Thứ Bảy, 12/10/2024 19:27 CH
Cần bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo
Thứ Sáu, 11/08/2017 14:00 CH

Dù tác nghiệp trong khuôn khổ pháp luật, người làm báo vẫn còn muôn vàn khó khăn, nhọc nhằn trên những nẻo đường đưa cái xấu, cái ác… ra công luận. Tại hội thảo “Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo” do Tạp chí Người làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi vừa được tổ chức tại huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), đại diện các cơ quan báo chí, các nhà báo và các đơn vị chức năng đã lên tiếng đề nghị phải bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo. Báo Phú Yên ghi lại các ý kiến phát biểu tại buổi hội thảo.

 

TS MAI ĐỨC LỘC, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM: Cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo phải là “chỗ dựa vững chắc” cho hội viên

 

Khi nhà báo ngày đêm vượt qua biết bao thử thách và sự đe dọa để bảo vệ công lý thì ai bảo vệ mình? Đó có lẽ cũng là câu hỏi cấp thiết mà nhiều người làm báo đặt ra và đang chờ câu trả lời. Thiết nghĩ, ngoài việc tuyên truyền giáo dục cho các nhà báo cũng như người dân hiểu luật, cần xây dựng một chế tài xử lý riêng đủ mạnh về việc cản trở, hành hung phóng viên khi tác nghiệp, bổ sung vào Bộ luật Hình sự.

 

Ngoài ra, bản thân hội viên khi gặp cản trở, bị đe dọa trong hoạt động tác nghiệp, nhà báo và cơ quan báo chí phải lên tiếng kịp thời và chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng, trước hết là ngay tại cơ quan mình công tác để tạo áp lực dư luận. Cần sự phản ứng kịp thời, đúng mức của các cơ quan báo chí, các tổ chức Hội Nhà báo để các cơ quan có thẩm quyền nghiêm túc vào cuộc. Làm sao để cho toàn xã hội cùng đồng tình, lên án hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp, khi đó, cả cộng đồng sẽ cùng lên tiếng. Như vậy, khi tác nghiệp, ngoài hệ thống pháp luật, người đứng bên cạnh quan trọng nhất với nhà báo là tổng biên tập và ban biên tập. Đây là phương thức bảo vệ quan trọng và hiệu quả cho nhà báo hành nghề.

 

Cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo phải là “chỗ dựa vững chắc” để nhà báo, phóng viên an tâm tác nghiệp một cách chính đáng, đúng pháp luật. Bởi lẽ, Hội Nhà báo Việt Nam có một vai trò, chức năng rất trọng yếu đó là bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà báo. Trong các quyền lợi của nhà báo thì quyền tối thượng, thiêng liêng nhất đó là quyền được làm nghề trong khuôn khổ pháp luật. Đó là quyền lợi tinh thần, cũng là quyền lợi thiết thân nhất của họ và xã hội cũng như các cấp Hội Nhà báo phải bảo vệ quyền đó. Bên cạnh đó, các chi hội và các cấp Hội Nhà báo Việt Nam cũng như lãnh đạo cơ quan báo chí phải thực sự “vào cuộc”, “theo đuổi đến cùng” sự việc khi có hành vi xâm hại hoặc cản trở nhà báo trong quá trình tác nghiệp theo quy định của pháp luật mới mong đảm bảo quyền được thông tin của người dân, sự kỷ cương của xã hội, tính nghiêm minh của luật pháp.

 

ÔNG TRẦN CAO TÁNH, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ TT-TT QUẢNG NGÃI: Nhà báo hãy biết cách tự bảo vệ mình

 

Để tránh những rủi ro, tình huống ngoài ý muốn ảnh hưởng đến sự an toàn của bản thân, phóng viên, nhà báo hãy biết cách tự bảo vệ mình. Cách tự bảo vệ mình tốt nhất là đối với những vụ việc phức tạp muốn đi điều tra, tìm hiểu, phóng viên phải báo cáo lãnh đạo và xin ý kiến chỉ đạo. Nếu cảm thấy cần thiết, có thể liên hệ với chính quyền địa phương nơi phóng viên muốn đến để xin hỗ trợ khi cần thiết. Khi sự việc xảy ra, trong khi cơ quan chức năng và cơ quan có trách nhiệm vào cuộc, người bị hại hãy bình tĩnh, đặt niềm tin vào công lý, không lợi dụng báo chí gây hoang mang và vô tình đẩy cơ quan chức năng vào tình thế khó xử. Ở một khía cạnh khác, đây cũng là vấn đề của đạo đức nghề báo, ý thức và trách nhiệm xã hội của phóng viên, nhà báo.

 

Cùng với cơ quan chức năng kịp thời can thiệp, xử lý những vụ việc hành hung nhà báo, cản trở báo chí tác nghiệp đúng pháp luật, những năm qua Sở TT-TT Quảng Ngãi đã phát hiện, ngăn chặn, đề nghị xử lý và xử lý 15 trường hợp lợi dụng báo chí để trục lợi, giả danh nhà báo để hoạt động, dùng thẻ nhà báo hết hạn sử dụng, thẻ của cơ quan báo chí không đúng quy định để khai thác thông tin và làm những việc ngoài báo chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Chính việc phát hiện, xử lý sớm và kiên quyết những trường hợp này ở Quảng Ngãi đã góp phần làm cho môi trường báo chí thêm trong sạch, danh dự của nhà báo được bảo vệ.

 

NHÀ BÁO NGUYỄN VĂN PHÚ, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO ĐẮK LẮK, TỔNG BIÊN TẬP BÁO ĐẮL LẮK: Các cơ quan, đơn vị nên thực hiện cơ chế hợp tác tích cực với báo chí

 

Trước những vấn đề “nóng” và “nhạy cảm”, nếu có được môi trường pháp lý cũng như môi trường tác nghiệp thuận lợi thì sẽ giúp nhà báo dấn thân đi tìm và đưa sự thật ra trước dư luận. Song, nếu đơn độc đi vào “vùng cấm” ấy, cho dù có mang theo “vũ khí tự vệ” là sự trung thực, khách quan và công tâm để tác nghiệp đi nữa… thì nhà báo vẫn khó cầm chắc được thành công - là mang lại thông tin chân thực cho bạn đọc dưới “tầng tầng, lớp lớp” vỏ bọc được che đậy bằng nhiều hình thức, từ đơn giản cho đến phức tạp, kín kẽ và tinh vi, có khi nguy hiểm khó lường. Vì thế, rất cần sự chia sẻ, vào cuộc của cơ quan chức năng và chính quyền trong điều kiện cho phép để thông tin mang lại thật sự hiệu quả và có lợi cho cộng đồng, xã hội…

 

Việc đưa ra “Quy chế phát ngôn” của từng cơ quan, đơn vị, ban, ngành… cũng đang bộc lộ mặt trái của nó. Dễ thấy nhất là “vin” vào đó để người đảm trách nhiệm vụ này né tránh không nói ra sự thật vấn đề có liên quan đến mình và cơ quan, đơn vị. Đôi lúc, sự chậm trễ này khiến báo chí lúng túng, không biết xoay xở thế nào để có được thông tin đúng đắn, chính xác, kịp thời cho bạn đọc. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến việc góp phần dẫn dắt định hướng dư luận xã hội theo chiều tích cực, vì lợi ích chung. Theo đó, tôi đề xuất các cơ quan, đơn vị, ban, ngành nên thực hiện cơ chế hợp tác tích cực với báo chí dưới nhiều hình thức, tạo điều kiện mở rộng chức năng giám sát, phản biện của báo giới, đồng thời thể hiện trách nhiệm cầu thị của mình.

 

NHÀ BÁO TRƯƠNG ĐỨC MINH TỨ, CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO QUẢNG TRỊ: Nhà báo cần am hiểu các quy định của pháp luật

 

Khi tác nghiệp ở những vụ việc nhạy cảm, ở địa bàn nóng, xa lạ, nhà báo cần cẩn trọng tự bảo vệ mình bằng mọi biện pháp có thể được, như dựa vào cơ quan công quyền, dựa vào nhân dân để tác nghiệp an toàn. Về phía cơ quan cử phóng viên tác nghiệp cũng cần trang bị thêm cho phóng viên các phương tiện ghi âm, ghi hình bí mật như là biện pháp nghiệp vụ để “che mắt” đối tượng bị phản ánh, bởi suy cho cùng lấy được tư liệu đầy đủ, chính xác là quan trọng, còn phương pháp nào để tác nghiệp thì không là vấn đề gì. Đối với việc nhà báo tác nghiệp ở hiện trường nóng, khi không bị cản trở tác nghiệp, không ai có trách nhiệm đòi hỏi xuất trình giấy tờ, thẻ nhà báo, phóng viên cũng không cần thiết phải xưng danh hay thể hiện mình là phóng viên đang tác nghiệp làm gì, vì như thế vô hình chung sẽ làm lộ diện bản thân mình, “làm mồi ngon” cho những đối tượng bị phản ánh có hành vi côn đồ, tức tối tấn công. Nhà báo khi tác nghiệp cũng cần am hiểu các quy định của pháp luật về bảo vệ hiện trường của các cơ quan chức năng.

 

Đối với cơ quan báo chí khi có nhà báo thuộc quyền bị kiện tụng, người đứng đầu cơ quan báo chí phải bình tâm xem xét toàn cảnh vụ việc để tìm biện pháp giải quyết, chớ vì sợ sệt quyền lực của ai đó mà nghi ngờ ngay chính phóng viên của mình, như thế là làm cho họ bị tổn thương.

 

Trong nhiều năm qua, các vụ việc nhà báo bị hành hung, cản trở từ phía đối tượng bị phản ánh đã không được các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm nên có hiện tượng “nhờn luật”. Dù vẫn phải vững tin vào sự bảo vệ, bảo hộ của pháp luật nhưng theo chúng tôi, trước khi được pháp luật bảo vệ, các nhà báo phải biết tự bảo vệ mình bằng tất cả những biện pháp nghiệp vụ có thể.

 

NHÀ BÁO LỆ HẰNG, PHÓ TỔNG BIÊN TẬP BÁO KHÁNH HÒA: Nhà báo phải tự hoàn thiện bản thân, làm nghề bằng tinh thần trách nhiệm

 

Dù có nhiều cơ chế xử lý hành vi cản trở tác nghiệp báo chí song hiệu quả xử lý thấp, vẫn còn nhiều vụ việc không được phát hiện, xử lý. Những trường hợp này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý, làm giảm nhiệt huyết của người làm báo, nhất là các nhà báo dấn thân, theo đuổi những đề tài nóng, đấu tranh chống tiêu cực, va chạm nhiều... Điều họ cần là có một hậu phương, một điểm tựa vững chắc để họ có thêm động lực trong quá trình tác nghiệp. Tòa soạn, Hội Nhà báo và những cơ quan chức năng phải thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc ấy cho nhà báo, để nhà báo có thêm niềm tin, yên tâm tác nghiệp.

 

Luật Báo chí quy định rõ quyền hoạt động tác nghiệp của phóng viên trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, khi đi khai thác thông tin chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo là đủ. Thế nhưng nhiều nơi vẫn hoạnh họe, đòi hỏi phóng viên phải xuất trình giấy giới thiệu, công văn của tòa soạn. Đây cũng là một kiểu gây khó dễ, cản trở tác nghiệp của nhà báo. Luật Báo chí sửa đổi và Luật Tiếp cận thông tin (có hiệu lực từ 1/7/2018) là hành lang pháp lý an toàn, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo khi thực thi nhiệm vụ. Chính phủ cũng đang dự thảo nghị định thay thế Nghị định 159/2013/N-CP về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản theo hướng tăng mức phạt ở hầu hết các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí để phù hợp thực tế, tính chất mức độ vi phạm. Như vậy, hệ thống hành lang pháp lý bảo vệ nhà báo cũng đang được hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn. Ngoài những yếu tố trên, nhà báo cũng phải tự hoàn thiện bản thân, làm nghề bằng tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan. Bên cạnh đó, mỗi nhà báo cũng phải tự trang bị cho mình kiến thức pháp luật, kỹ năng tác nghiệp, luôn trau dồi đạo đức để là những nhà báo hoạt động chân chính, được bảo vệ theo đúng nghĩa “thượng tôn pháp luật”.

 

MINH NGUYỆT (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek