Khởi nghiệp từ nghề làm bánh

Khởi nghiệp từ nghề làm bánh

Ấp ủ ước mơ làm bánh từ khi còn là một học sinh THPT, Lê Thị Như Thuận (SN 1993) xếp lại tấm bằng Quản trị văn phòng để tìm tòi, học hỏi nghề làm bánh với những mẫu bánh xinh xắn, thơm ngon. Niềm đam mê ngọt ngào của Thuận giúp chị thành công bước đầu khi khởi nghiệp.

Ấp ủ ước mơ làm bánh từ khi còn là một học sinh THPT, Lê Thị Như Thuận (SN 1993) xếp lại tấm bằng Quản trị văn phòng để tìm tòi, học hỏi nghề làm bánh với những mẫu bánh xinh xắn, thơm ngon. Niềm đam mê ngọt ngào của Thuận giúp chị thành công bước đầu khi khởi nghiệp.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở thôn Hòa Bình, xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), Thuận đến với nghề làm bánh bằng sự đam mê. Tốt nghiệp ngành Quản trị văn phòng Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang, trong thời gian chờ việc, Thuận nhận thấy nhu cầu dùng bánh ngọt của người dân ngày một lớn, nhất là mỗi dịp lễ Tết, trong khi tại địa phương chưa có tiệm bánh nào uy tín. Thế là Thuận bỏ ngang để học nghề làm bánh, chập chững làm bạn với bột, đường, trứng, sữa. Sau vài tháng, Thuận về nhà mở tiệm bánh với cái tên dễ thương: Thỏ.

Ban đầu, Thuận làm những chiếc bánh đơn giản theo khuôn mẫu sẵn có. Về sau, niềm đam mê khiến Thuận càng tìm tòi, sáng tạo ra những kiểu bánh mới lạ, màu sắc sinh động. Chưa có nhiều vốn, Thuận quyết định bán bánh online trên mạng. Chị hiểu rất rõ ưu điểm khi kinh doanh bánh ngọt online là có thể tự mình lên ý tưởng và đăng sản phẩm; đồng thời có thể tư vấn cho khách hàng, làm bánh, giao hàng, cũng như tiếp nhận những ý kiến phản hồi của khách hàng. Thuận tâm sự: “Tôi làm bánh vì đam mê, những chiếc bánh như những người bạn gắn bó với tôi như hình với bóng. Làm bánh ngọt giống như làm dâu trăm họ, khách hàng mỗi người mỗi ý, nên muốn dung hòa được hết đòi hỏi người làm bánh không chỉ khéo léo, tỉ mỉ mà phải thật sự yêu nghề, đặt hết tình yêu vào nó”.

Hiện tiệm bánh Thỏ của Thuận cung ứng hầu hết nhu cầu của người dân các xã Sơn Long, Sơn Xuân, Sơn Định (huyện Sơn Hòa), một số xã của huyện Đồng Xuân và TP Tuy Hòa. Cô Thủy ở thôn Phong Hậu, xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa), một khách hàng thân thiết của tiệm bánh Thỏ, nhận xét: “Bánh cháu Thuận làm rất ngon, mềm, ngọt, mẫu mã đa dạng, trang trí hài hòa, làm theo yêu cầu của khách hàng. Chủ tiệm cũng rất vui vẻ, hòa đồng, làm việc tận tâm, trách nhiệm”.

Các sản phẩm của tiệm bánh Thỏ khá đa dạng như: bánh kem sinh nhật, bông lan, bông lan cuốn, su kem, flan, cupcake… Thuận cho biết, vì ở quê nhu cầu người dân mỗi ngày một khác nhau nên số lượng bánh dao động, bánh kem sinh nhật có ngày khách đặt 4-10 cái, ngày lễ Tết có khi tới 60 cái, bánh su kem có ngày 30-40 hộp. Thu nhập trung bình 300.000-400.000 đồng/ngày. Theo chị, để làm ra chiếc bánh ngọt chất lượng, công sức bỏ ra rất nhiều. Ngoài áp dụng kiến thức cơ bản về bột, nguyên liệu kết hợp, người làm bánh còn phải sáng tạo trong chế biến, khéo léo trong việc trang trí, cập nhật xu hướng bánh phù hợp yêu cầu khách hàng, nhất là phải chọn nguyên liệu uy tín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Không dừng lại ở việc tạo niềm tin đối với khách hàng từ những chiếc bánh ngọt chất lượng, chị còn chia sẻ niềm đam mê của mình đối với các bạn có cùng sở thích. Thuận đã giúp hai bạn trẻ học nghề và trở thành những thợ làm bánh giỏi.

Nhận xét về cách khởi nghiệp từ nghề làm bánh của Thuận, chị Nguyễn Thị Thanh Diệu, Bí thư Xã đoàn Sơn Định, nói: “Như Thuận là một trong những đoàn viên thanh niên giỏi, có ý chí nghị lực vươn lên từ chính niềm đam mê của mình mà nhiều bạn trẻ cần học hỏi. Khởi nghiệp với các bạn trẻ đôi khi là những ước mơ, nghề nghiệp, dự án lớn lao. Tuy nhiên, thực tế có nhiều người đã thành công từ những công việc bình dị, tiệm bánh của Thuận là một ví dụ”.

CÚC NGUYÊN

Từ khóa:

Ý kiến của bạn