Qua hơn 3 năm triển khai đề án Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2014-2020 (gọi tắt là đề án Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng), số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh hiện còn hơn 2.000 em, giảm 5.000 em so với năm 2014.
Giúp trẻ vượt khó, vươn lên
Nói đến em Nguyễn Ngô Phương Thùy, học sinh lớp 5A Trường tiểu học số 2 thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa), cả khu phố Mỹ Lệ Đông ai cũng biết vì hoàn cảnh của em quá khó khăn. Tuổi thơ của Thùy không được may mắn khi em mồ côi mẹ ngay từ lúc mới sinh. Ba đi thêm bước nữa, nhưng hoàn cảnh kinh tế cũng khó khăn nên không chăm lo cho em được chu đáo. Từ nhỏ, Thùy sống cùng với bà ngoại. Bà Lê Thị Tám, ngoại của Thùy, cho biết: “Thùy mới sinh ra, chưa kịp thấy mặt mẹ thì mẹ đã mất. Từ nhỏ, tôi bế cháu đi xin từng giọt sữa vì nhà không có tiền mua sữa ngoài. Sau này, tôi đưa cháu đi khám bệnh thì phát hiện cháu bị suy dinh dưỡng và bệnh đường ruột, phải uống thuốc liên miên”. Khó khăn là vậy nhưng Thùy luôn cố gắng trong học tập. Nhiều năm liền, em đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tại chương trình “Điều ước cho em” được tổ chức vào ngày 26/2 vừa qua, Thùy đã nhận được nhiều món quà đầy ý nghĩa do nhóm tình nguyện viên Đom đóm Phú Yên trao tặng. Thùy chia sẻ “Em mừng lắm. Có được chiếc xe đạp và phần quà mấy anh chị tặng, em thỏa niềm mong ước bấy lâu rồi”.
Còn em Nguyễn Thị Minh Thảo, sinh năm 2007, ở phường 8 (TP Tuy Hòa), gia cảnh cũng rất khó khăn vì mẹ em đang bị suy tim nặng và mắc bệnh u xơ thần kinh, khắp người đều nổi hạt; bản thân Thảo cũng đang bị ngứa và có những triệu chứng giống mẹ. Thảo mơ ước có tiền để chữa bệnh cho mẹ và em tiếp tục được đi học. Em nói hồn nhiên: “Nhà nghèo, em chỉ mơ mình có được một bạn búp bê xinh xắn để tâm sự mỗi ngày”. Chị Võ Thị Kim Loan, mẹ của Thảo, mặc dù bị bệnh nhưng ngày ngày vẫn cố gắng đi bán vé số để có tiền trang trải và nuôi con ăn học. Chị chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, nhưng thời gian qua, nhờ có sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cá nhân, con tôi mới được tiếp tục đến trường, còn tôi cũng có ít tiền mua thuốc, chữa bệnh”. Thông qua nhiều nhà hảo tâm, Thảo vừa được tặng búp bê, vừa được hỗ trợ vật chất để hai mẹ con có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.
Nguyễn Ngô Phương Thùy và Nguyễn Thị Minh Thảo chỉ là hai trong số gần 2.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh được giúp đỡ theo đề án Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng. Ông Nguyễn Thông Minh Tuấn, Phó Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên), cho biết: Quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của toàn xã hội. Hiện tỉ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, các xã nghèo, vùng thường xảy ra thiên tai lũ lụt cao hơn so với các xã ở vùng đồng bằng và thành thị. Do đó, đối tượng này càng cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn.
Tiếp tục quan tâm, chăm sóc trẻ
Theo bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên, những năm qua, trung tâm này thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các em những lúc khó khăn, giúp các em tiếp cận và được hưởng những chế độ phúc lợi xã hội. Trung tâm cũng không ngừng kết nối các nhà hảo tâm tổ chức nhiều chương trình tình nguyện, tặng quà, mang lại sự yêu thương, sẻ chia cho những trẻ em nghèo kém may mắn. Mới đây, Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên đã cùng các tình nguyện viên gây quỹ từ thiện ủng hộ hai chị em mồ côi Trần Thị Châu và Trần Thị Thanh ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) hơn 50 triệu đồng để các em có điều kiện sinh hoạt và học tập.
Để đề án Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng được triển khai thuận lợi và hiệu quả, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các cấp, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch, phối kết hợp, lồng ghép tổ chức các hoạt động chăm sóc giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết: Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân của chất độc hóa học, khuyết tật nặng, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa) được nhận sự trợ giúp và được cung cấp các dịch vụ xã hội phù hợp. Bên cạnh đó, Phú Yên cũng nỗ lực huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để giúp các em ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, tỉnh còn phát triển các hình thức chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú.
Thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH sẽ triển khai mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và một số mô hình trợ giúp khác. Sở cũng tập trung nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội và nhà xã hội để đủ điều kiện chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng mô hình ngôi nhà tạm lánh để tiếp nhận, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa tại một số địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin bảo trợ xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên |
KIM CHI - DƯƠNG TRÍ