Chủ Nhật, 13/10/2024 14:24 CH
Sơn Hà phát triển văn hóa sau Cách mạng Tháng Tám
Thứ Bảy, 02/09/2017 07:00 SA

Lớp bình dân học vụ - Nguồn: Internet

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, nhân dân xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) rất phấn khởi vì cuộc sống độc lập, tự do. Đồng bào các dân tộc trong xã đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau trong sản xuất, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và phát động toàn dân chống nạn mù chữ để xây dựng cuộc sống mới.

 

Phong trào bình dân học vụ

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, song song với việc xây dựng, củng cố, kiện toàn chính trị, Ủy ban hành chính, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc ở xã Sơn Hà đã tích cực vận động tuyên truyền nhân dân về chống “giặc đói” và “giặc dốt”.

 

Về diệt “giặc đói”, toàn dân trong xã đã dấy lên phong trào khai hoang phục hóa sản xuất lương thực, hoa màu và chăn nuôi, nêu cao khẩu hiệu “Tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa”, “tấc đất, tấc vàng”. Nhờ đó mà có lương thực thực phẩm tự cung tự cấp tại chỗ và còn ủng hộ cho bộ đội, cuộc sống nhân dân đổi thay từng ngày.

 

Cùng với việc diệt “giặc đói”, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch về diệt “giặc dốt”, chính quyền và Mặt trận Việt Minh đã phát động phong trào bình dân học vụ và được đông đảo quần chúng nhân dân trong xã hưởng ứng. Theo đó, trẻ già, nam nữ thanh niên trong xã đều tham gia các lớp bình dân học vụ. Giáo viên bình dân học vụ thuộc đủ các giới, tuổi tác, không có chế độ lương bổng, hễ ai biết chữ là đi dạy. Để khắc phục khó khăn thiếu thốn về mực và giấy viết, nhiều người có sáng kiến dùng đất sét để làm phấn, sử dụng cả bút tre, viết chữ lên tường vách vôi, mo cau để học. Nhiều cuộc vận động, hình thức phong phú sáng tạo được đề xuất thực hiện, để mọi người đều có thể tham gia học tập. Về đêm, các xóm Hậu Thuyền, Soi, Mặc Hàn… ánh đèn dầu tỏa sáng tại các lớp bình dân học vụ. Tất cả dấy lên một không khí học tập, cổ động phong trào bình dân học vụ với những câu ca dao, như:

 

Hôm qua anh đến chơi nhà

Thấy mẹ dệt vải thấy cha đi bừa

Thấy nàng mải miết xe tơ

Thấy cháu “i - tờ” ngồi học bi bô

Thì ra vâng lệnh Cụ Hồ

Cả nhà yêu nước thi đua học hành

 

Hoặc:

 

Không ham bồ lúa anh đầy

Ham anh biết chữ làm thầy bình dân

 

Chính quyền và các đoàn thể còn tiến hành đón đường ở các ngã ba, ngã tư hoặc gần cổng chợ để hỏi chữ, đố chữ. Những hình thức hoạt động trên đây đã thúc đẩy toàn dân học chữ quốc ngữ. Nhờ nạn mù chữ được xóa bỏ dần, trình độ dân trí từng bước được tiếp cận với xã hội, đọc được bản tin, nhật trình. Phong trào vận động xây dựng “đời sống mới” được phát động có sức lan tỏa ở các khu dân cư, những tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè… từng bước được đấu tranh ngăn ngừa, đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn xã Sơn Hà ngày càng khởi sắc.

 

Gìn giữ văn hóa truyền thống

 

Cùng với việc vận động toàn dân tham gia xóa nạn mù chữ, chính quyền, Mặt trận Việt Minh xã Sơn Hà còn định hướng nhân dân bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gìn giữ chùa, đền, đình, miếu, tưởng nhớ tiền hiền người có công khai khẩn quy dân lập làng. Và gìn giữ nền văn hóa dân gian phong phú đó là những bài hát hò khoan, hát rập, hát đối đáp, tục ngữ, ca dao… Lúc bấy giờ, cán bộ văn hóa thông tin xã sưu tầm được rất nhiều bài hát, ca dao:

 

Sông Ba chảy qua Thạnh Hội

Đã thương nhau rồi nỡ vội đi đâu…

...

Sông Ba nước chảy lờ đờ

Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi...

 

Hay:

 

Ai về Thạnh Hội mà coi

Con gái Thạnh Hội cầm roi đi cày…

 

Các lễ hội văn hóa truyền thống đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, gần gũi với cuộc sống của mỗi người Chăm H’Roi, Ê Đê ở xã Sơn Hà như: âm nhạc cồng chiêng, múa xoan và các tập tục cúng mừng ăn cơm lúa mới, lễ cưới xin, lễ bỏ mả, cúng bến nước… được phát huy. Trong những dịp lễ, tết đồng bào ở buôn Dốc Cát, Suối Cau tổ chức lễ hội, nam nữ thanh niên nắm tay nhau nối vòng xoan bên ngọn lửa thiêng, tiếng cồng, tiếng chiêng rộn ràng âm vang khắp buôn làng.

 

Nhân dân xã Sơn Hà cùng với nhân dân trong tỉnh và cả nước làm nên thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không chỉ đập tan xiềng xích của chế độ thực dân, phong kiến, bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, dân chủ, mà còn tập trung xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao dân trí và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

 

TRẦN LÊ KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek