Chủ Nhật, 20/10/2024 06:56 SA
Nghề của sứ mệnh thiêng liêng và cao quý
Thứ Hai, 26/02/2018 09:24 SA

Một ca can thiệp cấp cứu tại Đơn nguyên Tim mạch can thiệp - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: YÊN LAN

Nghề y là nghề của sứ mệnh thiêng liêng và cao quý. Tuy nhiên, bao vất vả, áp lực và bất trắc của nghề này thì chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu.

 

Tng ngày chy đua vi thi gian

 

26 năm àm việc tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - nơi ngày nào cũng tiếp nhận những ca nguy kịch, Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Châu Khắc Toàn thấy công việc ở đây rất... bình thường và “chẳng có gì đáng nói”, ngay cả khi ông và các đồng nghiệp vừa cứu sống một bệnh nhân nguy kịch do sốc nhiễm khuẩn - biểu hiện nặng của nhiễm khuẩn huyết. Những ca sốc nhiễm khuẩn rất khó điều trị, tỉ lệ thành công thấp, nguy cơ tử vong cao.

 

“Điều quan trọng là phải phát hiện sốc sớm; nếu bệnh nhân nhập viện muộn thì khả năng cứu chữa thành công càng thấp”, bác sĩ Châu Khắc Toàn nói. Bệnh nhân N.V.H.D (22 tuổi, ở TP Tuy Hòa) nhập viện vào sáng mùng 1 Tết, khi mạch và huyết áp đều bằng 0. D được các thầy thuốc ở khoa này cứu sống sau gần 4 ngày lọc máu liên tục.

 

Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, ngày nào cũng có những cuộc “chạy đua với thời gian”, giành giật sự sống cho bệnh nhân. Và những người thầy thuốc ở đây đã quen với áp lực, với công việc căng thẳng bất kể ngày hay đêm, khuya hay sớm.

 

Gần 3 giờ sáng 28/12/2017, bệnh nhân N.H.P ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cấp cứu trong tình trạng choáng tim, rối loạn nhịp, đại tiểu tiện không tự chủ, mạch và huyết áp đều bằng 0. Bệnh nhân lập tức được nâng huyết áp, kiểm soát rối loạn nhịp. Đo điện tim, các bác sĩ phát hiện ông P bị nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên, block cấp 3... nên nhanh chóng đưa đến phòng thông tim. Khi đó, bệnh nhân đã ngưng tim.

 

Nhận được tin báo, kíp bác sĩ can thiệp của Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh (đang có mặt tại Phú Yên để tiếp tục chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch vành) nhanh chóng có mặt, khẩn trương thông tim cấp cứu, trong khi bác sĩ Châu Khắc Toàn và bác sĩ Lê Hòa tiếp tục hồi sức tích cực: nâng huyết áp, kiểm soát rối loạn nhịp để không dẫn đến rung thất, bệnh nhân không tử vong trong khi kíp bác sĩ can thiệp của hai bệnh viện tái thông mạch vành.

 

Sau những phút giây vô cùng cam go, căng thẳng, động mạch vành bên phải của bệnh nhân (bị tắc hoàn toàn) đã được tái thông, dù Đơn nguyên Tim mạch can thiệp - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên không có bóng đối xung động mạch chủ để hỗ trợ về huyết động, giúp giữ huyết áp và tuần hoàn, tưới máu cho các cơ quan sinh tồn trong những trường hợp choáng tim, nguy kịch như tại các trung tâm tim mạch lớn trong nước.

 

ThS-BS Phan Văn Trực, Phó Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp - Cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh nói: “Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã hồi sức rất tốt, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong trong khi can thiệp”.

 

Còn bác sĩ Châu Khắc Toàn nói: “Hồi sức là điều trị cái ngọn, can thiệp mạch vành là điều trị cái gốc. Khi tiếp nhận ca này, anh em nghĩ rất khó qua khỏi nhưng vẫn hết sức cố gắng cứu chữa. Nếu không được nhanh chóng can thiệp mạch vành, bệnh nhân chắc chắn tử vong”. Đây là lần đầu tiên bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, ngưng tim được cứu sống tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên nhờ tay nghề, sự tích cực của những người thầy thuốc Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và sự ra đời của Đơn nguyên Tim mạch can thiệp.

 

Trò chuyện với phóng viên trước thềm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, bác sĩ Châu Khắc Toàn, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc không nói về mình mà về công việc của khoa. Năm bác sĩ và 25 điều dưỡng chia ca, điều trị, chăm sóc hơn 20 bệnh nhân nặng, trong khi chỉ tiêu giường bệnh là 15. Có những ngày, khoa tiếp nhận đến 28, 30 bệnh nhân. Và khoa còn đảm trách Đơn nguyên Thận nhân tạo, Đơn nguyên Tim mạch can thiệp.

 

Cùng với Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Lê Phải, Trưởng khoa, bác sĩ Châu Khắc Toàn là người chỉ huy luôn tận tâm tận lực ở “trận địa” đầy cam go này - nơi sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc. Gần 30 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Châu Khắc Toàn vẫn không có ý định rời khỏi khoa, dù ông thừa nhận “ở tuổi này mà trực đêm thì cũng hơi vất vả”. Đam mê nghề y, ông miệt mài với sứ mệnh của mình và luôn nghĩ đó là công việc hết sức bình thường. “Tôi không có sở thích nào khác ngoài làm việc và đọc sách”, bác sĩ Châu Khắc Toàn giản dị chia sẻ.

 

Thầm lặng với nghề

 

Ở Trạm Chuyên khoa lao và bệnh phổi tỉnh Phú Yên, kỹ thuật viên Dương Thị Thả hiện là người thâm niên nhất. Vào ngành từ đầu năm 1990, sau 3 năm được đào tạo về xét nghiệm ký sinh trùng ở Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, chị Thả làm việc tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và có 2 năm tìm ký sinh trùng sốt rét trong phòng xét nghiệm.

 

Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Châu Khắc Toàn kiểm tra tình trạng sức khỏe của bệnh nhân N.H.P sau khi bệnh nhân này qua cơn nguy kịch - Ảnh: YÊN LAN

 

Sau đó, chị được chuyển sang Trạm Chuyên khoa lao. Nói “được chuyển sang” chắc chắn là... không đúng, vì mấy ai muốn làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh tật. Song nhiệm vụ được giao thì phải hoàn thành, và hoàn thành cho tốt, vì công việc này liên quan đến sức khỏe con người.

 

Chị Thả được đào tạo hai tháng tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương. Khi thấy các đồng nghiệp đi trước ở bệnh viện lao xét nghiệm đàm trực tiếp, trưa về chị bỏ cơm. Đó là buổi đầu, khi vừa làm quen với công việc này. Giờ đây, sau 29 năm gắn bó với phòng xét nghiệm, trong đó có 27 năm tìm vi khuẩn lao, chị thấy công việc này cũng... không có gì đáng nói.

 

“Soi để phát hiện ký sinh trùng sốt rét khó hơn soi vi khuẩn lao, vì ký sinh trùng sốt rét có nhiều thể, có những thể rất dễ nhầm lẫn với tạp chất trong thuốc nhuộm, trong lam nên phải nhận dạng kỹ. Soi vi khuẩn lao dễ hơn. Sau khi nhuộm, vi khuẩn lao có màu cánh sen nằm trên nền màu xanh dương, rất dễ nhận thấy dưới kính hiển vi. Tuy nhiên, trong quá trình xét nghiệm đàm tìm vi khuẩn lao, dù có khát nước cũng không thể để đấy mà đi uống nước. Tìm ký sinh trùng sốt rét xong thì chỉ cần rửa tay rồi về nhà, còn tìm vi khuẩn lao xong thì phải tắm gội trước khi ra về, ngày nào cũng vậy, mùa nắng cũng như mùa mưa”, kỹ thuật viên sinh năm 1968 này chia sẻ.

 

Những thầy thuốc ở các chuyên khoa khác có thể tự hào về công việc của mình, còn người làm việc tại chuyên khoa lao đôi khi có suy nghĩ khác. Ngày trước, khi cộng đồng chưa hiểu về bệnh lao, bệnh nhân rất mặc cảm; một số thầy thuốc cũng không muốn cho người khác biết rằng mình làm việc tại trạm lao. Sau này, nhờ đẩy mạnh truyền thông, nhận thức của cộng đồng đã thay đổi.

 

“Niềm vui của tôi là góp phần xác định đúng bệnh để sau đó bệnh nhân được điều trị và bình phục. Có những người nghi bị ung thư, khi có kết quả dương tính với lao, họ rất mừng”, chị Thả mỉm cười chia sẻ.

 

Tình cờ và thật thú vị khi một thầy thuốc làm công việc thầm lặng mà tôi tìm gặp để thực hiện bài viết này lại chính là người bạn đời của kỹ thuật viên Dương Thị Thả. Đó là bác sĩ Trần Ngọc Thân, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên. Bác sĩ Thân làm việc tại Trung tâm Y tế TX Tuy Hòa một thời gian trước khi chuyển sang Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vào năm 1999.

 

“Dự phòng là chăm lo sức khỏe cho cộng đồng chứ không phải cho từng cá nhân cụ thể. Khi tôi làm việc tại Khoa Sốt rét - Nội tiết, có những chuyến công tác ở các xã vùng sâu vùng xa kéo dài cả tuần. Trong đoàn có nhiều bộ phận: nhận định tình hình dịch tễ, xét nghiệm, khám bệnh và phát thuốc… Ban ngày, các kỹ thuật viên côn trùng đi điều tra về bọ gậy, ban đêm chia ca bắt muỗi, nhiều hôm anh em thức cả đêm”, bác sĩ Thân nhớ lại. Những chuyến đi đến các buôn làng xa xôi heo hút, cấp cứu bệnh nhân bị sốt rét ác tính và báo tin cho cơ sở y tế ở địa phương để họ tiếp tục được điều trị là những kỷ niệm khó quên đối với bác sĩ Thân.

 

Mỗi hệ có đặc thù, khó khăn vất vả riêng. Khác với hệ điều trị, công việc của các thầy thuốc ở hệ dự phòng ít người biết đến. Chỉ đồng nghiệp mới thấu hiểu sự vất vả khi các thầy thuốc làm việc không kể giờ giấc, đi sớm về khuya, thứ bảy chủ nhật cũng bị cuốn vào công việc, nhất là những thời điểm có ổ dịch.

 

“Phải tâm huyết thì mới gắn bó lâu dài với công việc này. Làm dự phòng cũng phải vững về chuyên môn, phân tích yếu tố dịch tễ, nhận định tình hình ở một cộng đồng mà không kịp thời thì có thể xảy ra dịch bệnh”, bác sĩ có 30 năm gắn bó với nghề nói. Và khi những người thầy thuốc làm tốt công tác dự phòng thì đồng nghiệp của họ ở hệ điều trị không phải vất vả với công việc cứu chữa; người dân không phải tốn kém tiền bạc, thời gian để có lại sức khỏe.

 

* * *

 

Nghề y là nghề của sứ mệnh thiêng liêng và cao quý. Thế nhưng con của nhiều thầy thuốc lại quyết... không theo nghề của cha mẹ, đơn giản vì họ cảm nhận rất rõ vị mặn của mồ hôi cùng bao vất vả, hy sinh cho sứ mệnh cao quý này.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek