Thứ Sáu, 11/10/2024 10:15 SA
Hồn quê trong những chiếc cối đá xưa
Thứ Sáu, 29/09/2017 14:00 CH

Một góc khu trưng bày cối đá của ông Trần Anh Thắng - Ảnh: THÁI HÀ

Chiếc cối đá xưa ở nông thôn một thời gian dài được dùng để xay gạo, các loại đậu thành bột làm nguyên liệu cho những loại bánh không thể thiếu trong đời sống của người dân. Ngày nay, chúng được thay thế bởi những chiếc máy nhỏ gọn, hiện đại. Tuy nhiên, với những người yêu thích các món đồ xưa, họ vẫn sưu tầm, lưu giữ chúng để nhắc nhớ về một thời gian nan, vất vả...

 

Lưu giữ hồn quê

 

Nhà bà Nguyễn Thị Dung ở xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) có nghề làm bánh tráng đã được truyền đến mấy đời. Trong ký ức tuổi thơ của bà Dung, chiếc cối đá kẽo kẹt quen thuộc như hơi thở. Bởi cùng với đôi tay tảo tần của mẹ, tiếng cối đá cứ rầm rì, rầm rì khuya sớm để chuẩn bị cho những mẻ bột tráng bánh sớm mai. Gắn bó với chiếc cối đá nửa đời người, những vết chai hằn cứng trên tay, nhưng đến khi có được chiếc cối xay bột chạy bằng điện, bà Dung cũng không nỡ bỏ đi chiếc cối đá xưa. Bởi nó là công cụ quan trọng đã cùng với cả gia đình bà vật lộn trong cuộc mưu sinh ở những thời điểm khốn khó nhất.

 

Bà Dung cho biết: “Mẹ và các dì tôi đều làm nghề tráng bánh từ khi còn rất trẻ nên tôi làm quen với công việc khá sớm. Đến khi lấy chồng, tôi vẫn tiếp tục với nghề. Để đỡ nhọc công, tôi đặt thợ làm một chiếc cối đá đại, rồi gắn vào thêm cái giằng xay để đứng kéo cho đỡ mỏi. Cứ chồng tranh thủ xay bột, phơi bánh, vợ tráng bánh vậy mà cũng qua mấy chục năm, nuôi ba đứa con lần lượt vào đại học. Khi các con ra trường, thấy ba mẹ xay bột bằng tay cực quá, chúng sắm cho cái máy xay bằng mô tơ điện. Nhiều người hỏi mua cái cối đá cũ mà tôi không bán, chỉ để làm kỷ niệm”.

 

Còn ông Đinh Thông ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) không chỉ lưu giữ những chiếc cối đá của nhà mình mà trong khoảng 35 năm trở lại đây, ông Thông còn mua rất nhiều loại cối xay ngày xưa ở nhiều nơi mà ông tình cờ bắt gặp. Mỗi món đồ đã tồn tại từ vài chục đến hơn trăm năm tuổi và chứa đựng trong nó rất nhiều hồi ức. Với giọng thâm trầm, ông Thông cho biết: “Tôi không chỉ mua và sưu tầm cối đá xưa, mà còn tìm lưu lại nhiều nông cụ gắn bó với đời sống nhà nông xưa kia mà người thành phố, lớp trẻ không thể hình dung nổi. Họkhông biết nó là gì, nhầm lẫn món này với món nọ hoặc biết tên nhưng không biết sử dụng như thế nào. Tôi lưu giữ lại những món đồ xưa để nhắc mình nhớ về một quãng đời rất khó khăn của gia đình, để thêm quý trọng tinh thần lao động cần cù, nhẫn nại của cha ông và tự dặn mình phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu”.

 

Nhìn xưa, nghĩ về nay

 

Có nhiều người xem việc lưu giữ các đồ vật xưa như thú tiêu khiển, nhưng sâu xa, họmong muốn sự hiện diện của những món đồ xưa nhắc nhở mình và con cháu thông qua đó mà hiểu được cha ông đã sinh hoạt và lao động sản xuất như thế nào để gầy dựng cuộc sống, từ đó biết trân trọng những thành quả ở hiện tại.

 

Các nông cụ, đồ dùng sinh hoạt của người dân trước đây nói chung và chiếc cối đá nói riêng giờ đang mất dần sự hiện diện trong cuộc sống. Vì vậy, những chiếc cối đá xưa không còn hữu dụng thường bị người dân vứt lăn lóc ở góc vườn, xó bếp. Tuy nhiên, nếu có người hỏi mua, nhiều người vẫn e dè không bán. Bởi nếu nói đồ cổ có nhiều giá trị thì không đúng nhưng đó là món đồ được gia đình họ sử dụng qua nhiều đời và chỉ cần sự hiện diện của nó thôi cũng tạo cho người ta một mối liên hệ, một sự nối dài giữa nhiều thế hệ.

 

Thích sưu tầm những món đồ xưa, ông Trần Anh Thắng phải đi rất nhiều địa phương cả trong và ngoài tỉnh để mua dồn, đổi góp. Góp nhặt từ nhiều nơi, đến nay ông Thắng có cả một bộ sưu tập cối đá hơn 70 chiếc với đủ kích cỡ khác nhau. Ngoài cối đá là món đồ chủ lực, trong bộ sưu tập đồ xưa đó còn có những chiếc nồi đồng lớn nhỏ, những chiếc cối giã cua được bảo quản khá tốt. Trong một không gian tĩnh lặng giữa núi đồi ở xã An Phú (TP Tuy Hòa), những chiếc cối đá được xếp ngay ngắn trong sân vườn với 4 bề là tiếng chim hót, những chậu cây cảnh, những luống rau, cà như gợi nhớ về một thời xưa cũ khi cuộc sống thường nhật còn đơn sơ, đạm bạc.

 

Cối đá xưa đều được đục đẽo thủ công nên về chi tiết và kích cỡ không cái nào giống cái nào. Để thỏa niềm đam mê, ông Thắng đã cất công, bỏ ra kha khá tiền và lặn lội nhiều nơi chỉ để mang “nồi đồng cối đá” về nhà. Nói về lý do thích sưu tầm cối đá, ông Thắng chia sẻ: “Tôi dự định sẽ mở một quán cà phê và trưng bày những chiếc cối đá này ở không gian đó. Tất nhiên, bao nhiêu đó thôi sẽ không đủ tái hiện về một thời xưa cũ, nhưng nó vẫn gợi cho người ta nhớ về một miền của quá khứ. Chiếc cối đá là công cụ phổ biến trong đời sống lao động của nhiều gia đình người Việt, thế nên nó mang trên mình dấu ấn thời gian. Mỗi khi nhìn vào đó, cả tuổi thơ của tôi như sống lại, tôi cảm thấy mình biết ơn những gì có được trong hiện tại và như được tiếp thêm tinh thần để nỗ lực cho tương lai”.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek