3 giờ sáng 22/7/2018, trên đồi Cổ Chi, chúng tôi chứng kiến sự trở về cùng đồng đội của liệt sĩ Châu Kim Huệ. Vậy là đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày trận chiến ấy kết thúc, ông và hai đồng đội nằm lại nơi mình trực tiếp chiến đấu với manh chiếu và sự tiếc thương vô hạn của đồng bào. Hôm nay, ông trở về với danh hiệu liệt sĩ Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) trong niềm hân hoan của người thân và đồng đội. Người anh hùng ấy là niềm tự hào của cán bộ và nhân dân huyện Tuy An.
Tác giả và chị Châu Kim Loan, con gái của liệt sĩ Châu Kim Huệ - Ảnh: CTV |
Vâng lời Bác chúng con lên đường
Ngày 1/1/1968, Bác Hồ viết thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!
Vâng lời kêu gọi của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân cả nước ta đã nhất tề đứng lên với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, để mùa xuân này “hơn hẳn mấy xuân qua”.
Thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán Mậu Thân 1968, bài thơ chúc Tết của Bác đã trở thành hiệu lệnh mở màn cho chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy. Suốt từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau, các lực lượng vũ trang quân giải phóng đồng loạt tấn công rộng khắp cả nước, các cơ quan đầu não của địch ở miền Nam. Tại Phú Yên, nhiều mục tiêu quan trọng như Tỉnh đường, Ty Cảnh sát, Đài Phát thanh ở TX Tuy Hòa và các trung tâm chi khu quận lỵ... đều bị lực lượng ta tấn công. Cùng với chiến thắng là sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ, là khúc ca bi tráng về một thời oanh liệt không thể nào quên của dân tộc Việt Nam.
Chiến tranh đã lùi khá xa, công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ về với đồng đội vẫn chưa bao giờ kết thúc. Trong số những chiến sĩ đã hy sinh còn nằm lại khắp nơi trên chiến trường có nhiều người đã ngã xuống trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
50 năm qua, các anh, các chị vẫn bình lặng gửi thân mình vào lòng đất; họ hy sinh, được đồng bào an táng một cách giản đơn, thầm lặng với manh chiếu và bộ đồ loang lổ máu, mãi từ ngày đó cho đến bây giờ. Và đồi Cổ Chi, Vũng Diều, xã An Cư, huyện Tuy An, đêm 22/7/2018 đã ghi dấu sự trở về của liệt sĩ Anh hùng Lực lượng vũ trang Châu Kim Huệ, người hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Trận chiến không cân sức
Theo lịch sử tỉnh Phú Yên, lịch sử huyện Tuy An, lịch sử xã An Ninh và lời kể của nhân chứng cùng thời kỳ, để phối hợp với các LLVT của tỉnh, quân và dân huyện Tuy An có nhiệm vụ tấn công vào quận lỵ Phú Tân, làm ngòi nổ cho tổng tấn công và nổi dậy toàn huyện.
Châu Kim Huệ lúc đó là xã đội trưởng xã An Ninh được giao nhiệm vụ chuẩn bị thế trận trước hai tháng, gầy dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị trận địa, trang bị vũ khí, bố trí lực lượng dẫn đường LLVT vào tuyến xuất phát tiến công. Với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trong thời gian đó, Châu Kim Huệ cùng đồng đội không quản gian lao nguy hiểm, đã trực tiếp xây dựng được ba cơ sở: Nguyễn Được, Nguyễn Khanh, Trần Ngọc Anh.
Ông Nguyễn Được, thương binh 2/4 kể lại, ông được giao nhiệm vụ 10 giờ đêm ngày mùng một Tết dùng thuyền đón tổ du kích 3 người, gồm: Châu Kim Huệ, Nguyễn Văn Cạnh, Nguyễn Cung, do Châu Kim Huệ chỉ huy từ bãi Đò Đăng, Phú Sơn về đồi Cổ Chi, Vũng Diều để phục lót chuẩn bị đến 12 giờ đêm mùng hai rạng mùng ba Tết thì nổ súng thọc sâu tấn công vào quận Phú Tân.
Tuy nhiên, 6 giờ sáng, tổ du kích bị lộ. Tên Nguyễn Hằng chỉ huy trung đội nghĩa quân kéo xuống đồi Cổ Chi. Trong tình huống bất ngờ, Châu Kim Huệ ra lệnh cho tổ du kích nổ súng. Ngay loạt đạn đầu tiên, ta tiêu diệt 1 tên và làm bị thương 2 tên; địch hoảng loạn cầm cự khoảng 10 phút rồi rút lui vào trung tâm quận lỵ cầu cứu chi viện. Chiều và đêm đó, địch vẫn án binh bất động để thăm dò phán đoán lực lượng ta. Châu Kim Huệ chỉ huy tổ du kích củng cố công sự, tiếp tục mai phục sẵn sàng đánh địch.
7 giờ sáng mùng hai Tết, địch huy động hầu hết lực lượng trong chi khu Phú Tân đến bao vây đồi Cổ Chi, lực lượng gồm một đại đội bảo an, một trung đội biệt kích và ba phi nghĩa quân. 7 giờ 30, ta bắt đầu nổ súng ngay trong vòng vây địch. Châu Kim Huệ chỉ huy tổ du kích đánh bật địch xuống chân đồi, sau đó truy kích địch từ đồi Cổ Chi sang tận Làng Mới. Châu Kim Huệ mưu trí chỉ huy tổ du kích luồn lách thoắt ẩn thoắt hiện, giương đông kích tây trên nhiều hướng làm cho địch rối loạn đội hình. Chúng bắn lẫn vào nhau, số chết, bị thương, số còn lại rút lui lên quốc lộ 1, tổ du kích vẫn giữ vững trận địa. Đến 9 giờ 30, được sự chi viện một tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên, một chi đội thiết giáp 12 chiếc, hai máy bay trực thăng chiến đấu, dưới sự chỉ huy của tên quận trưởng Be, sự giúp sức của tên ác ôn Trần Kỳ Lạ và chỉ đạo của 2 cố vấn Mỹ, quân địch chia thành hai gọng kìm dưới đất kết hợp máy bay kéo đến bao vây đồi Cổ Chi. Chờ cho địch vừa vào trong tầm bắn, Châu Kim Huệ ra lệnh chọn mục tiêu nổ súng tiêu diệt một thiếu tá Nam Triều Tiên, bắn bị thương một cố vấn Mỹ và một tên lính bảo vệ. Bọn địch xua quân lùi ra rồi dùng phi pháo, hỏa lực bắn hủy diệt trận địa ta. Châu Kim Huệ chỉ huy tổ du kích ẩn nấp sâu vào hầm bí mật trong lòng đất.
Cho rằng lực lượng của ta đã bị tiêu diệt hoàn toàn dưới làn hỏa lực như mưa của đạn pháo, địch tiếp tục tiến công vào làng Phú Sơn. Nắm chắc tình hình, Châu Kim Huệ chỉ huy tổ du kích bình tĩnh nhắm vào những tên chỉ huy nổ súng, tiêu diệt tên quận phó, bắn bị thương một cố vấn Mỹ, một sĩ quan Nam Triều Tiên và tên quận trưởng Be. Địch hoảng loạn rút chạy, tổ du kích thừa cơ nhanh chóng đoạt hai khẩu súng cacbin. Lúc này, địch điên cuồng cho phi pháo, hỏa lực tiếp tục cày xới làng Phú Sơn, tổ du kích lại một lần nữa lẩn sâu vào lòng đất. Sau khi gần như san phẳng làng Phú Sơn bằng phi pháo, địch tiếp tục tràn lên, vừa đánh chúng vừa kêu gọi đầu hàng. Châu Kim Huệ vẫn kiên cường chỉ huy, động viên tổ du kích chiến đấu tiêu diệt hàng chục tên địch. Đến quá trưa, sau nhiều giờ quần lộn với địch hai chiến sĩ du kích (Nguyễn Văn Cạnh, Nguyễn Cung) hy sinh. Châu Kim Huệ một mình vẫn chiến đấu đến khi súng hết đạn, đập nát súng, ném 2 trái lựu đạn vào đám giặc hòng xông lên bắt sống ông, rồi nhảy xuống giếng Giang tự vẫn không cho địch bắt sống.
Quá tức giận vì thất bại và bị thương, tên quận trưởng Be ra lệnh xuống giếng Giang kéo xác Châu Kim Huệ lên đưa về cồn Gò Khâu xếp hàng cùng với hai liệt sĩ du kích đã hy sinh, rồi đớn hèn bắn vào thi thể các du kích để thị uy, uy hiếp tinh thần của đồng bào. Nhìn xác Châu Kim Huệ, tên quận trưởng Be gầm lên: “To gan, lớn mật không đầu hàng mà tự tử!”. Đến 9 giờ sáng hôm sau (mùng 4 Tết), quần chúng đấu tranh đòi xác ba du kích bọc chiếu đem chôn các liệt sĩ trên đồi Cổ Chi. Anh hy sinh để lại người vợ trẻ và đứa con gái Châu Kim Loan chưa tròn ba tuổi. Sự hy sinh của Châu Kim Huệ và các du kích trong trận Vũng Diều đã tạo tiếng vang lớn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của nhân dân Phú Yên nói chung và huyện Tuy An nói riêng. Trận chiến đấu đó đã tiêu diệt 48 tên địch, trong đó có 2 cố vấn Mỹ, 1 thiếu tá Nam Triều Tiên, 1 quận phó và làm bị thương nhiều binh lính khác, trong đó có tên quận trưởng Be… Trận đánh đã ghi vào lịch sử như một huyền thoại của LLVT Phú Yên, nhân dân tôn vinh đặt tên đường Châu Kim Huệ trong thị trấn Chí Thạnh.
Ngày về bên đồng đội
Châu Kim Huệ - người con của thôn Phú Sơn, xã An Ninh Đông, sinh năm 1938, tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, là người chiến sĩ du kích xuất sắc, Xã đội trưởng xã An Ninh tài ba, đã bao phen làm cho giặc khiếp sợ. Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, tiêu diệt nhiều tên địch. Ông là Dũng sĩ diệt Mỹ, tấm gương anh dũng kiên cường của LLVT huyện Tuy An.
Bà Trần Thị Thu Hương, vợ của Châu Kim Huệ nhớ lại: “Bọn giặc bắt mẹ chồng tôi mang cờ “ba que” đi khắp nơi để tìm cách thuyết phục ông đầu hàng, nhưng ông luôn lẩn tránh, không cho mẹ gặp mình. Tức giận, bọn giặc đã đưa mẹ của ông nhốt vào tù và hành hạ bà hết sức dã man… nhưng bà ấy vẫn không sợ. Bà còn nói: Con tôi ở trong tim tôi!”. Những câu chuyện chiến đấu của Châu Kim Huệ như là những huyền thoại về một người anh hùng, niềm tự hào của nhân dân huyện Tuy An hồi bấy giờ đã đi vào sử sách. Với những cống hiến đặc biệt xuất sắc, ngày 28/4/2018, Châu Kim Huệ đã vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Sau hơn 50 năm ngày Châu Kim Huệ hy sinh, dưới bầu trời Tuy An tự do, hòa bình, chúng tôi - những đồng đội cùng gia quyến của ông kính cẩn đưa ông về bên đồng đội thân yêu tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tuy An. Trước bao anh linh, lòng trào dâng niềm xúc động hồi tưởng về một thời đạn bom đã qua. Xin kính dâng lên các anh hùng liệt sĩ lời tri ân, lời biết ơn sâu sắc về những cống hiến hy sinh của họ cho đất nước nở hoa tươi đẹp như ngày hôm nay:
Nặng tình dâng nén tâm hương
Cúi đầu mặc niệm tiếc thương vô vàn
50 năm tình thương giữ mãi
Nay anh về có đồng đội bên nhau
Cháu con xin được nguyện cầu
Ghi công tạc dạ ơn sâu đáp đền
Tổ quốc ta ngàn đời sáng mãi
Hòa bình rồi nhớ mãi chiến công xưa.
NGUYỄN BÁ THUYẾT