Thứ Bảy, 11/01/2025 17:01 CH
Mưu sinh bằng việc sửa quần áo cũ
Thứ Sáu, 24/03/2017 08:29 SA

Ông Bùi Văn Ẩn tỉ mẩn sửa quần áo cho khách hàng - Ảnh: THIÊN LÝ

Ít vốn, không khó làm, có thể kiếm “đồng ra đồng vào” trang trải cuộc sống hàng ngày nên công việc sửa quần áo cũ không chỉ là kế sinh nhai của nhiều chị em mà còn là lựa chọn của nhiều anh có tính cần cù, tỉ mỉ.

 

Dạo một vòng ở khu vực xung quanh các chợ hay tại một vài góc phố, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những người thợ sửa quần áo cũ với chiếc máy may và hộp đồ nghề nép mình dưới bóng cây, trước hiên nhà hay khiêm tốn bên góc chợ. Chị Nguyễn Thị Hà vốn là thợ may nhưng do ngành thời trang, may công nghiệp phát triển mạnh, người dân ngày càng ưa chuộng các loại quần áo may sẵn nên chẳng còn mấy ai mặn mà với sản phẩm may truyền thống. Không trụ được với nghề, chị Hà chuyển sang làm công nhân cho các công ty may công nghiệp trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, sau một thời gian, chị Hà quyết định chọn công việc sửa quần áo cũ tại chợ Tuy Hòa. Hiện tại, thu nhập từ công việc sửa quần áo cũ đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình. Trung bình tiền công cho mỗi lần lên lai quần jean, bóp ống hay nới rộng vòng eo, thay dây kéo, tra nút… dao động từ 5.000-15.000 đồng/cái. Các trường hợp sửa phức tạp và có độ khó cao thì giá cũng cao hơn từ 30.000-50.000 đồng. Chị Nguyễn Thị Hà vui vẻ nói: “Tôi làm công việc sửa quần áo cũ hơn 10 năm nay. Vốn có sẵn nghề may, nên việc này khá đơn giản”.

 

Cũng như chị Hà, chị Trần Thị Kim Hạnh (phường 4, TP Tuy Hòa) đã gắn bó với công việc sửa quần áo cũ hơn 3 năm nay tại góc đường Trường Chinh. Dưới cái nắng chói chang, chị Hạnh vừa trò chuyện vừa sửa quần áo cho khách, mồ hôi ướt đẫm vai áo. Chị Hạnh chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng đến khi thành phố lên đèn. Tuy nhiên, những hôm khách cần sửa gấp hay có nhiều người đến muộn... tôi vẫn tiếp tục công việc của mình cho đến khi hết khách”.

 

Không chỉ có phụ nữ làm công việc xâu chỉ luồn kim, mà hiện nay nhiều đấng mày râu cũng có “khiếu” làm công việc này. Trong cái nắng oi bức của buổi trưa, ông Phạm Văn Ly, một thợ may ở phường 7, TP Tuy Hòa, cho biết, trung bình mỗi ngày, ông kiếm được khoảng 100.000 đồng, có hôm đắt hàng thì kiếm được từ 200.000-300.000 đồng. Để có được số tiền ấy, ông vẫn luôn miệt mài với việc may vá cả ngày lẫn đêm. Nếu nhận đồ của khách mà chưa làm xong thì phải mang về nhà làm đêm. Đến sáng mai phải có đồ giao cho khách.

 

Quan sát anh Phạm Ngọc Tường (phường 5, TP Tuy Hòa) đang làm công việc sửa quần áo cũ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Duy Tân, mới thấy, đàn ông cũng khéo tay không kém phụ nữ. Một khách hàng yêu cầu bóp ống quần và thay dây kéo túi xách nên anh Tường khéo léo trải chiếc quần lên bàn máy, dùng tay đo đạc và nhẩm tính để thu hẹp chiều rộng ống quần. Đôi bàn tay nhanh nhẹn qua từng công đoạn đo, cắt rồi cả tiếng đạp máy đều đặn của anh trông rất thuần thục như một người thợ may chuyên nghiệp. Để có được kỹ thuật như bây giờ là cả một quãng thời gian dài anh gắn bó với công việc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ này. Anh Tường kể: Sau những năm tháng làm nghĩa vụ trên chiến trường Campuchia, năm 1990, anh phục viên. Để mưu sinh, chăm lo cho gia đình, anh Tường không quản ngại khó khăn, vất vả làm đủ nghề từ chạy xe ôm đến làm bánh kẹo... Sau khi nhảy từ nghề này sang nghề khác, anh mới quyết định dừng chân và gắn bó với chiếc máy may hơn 10 năm nay.

 

Không ít người khi thấy những người đàn ông làm nghề khâu vá tỏ vẻ ngạc nhiên, vì cho rằng công việc này chỉ dành riêng cho phụ nữ, bởi nó đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Vậy nhưng với nhiều đấng mày râu, trong đó có anh Tường, lại nghĩ khác. “Nghề nào chị em làm được thì đàn ông cũng làm được. Nhiều lúc, mấy anh còn khéo tay hơn cả phụ nữ ấy chứ! Ban đầu, thấy thợ sửa áo quần là đàn ông, nhiều người cũng dè dặt và e ngại. Nhưng lâu dần, biết được tay nghề, họ lại trở thành khách hàng thân thiết của mình”, anh Tường hóm hỉnh chia sẻ.

 

Nằm khiêm tốn bên góc đường Lê Thành Phương (phường 8, TP Tuy Hòa) là “tiệm” sửa quần áo của người thợ già Bùi Văn Ẩn. Ông Ẩn cũng từ một thợ may, nhưng rồi cơn bão thời trang, đồ may sẵn tràn ngập khiến những người luống tuổi, ít vốn như ông Ẩn không còn nhiều “đất dụng võ” nên ông chọn cách sửa quần áo. “Ngoài sửa quần áo cũ, tôi còn làm thêm công việc sửa túi xách, nhuộm màu, thậm chí kết hợp cả việc sửa xe máy... để kiếm thêm thu nhập. Công việc sửa quần áo, túi xách tuy đơn giản nhưng để có được lượng khách hàng thì đòi hỏi người thợ phải có nghề, sản phẩm sau khi sửa phải đẹp và vừa vặn với khách. Tuy nhiên, gần đây, chính quyền địa phương có chủ trương tăng cường kiểm tra, lập lại trật tự vỉa hè cho người đi bộ nên những người mưu sinh bằng nghề này như chúng tôi sẽ không biết đi về đâu…!”, người thợ già Bùi Văn Ẩn trải lòng.

 

Chị Lê Thị Kim Dung ở thôn Phú Vang (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa), một khách hàng thường sửa quần áo, túi xách ở tiệm ông Ẩn, cho biết: “Mặc dù, ở gần nhà có tiệm sửa quần áo nhưng tôi cảm thấy hài lòng nhất khi quần áo được chú Ẩn sửa. Chú ấy khéo tay nên đường kim mũi chỉ rất đẹp. Lâu thành quen, mỗi lần cần sửa quần áo cũ, mới hay túi xách là tôi đều mang đến chú Ẩn để sửa”.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek