Thứ Ba, 08/10/2024 00:27 SA
Vất vả nghề giáo viên mầm non
Thứ Năm, 07/12/2017 16:00 CH

Giờ sinh hoạt ngoại khóa của cô trò Trường mầm non Ong Vàng (TP Tuy Hòa) từ đồ dùng học tập do các cô giáo tự làm - Ảnh: NGỌC HÂN

Giáo viên mầm non là một nghề không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc và hơn hết đây là nghề làm vì tình yêu trẻ, tận tụy với công việc, không ngừng sáng tạo. Đó là những gì mà nhiều giáo viên mầm non đang miệt mài nỗ lực với các cháu, với đời…

 

 “Làm dâu trăm họ”

 

Nhiều năm gắn bó với nghề giáo viên mầm non, cô Lê Nguyên Vân, giáo viên Trường mầm non Bích Du (TP Tuy Hòa) đã quen với việc mỗi ngày bắt đầu đón trẻ từ 6 giờ 30 và trả trẻ đến 17 giờ 30, ngót nghét 10 tiếng đồng hồ làm việc/ngày. Theo lời cô Vân, để trở thành một giáo viên mầm non thì phải có lòng yêu trẻ vì đặc thù của nghề này đòi hỏi ở các giáo viên tình yêu của người mẹ đối với trẻ.

 

Một ngày, trẻ có gần 2/3 thời gian sinh hoạt ở trường với cô (không tính giờ trẻ ngủ ở nhà). Cô cho ăn, cô dỗ ngủ, cô dạy cho bé kỹ năng sống, kiến thức về môi trường xung quanh, chữ viết, về thẩm mỹ, hội họa, âm nhạc, phát triển thể chất…

 

Không những thế, trẻ còn mong chờ ở cô sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ… “Trong một lớp học, mỗi cháu mỗi tính cách khác nhau, cô giáo là người ở bên các cháu hàng ngày, vì vậy phải theo sát và uốn nắn theo tính cách của từng cháu”, cô Vân cho biết.

 

Còn cô Trần Minh Ngân, giáo viên Trường mầm non Ong Vàng (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Để làm tròn nhiệm vụ được giao, bản thân mỗi giáo viên mầm non phải thực sự có tâm với nghề, coi trẻ như con, luôn quan tâm, yêu thương các cháu; đồng thời phải có ý thức tự học để đổi mới tư duy, phương pháp giảng dạy, tạo sự hứng thú cho các cháu; kịp thời uốn nắn, giáo dục và phát hiện năng khiếu ở trẻ…”.

 

Việc chăm trẻ, dạy trẻ vất vả thế nào hẳn là mỗi người làm cha làm mẹ đều thấm thía. Chỉ một, hai đứa con nhỏ nhiều lúc làm nhiều ông bố bà mẹ nhức đầu, than vãn. Vì vậy, 3-4 giáo viên mầm non phải “gánh” đến khoảng ba, bốn chục cháu/lớp học nên khối áp lực ấy phải nhân lên nhiều lần từ việc lo cho cháu ăn, không ăn phải đút từng muỗng; tổ chức cho cháu chơi, canh từng ly từng tý những hành động đùa giỡn quá trớn…

 

Chị Lê Thị Trang ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) có con gửi tại Trường mầm non Sao Vàng, cho hay: “Mình có con nhỏ đang đi học mầm non. Nhà mới có một đứa mà bản thân nhiều lúc cũng mệt mỏi, trong khi các cô giáo mầm non phải trông chừng mấy chục cháu cùng một lúc từ ăn, ngủ, chơi, học tập thì vất vả thực sự. So với các thầy cô giáo ở các bậc học khác thì đúng là giáo viên mầm non quá vất vả”.

 

Áp lực từ phụ huynh!

 

Cô Võ Như Huệ, giáo viên Trường mầm non Baby (TP Tuy Hòa) tâm sự: “Nếu còn độc thân thì những vất vả trên chẳng thấm vào đâu, chỉ khi bắt đầu làm mẹ, có con mọn mới thấm thía những khó nhọc của nghề. Hết 6 tháng nghỉ thai sản, con còn nhỏ phải gửi nhờ người khác trông hộ, còn bản thân các cô phải lao vào công việc, đi sớm về muộn là chuyện thường. Việc chăm con, vun vén gia đình đối với nhiều cô giáo thật khó chu toàn. Đó là chưa kể khi con ốm, lúc con biếng ăn, lười chơi, nỗi lòng canh cánh lo cho con phải gác một bên để chăm và dạy mấy chục cháu ở lớp học cho trọn vẹn”.

 

Lo lắng bữa ăn, giấc ngủ, học hành, vui chơi cho các cháu chưa phải là tất cả vất vả đối với giáo viên mầm non. Nỗi sợ lớn nhất của các cô chính là áp lực từ phụ huynh. Đưa con đến lớp, giao con cho cô giáo, nhiều phụ huynh tự cho mình cái quyền xét nét, ý kiến với những lời lẽ, hành động lắm lúc vô tâm, lạnh lùng. Con bị ốm, phụ huynh trách cô giáo chăm cháu chẳng ra sao. Con bị trầy xước khi chơi với bạn, phụ huynh mắng khơi khơi cô giáo chẳng lo trông các cháu… Đó là nỗi niềm của nhiều cô giáo mầm non.

 

Phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm hiện nay đòi hỏi bản thân của mỗi giáo viên, mỗi trường mầm non phải nỗ lực hơn trong việc tự tạo đồ dùng học tập, xây dựng các góc học tập, đưa ra nhiều sáng kiến để tạo sân chơi ý nghĩa, tạo được niềm vui, hứng thú cho các cháu. Đặc biệt qua đó góp phần tạo dựng niềm tin cho phụ huynh mỗi khi đưa trẻ đến trường.

 

Cô Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Vàng, cho biết: “Để chia sẻ những khó khăn, vất vả, áp lực của các giáo viên mầm non đang trải qua mỗi ngày, các bậc phụ huynh cần phối hợp với giáo viên và nhà trường để có phương pháp giáo dục, chăm sóc trẻ một cách tốt nhất. Bên cạnh đó các cấp, ngành tiếp tục ban hành những chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non cũng như các chế độ đãi ngộ; đồng thời động viên, chia sẻ, hỗ trợ về vật chất để họ yên tâm công tác, góp phần nâng cao đời sống, giúp giáo viên yên tâm gắn bó với nghề”.

 

Có thể nói, giữa lúc dư luận đang phẫn nộ vì hàng loạt vụ bạo hành trẻ em tại các cơ sở dạy trẻ tư thục, các trường bán công, mẫu giáo như báo chí và mạng xã hội đã nêu, vẫn còn rất nhiều giáo viên tâm huyết và tận tâm với nghề, biết bao giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo dành cả tuổi thanh xuân của mình để bám trường, bám lớp… rất đáng trân trọng.

 

NGỌC HÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek