Có lẽ những vỉa đá ngũ giác hình viên trụ với các thế dựng đứng, nằm ngang, nằm xiên… đủ kiểu dáng giống như những chồng chén, đĩa trong các lò sành sứ nên người dân địa phương đã gọi gành đá ở ven biển thôn Phú Hạnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An là gành Đá Đĩa.
Cũng hình dáng như thế, nhưng những trụ đá đứng song song như song cửa sổ được người dân thôn Thái Long, xã An Lĩnh gọi là Vực Song, các trụ đá ăn sâu vào hang tối đen được gọi là Vực Hòm… Việc tiếp tục khai thác, nâng tầm giá trị của các trụ đá đĩa nhiều nơi ở huyện Tuy An đang đặt ra nhiều vấn đề hấp dẫn.
Xuống gành
Hơn ba mươi năm trước, từ năm 1986 - những nhóm học sinh Trường THPT Trần Phú (huyện Tuy An) lần đầu tiên sung sướng khám phá gành đá độc đáo nằm ven biển thôn Phú Hạnh, xã An Ninh Đông. Từ những thông tin ban đầu được lan tỏa trên các tờ báo in, báo mạng và thông qua các nhà nhiếp ảnh, gành Đá Đĩa được công chúng biết đến là thắng cảnh cấp quốc gia độc đáo có một không hai trên đất nước Việt Nam.
Ngày nay, bên cạnh những cảnh quan đẹp đẽ và hoang sơ của xứ sở hoa vàng cỏ xanh, gành Đá Đĩa là một trong những điểm du lịch thu hút đông đảo du khách đến với Phú Yên. Nét độc đáo của đá ở đây đã khiến nhiều người trầm trồ, khen ngợi và tìm đến để chiêm ngưỡng.
Tuy nhiên, nếu so với một số gành đá có cùng cấu tạo, hình dáng tương tự ở các nước như Hàn Quốc, Iceland đã được du khách tham quan, chia sẻ thì gành Đá Đĩa của Phú Yên còn khá khiêm tốn về quy mô cũng như cách khai thác du lịch. Nhiều người cho rằng bằng mắt thường cũng có thể thấy được bên dưới lớp đất, cây xanh và gai bàn chải phủ kín bên ngoài đang còn tiềm ẩn bên trong những vỉa đá rộng lớn, đẹp đẽ khác. Việc khai quật làm lộ thiên những phần còn lại của đá đĩa hứa hẹn bao điều hấp dẫn.
Đầu năm 2017, Sở VH-TT-DL Phú Yên được sự đồng ý của Bộ VH-TT-DL đã giao cho Ban quản lý di tích triển khai việc phát dọn, bóc dỡ, vệ sinh khu vực gành Đá Đĩa. Công ty TNHH Mỹ thuật - kiến trúc Kiến Sơn (TP Hồ Chí Minh) do họa sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Hà Sơn làm giám đốc đã được chọn thực hiện. Từ đầu tháng 8/2018 đến nay, trong cái nắng chang chang miền biển, những tốp công nhân hàng ngày, hàng giờ phát dọn lớp gai bàn chải ngổn ngang và từng bước làm lộ diện những vỉa đá có cấu hình giống như gành Đá Đĩa đang hiện hữu.
Lên thác
Từ thị trấn Chí Thạnh, trung tâm của huyện lỵ Tuy An đi khoảng 20km hoặc từ ĐT643 từ Hòa Đa đi Sơn Định rồi rẽ ngang giữa đường nơi xã An Thọ, đi thêm 10km nữa là đến thôn Thái Long, xã An Lĩnh. Tại một dòng suối của thôn này đang tồn tại hai thác nước khá lớn là thác Vực Hòm và thác Vực Song. Thác Vực Hòm gần khu dân cư và đường dễ đến hơn nên được nhiều người biết đến. Thác nước cao gần 8m tuôn đổ tung bọt trắng xóa. Vách núi mặt thác có cấu hình là những khối đá viên trụ dựng đứng giống như đá ở gành Đá Đĩa. Ngay dưới thác, nước xoáy sâu vào lòng núi tạo một hang sâu thăm thẳm và tối đen.
Trong thời gian chiến tranh, bộ đội, du kích và nhân dân địa phương đã trú ẩn an toàn trong hang này. Nước chảy quanh năm, lòng suối nhiều cá, cua, ốc, rau rừng… là thức ăn nuôi sống bà con trong suốt cuộc kháng chiến. Hạ lưu của thác là một khoảng rừng rộng với nhiều cây rừng cổ thụ chen lẫn dây leo chằng chịt tạo bóng mát suốt ngày.
Ngược dòng suối hơn 1km về phía thượng nguồn là thác Vực Song. Đường núi khó đi, phải chen chúc trong cây rừng và dây leo rồi tuột theo vách núi trơn trượt, nhưng khi đối diện thác Vực Song, bao mệt nhọc của du khách sẽ biến mất, nhường chỗ cho cảm giác sung sướng của người vừa tìm được của quý. Thác Vực Song thấp hơn thác Vực Hòm nhưng bề ngang rộng hơn và đá dựng đứng song song nhau từ dưới mặt nước lên đến đỉnh thác tạo nét kỳ vĩ và hấp dẫn.
Hạ du của thác có nhiều cụm đá lục giác, ngũ giác nằm trong lòng suối. Nước chảy, rửa trôi làm cho mặt đá trơn láng và ngả màu đen mun. Các loài ốc gạo, cá suối nhẹ nhàng bơi lội trong các hốc đá này. Cũng giống như Vực Hòm, ở hạ du Vực Song, cây rừng cổ thụ đan kín tạo bóng mát suốt cả ngày hợp cùng với hơi nước từ mặt thác đổ xuống tạo khí hậu mát lạnh, nhẹ người.
![]() |
Thác Vực Song ở xã An Lĩnh, huyện Tuy An - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
Ứng xử văn hóa với thác ghềnh
Từ nhiều triệu năm trước, những miệng núi lửa phun trào rồi lắng đọng lại, chìm sâu trong lòng đất để hôm nay rải rác cả một vùng rộng lớn từ miền biển huyện Tuy An đến miền núi huyện Sơn Hòa thỉnh thoảng ta lại bắt gặp những vỉa đá có dạng hình viên trụ. Không chỉ có gành Đá Đĩa mà mặt núi phía đông của thắng cảnh quốc gia Hòn Yến (xã An Hòa), và Bãi Xép (xã An Chấn) cũng có hình dáng tương tự đá đĩa. Cách TP Tuy Hòa 10km thuộc xã An Phú, cách đây không lâu, một công ty khai thác đá cũng khai quật được một vỉa đá có cấu tạo như đá đĩa, một nửa lộ thiên, một nửa chìm trong đất. Song, các cơ quan quản lý đã không kịp thời ngăn chặn khai thác nên hiện nay vỉa đá này đã hoàn toàn biến mất.
Cụm từ “lên thác, xuống ghềnh” đã hàm chứa những gian nan, vất vả khi đi đến những vùng đất này. Điều đó càng đúng hơn nữa khi nói đến hệ thống giao thông đến với các thác, ghềnh ở Tuy An. Sau khi phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được trình chiếu, những ngày lễ, Tết, đường đến gành Đá Đĩa luôn trong tình trạng kẹt xe. Có những lúc huyện Tuy An phải huy động cảnh sát giao thông để điều tiết giao thông do mật độ du khách đến gành quá dày. Hiện nay đường đến gành Đá Đĩa đang được nâng cấp, mở rộng nhưng vẫn còn hẹp, khả năng kẹt xe trong tương lai vẫn khó tránh khỏi.
Đường đến thác Vực Hòm và Vực Song thì khó tưởng tượng được. Mùa mưa khỏi bàn chuyện đến các địa điểm này, còn mùa nắng thì chỉ xe hơi gầm cao hoặc xe máy số mới đi được, còn xe tay ga thì nên quên đi. Đường bộ đi qua xã An Lĩnh là đường đất cấp phối đá dăm, đầy hố, hầm và dốc cao, rất khó đi. Đó là đường để đến gần các thác, còn từ khi rời xe để đi đến thác sẽ gian nan hơn nữa.
Việc mở đường để thuận tiện cho du khách đến với các thác, ghềnh là quan trọng và cấp thiết để đánh thức những tiềm năng còn tiềm ẩn trong lòng đất. Việc khai thác các tài nguyên này cũng không đơn giản bằng việc chăng dây, thu tiền của khách mà phải đầu tư một cách có trách nhiệm và đừng làm hỏng cảnh quan vốn đẹp tự nhiên của các tài nguyên này. Hiện nay, việc khai quật để phát lộ những phần đá còn tiềm ẩn trong lòng đất ở gành Đá Đĩa đang được thực hiện một cách cẩn trọng.
Kiến trúc sư Nguyễn Hà Sơn cho biết: Công nhân của công ty hiện nay chủ yếu thực hiện theo phương thức thủ công. Họ dùng cuốc, xẻng, thậm chí chỉ dùng tay để gạt các lớp đất bám trên mặt đá. Họ chuyền tay nhau những xô đất đem đổ đúng chỗ quy định chứ không đổ xuống biển. Sau khi hoàn chỉnh phần đào xới để đá được lộ thiên, họ sẽ dùng nước để rửa trôi, làm sạch bề mặt đá. Theo quy luật tự nhiên, sau một thời gian lộ thiên, tiếp giáp với gió mưa đá sẽ chuyển màu và lúc đó cả một khối lớn đá đĩa sẽ óng ánh, phát lộ vẻ đẹp như tự nhiên vốn có.
Kiểm tra việc khai quật các tầng đá bên trong lớp đất ở gành Đá Đĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng đã chỉ đạo các đơn vị thi công phải hết sức thận trọng, tránh làm hỏng vẻ tự nhiên của đá, tránh xâm phạm vào di tích văn hóa của dân cư bản địa như Lăng Ông ở bên cạnh gành. Đặc biệt, không cần thiết phải bóc dỡ hoàn toàn, làm lộ diện hoàn toàn các khối đá mà phải giữ lại một chút gì đó bí ẩn, để du khách tiếp tục tưởng tượng ra những vẻ đẹp còn tiềm ẩn bên trong những lớp đất đá kia. Trong tương lai, tỉnh sẽ tiếp tục có những động thái cần thiết và thận trọng để những tầng đá còn nằm sâu trong lòng đất cất lên tiếng nói và phát huy các giá trị, đem lại lợi ích nhiều mặt cho Phú Yên.
DƯƠNG THANH XUÂN