộng đồng như năm nay. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Hồng Nga cho biết: Một mặt, các cấp Hội tích cực thành lập 33 mô hình về an toàn thực phẩm (ATTP) ở các địa phương, một số mô hình tiêu biểu như: “Phụ nữ sản xuất rau an toàn” ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất nước mắm sạch” ở xã An Chấn (huyện Tuy An), sản xuất rau an toàn ở xã Bình Ngọc, “Làm đậu hũ sạch” (huyện Đông Hòa), “Bếp ăn 5 tốt” (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh)… để cung cấp những thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trên thị trường.
Mặt khác, Hội Phụ nữ còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ ở khắp nơi trong tỉnh nắm bắt những kiến thức cơ bản về ATTP thông qua các đợt truyền thông tại cộng đồng, sinh hoạt chi, tổ hội phụ nữ; vận động chị em lên tiếng trước các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; tích cực triển khai cuộc vận động “Phụ nữ thực hiện vệ sinh ATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”; kêu gọi mỗi phụ nữ hãy là người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có lương tâm, là tuyên truyền viên tích cực về an toàn vệ sinh thực phẩm…
Bà Nga cho biết thêm, trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán cận kề, ATTP luôn là nỗi lo của người dân. Để cùng với các ngành chức năng tháo gỡ nỗi lo này, các cấp Hội vận động hội viên phụ nữ, các nữ tiểu thương cam kết đảm bảo ATTP trong kinh doanh như: “Phụ nữ kinh doanh thực phẩm tươi sống an toàn”, “Cửa hàng an toàn”, “Nói không với sử dụng hóa chất độc hại khi sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm”… nhằm đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, rau, thịt, cá, nước mắm sạch… cho người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Nữ ở thôn Mỹ Quang Nam (xã An Chấn, huyện Tuy An) bày tỏ: “Tôi nghĩ dù sản xuất, chế biến, kinh doanh ở mặt hàng nào đi nữa thì người kinh doanh cũng cần phải quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng. Người kinh doanh, sản xuất phải có lương tâm, làm ăn chân chính mới có thể phát triển bền vững. Trong thời buổi “loạn” thực phẩm bẩn như hiện nay, các chị em nội trợ nhất thiết phải trang bị những kiến thức hữu ích để trở thành người tiêu dùng thông thái, để chăm sóc sức khỏe cho người thân trong gia đình một cách tốt nhất.
LAN KHANH