Thứ Sáu, 10/01/2025 02:04 SA
Người sáng lập tờ báo cách mạng đầu tiên của tỉnh Phú Yên
Thứ Hai, 19/06/2017 09:01 SA

Lãnh đạo tỉnh và các vị khách chụp ảnh lưu niệm cùng đội ngũ làm báo Báo Phú Yên nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của báo - Ảnh: PV

Cuối năm 1945, trên cương vị Trưởng ty Kiểm duyệt trực thuộc Sở Thông tin tuyên truyền Trung Bộ, thầy Bùi Xuân Các được điều động về Phú Yên đảm nhận trách nhiệm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền. Thầy Các là vị “khai thiên lập địa” Báo Chiến Thắng - tờ báo cách mạng tiền thân của Báo Phú Yên hôm nay - ra mắt số đầu tiên ngày 19/8/1946.

 

Vị “tổ sư khai sáng” Báo Phú Yên cũng là người khai sinh nhà in Tú Phương. Thầy cũng đã từng là vị hội thẩm nhân dân của Tòa án cách mạng tỉnh trong những năm ấy. Làm công tác văn hóa, thông tin, tuyên truyền chỉ được một thời gian ngắn, thầy Bùi Xuân Các được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Côn và Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh - Kỹ sư nông nghiệp Lê Duy Trinh giao nhiệm vụ cùng với đồng chí Trần Suyền xây dựng trường trung học đầu tiên của tỉnh Phú Yên bởi lẽ giản đơn thầy là đảng viên lâu năm, một trí thức lớn và đã từng là nhà giáo. Thầy đề xuất thầy Trần Sĩ (Đốc Sĩ) - một vị đốc học, nhân sĩ của tỉnh Phú Yên làm hiệu trưởng. Hai vị tôn sư thống nhất lấy tên trường là Lương Văn Chánh để nhắc nhở, giáo dục lớp lớp hậu sinh về công lao của vị tiền hiền khai mở đất Phú Yên.

 

Thầy Các chỉ làm công tác Đảng trong nhà trường. Theo hồi ký của thầy, buổi lễ khai giảng đầu tiên Trường trung học Lương Văn Chánh ngày 15/10/1946 là một sự kiện trọng đại, một ngày hội lớn của tỉnh Phú Yên, có cả Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Việt Nam Phạm Văn Bạch (lúc đó đóng trụ sở ở Phú Yên) đến dự.

 

Nhà giáo cộng sản Bùi Xuân Các đã cùng đồng nghiệp tri kỷ Trần Sĩ - vị hiệu trưởng đầu tiên Trường trung học Lương Văn Chánh - đặt nền móng vững chắc cho ngôi trường trung học đầu tiên của tỉnh Phú Yên, ngôi trường do cách mạng khai sinh, là thành quả của Cách mạng Tháng Tám. “Chính ủy” Bùi Xuân Các và “tư lệnh” Trần Sĩ, bằng đức độ và tài năng, đã đề xuất điều động và tập hợp một đội ngũ giáo viên tài hoa, tạo sức sống lâu bền cho ngôi trường trung học kháng chiến của tỉnh Phú Yên, sánh vai cùng Trường Lê Khiết (Quảng Ngãi) thuộc vùng tự do Liên khu V.

 

Năm 1952, trên cương vị hiệu trưởng Trường trung học Lương Văn Chánh, thầy Các được điều động về Sở Giáo dục Liên khu V. Sau ngày ký Hiệp định Giơnevơ, do giỏi tiếng Pháp cùng sự từng trải, lịch lãm, tinh tế, thầy Các được điều động vào Ban Liên hiệp đình chiến ở vùng tập kết 300 ngày (Bình Định).

 

Tập kết ra Bắc, thầy Các công tác ở Bộ Giáo dục và luôn trung thành với cương vị chuyên viên. Ngày Bắc, đêm Nam, lòng thầy luôn hướng về miền Nam, về Phú Yên. Khi tỉnh Hải Dương kết nghĩa với Phú Yên năm 1961, thầy Các thay mặt cho các nhà giáo Phú Yên về Hải Dương trồng cây lưu niệm ở Trường Võ Thị Sáu tại trung tâm tỉnh lỵ, góp một phần nhỏ vun trồng cây đời trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

Hòa bình, thầy cùng gia đình xung phong về Phú Yên công tác, là Trưởng ban Thanh tra giáo dục của Ty Giáo dục Phú Khánh (cũ) và sau đó được Bộ Giáo dục điều động về bộ làm chuyên gia.

 

Thầy Bùi Xuân Các và tác giả bài viết - Ảnh: MINH KÝ

 

Thầy nhiều lần về Phú Yên thăm người xưa cảnh cũ, bao lần nước mắt lặn vào trong tiếc thương những học trò liệt sĩ hoặc bị khảo tra tàn khốc trong lao tù như cô Niệm (Đồng Xuân) hoặc chịu nhiều cảnh ngộ ngang trái bởi chiến tranh. Thầy cùng vợ làm nhiều chuyến hành hương về An Thổ, Đồng Me, Hóc Lá, thăm chùa Phổ Bảo và tất cả những nơi Trường Lương Văn Chánh từng định cư, sơ tán trong chiến tranh, thăm hỏi từng phụ huynh, từng học sinh. Năm 1998, vị thủ từ chùa Phổ Bảo (An Định) cùng nhiều bậc phụ huynh dù mắt mờ, tai nghểnh ngãng vẫn nhận ra ngay thầy Bùi Xuân Các sau lời thăm hỏi đầu tiên.

 

Đối với Báo Phú Yên, là vị Tổng biên tập đầu tiên, thầy Các dành nhiều tình cảm đặc biệt đối với các thế hệ làm báo hôm qua và hôm nay.

 

Năm 1998, thầy về Phú Yên cùng Tổng Biên tập Phạm Ngọc Phi và tập thể Báo Phú Yên đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất. Ngày 19/8/2001, thầy về Phú Yên mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập báo và sau đó dự lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Trường Lương Văn Chánh. Năm 2005, thầy về Phú Yên tham dự Hội thảo báo Đảng các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên do Báo Phú Yên đăng cai. Năm 2006, thầy về chung vui với Báo Phú Yên đón nhận Huân chương Độc lập hạng 3. Thầy Bùi Xuân Các đã cống hiến nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc để lại trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ.

 

Đầu xuân 2010, thầy Bùi Xuân Các gửi đến Báo Phú Yên những bài báo cuối cùng - những thiên tuyệt bút: “Người Phú Yên trong tôi”, “Tình người Phú Yên” như một lời tri ân và lời chào vĩnh biệt bà con Phú Yên. Báo Phú Yên đã xin phép thầy đăng trang trọng 5 kỳ liên tiếp mở đầu cho chuyên mục “Phú Yên 400 năm hình thành và phát triển”  và đặc san chào mừng đại lễ 400 năm ngày 1/4/2011.

 

Những bài viết cuối cùng của thầy hành văn vô cùng giản dị mà hàm súc, chứa đựng nhiều tầng ngữ nghĩa về đất và người Phú Yên nghĩa nặng tình sâu, đã gắn bó và đọng mãi trong tim thầy từ sau Cách mạng Tháng Tám.

 

Chúng tôi đã có dịp nghe tác giả “Non nước Phú Yên” Nguyễn Đình Tư (nay đã 95 tuổi) nói về thầy Bùi Xuân Các - vị ân sư của ông, với tất cả sự thành kính ngưỡng mộ về những năm tháng thầy Các dạy học ở Vinh trước Cách mạng Tháng Tám. Lớp lớp học sinh trường Lương Văn Chánh thành danh và thành nhân mà chúng tôi từng gặp, đều dành cho thầy Bùi Xuân Các tình cảm kính trọng thiêng liêng.

 

Những năm đầu sau giải phóng, những học sinh sau lũy tre như chúng tôi mừng vui vô chừng kể, tưởng như là quá xa vời, khi lần đầu tiên đặt chân vào giảng đường đại học ở Huế. Vị thầy đầu tiên chúng tôi tiếp xúc là PGS-TS Nguyễn Quốc Lộc, cựu học sinh Trường Lương Văn Chánh. Ông có nét chữ rắn rỏi, chân phương. Đề cập đến việc luyện chữ, PGS-TS Nguyễn Quốc Lộc nói: “Nét chữ của tôi thường thôi. Lẽ ra học trò thầy Các thì chữ viết phải đẹp hơn. Bạn bè của tôi ai cũng viết chữ đẹp. Hầu như cả trường Lương Văn Chánh trong kháng chiến chống Pháp đều viết chữ đẹp, đó là kiểu chữ Lương Văn Chánh do thầy Bùi Xuân Các dày công rèn luyện”. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từng mời thầy Các thể hiện bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946.

 

Nhà văn nổi tiếng Nguyễn Tuân đã trịnh trọng phong thầy Bùi Xuân Các bốn từ diễm lệ “Ông nghè bút thiếp”.

 

Nhà thơ Trần Huiền Ân (Trần Sĩ Huệ) khi nhận giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp toàn quốc năm 2001 đã trịnh trọng báo ngay tin vui cho vị ân sư một thời dày công rèn chữ, rèn người. Nhà thơ bộc bạch: “Dù có nhận bao nhiêu giải thưởng cũng chưa bao giờ có được niềm vui như ngày xưa viết một bài báo nhỏ được thầy Các phê cho mấy chữ “Được đăng báo Hiệu Đoàn” (Báo tường).

 

Lớp học trò cháu như chúng tôi không thể có niềm hạnh phúc lớn được thầy Các trực tiếp dạy dỗ. Đó là một thiệt thòi lớn so với các bậc cha chú như Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê, TS Nguyễn Xuân Đàm, đại tá Phan Văn Kỉnh… và hàng trăm vị khác.

 

Bậc thầy của những vị thầy rất trang nghiêm nhưng giản dị, dễ gần. Ông thầy huyền thoại trong lòng học sinh và phụ huynh sẵn lòng cho phép những kẻ hậu sinh như chúng tôi được hầu chuyện hàng giờ, hàng buổi, đặc biệt là những câu chuyện về Phú Yên, từ quá khứ đến hiện tại và cả những mong ước gửi gắm cho tương lai. Phú Yên trong tim thầy sâu thẳm như chính quê hương Quảng Bình, dù thầy chỉ sống, công tác ở đây chỉ 7 năm.

 

Sinh thời, thầy nói “Ông Chế Lan Viên làm thơ hay, câu nào cũng hay, câu nào cũng thích và nếu thích nhất xin chọn hai câu: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.

 

Thầy đã đi xa và trở thành một phần tâm hồn của đất Phú Yên. Thầy Bùi Xuân Các - người khai sáng Báo Chiến Thắng (tiền thân Báo Phú Yên hôm nay) xứng đáng với tám chữ vàng. “Hối nhân bất quyện, vạn đại vi sư” (Một đời dạy học không mệt mỏi, mãi mãi là thầy).

 

Sinh năm 1917 tại Lệ Thủy, Quảng Bình, cùng làng và là người em quê hương thân thiết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thầy Bùi Xuân Các là một trong những trí thức lớn (tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) đã từng làm thầy giáo và làm cách mạng từ thập kỷ 30 của thế kỷ trước mà từ ngữ bây giờ kính trọng gọi là bậc lão thành cách mạng trước năm 1945.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek