Thứ Bảy, 11/01/2025 13:49 CH
Giọt mồ hôi triệu phú khóm Đồng Din
Thứ Sáu, 24/03/2017 13:00 CH

Ông Đông giữa trang trại khóm trên núi Đồng Din - Ảnh: HÙNG PHIÊN

Khoảng 10 năm qua, khu vực núi Đồng Din (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, Phú Yên) đã nổi lên là vùng chuyên canh khóm chất lượng cao. Một nắng hai sương với cây khóm, triệu phú chân đất Nguyễn Văn Đông (52 tuổi) thực sự được nhiều người ngưỡng mộ…

 

Làm giàu… cực lắm

 

Kỳ này, ông Đông ở riệt trong trang trại Đồng Din. Thế nhưng không thể gọi điện thoại được vào “thủ phủ” khóm. Bởi vùng núi này hầu như không có sóng điện thoại, bà con đã leo lên triền núi với khóm thì không thể “a lô”. Anh Đỗ Huy Cường, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Hòa, nói với tôi: “Cứ vào Đồng Din ắt sẽ gặp. Mùa này đang cao điểm chăm sóc khóm sau đận lũ lụt vừa rồi”. Thế rồi anh “hú” Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Hòa Đào Quyết Hận cùng lên xe máy vào Đồng Din.

 

Chạy xe và leo bộ gần 20 cây số, chúng tôi mới gặp được ông Đông. Giữa nắng sắp trưa, ông đang làm cỏ khóm trên một trảng rẫy cao gần như dựng đứng. Ngược dốc xuống nhà trại, ông gạt mồ hôi, cười hồn hậu: “Sau đận mưa lũ năm qua, rẫy khóm hư hại nhiều quá. Tôi đang phải thuê mấy chục nhân công để trồng lại, làm cỏ, bón phân. Cây khóm rất hợp với chân đất sỏi đá, dốc cao, thiếu nước nơi đây. Cũng cùng giống nhưng trồng nơi khác thì ruột trái khóm không vàng, ngọt thanh và nhiều nước như trồng ở đây. Trái khóm Đồng Din không to như nhiều nơi, bình quân 1kg/trái, nhưng nhờ hương vị đặc biệt nên thị trường rất chuộng”.

 

Gia cảnh khó khăn, học xong lớp 6, ông Đông đành nghỉ ngang để cùng cha đi làm thuê. Lập gia đình với hai bàn tay trắng, ông luôn trăn trở phải làm gì để thoát nghèo. Quyết làm giàu trên đồng đất quê nhà, ông nhận thấy, nếu làm ruộng có giỏi cách mấy cũng chỉ đủ ăn, trong khi nhu cầu chi tiêu, chu cấp cho con ăn học ngày càng tăng. Thế là ông hướng lên rừng, xin phép địa phương khai hoang trên 5ha đất để trồng keo lai, bạch đàn, xà cừ… Nhưng rồi hiệu quả không cao, bởi thời gian khai thác gỗ rừng trồng phải từ 5-10 năm. Trong khi gia đình ông không trường vốn, thiếu nguồn thu thường xuyên để trả lãi vay ngân hàng…

 

“Trăn trở đêm ngày, tôi quyết định khai thác từng phần diện tích rừng trồng, để chuyển sang sản xuất một số hoa màu như sắn, mía, bắp, đậu,... Thế nhưng thu nhập lại bấp bênh trên vùng đất thiếu nước, thời tiết hanh khô giữa lũng gió này. Hỏi han tìm hiểu nhiều nơi, vợ chồng tôi quyết định trồng thí điểm cây khóm trên khoảng 1ha tại Đồng Din. Ngay vụ đầu, cây khóm đã tỏ ra chịu “ăn nằm” với vùng đất ven sườn núi khắc nghiệt này, lợi nhuận mang lại thấy rõ”, ông Đông chất phác nói.

 

Thế là ông quyết định thâm canh tập trung cây khóm để dễ quản lý, tiện thuê nhân công chăm bón, thu hái. Nhiều năm liên tục, trang trại ông luôn giải quyết việc làm ổn định trên 10 nhân công, với thu nhập hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Giá khóm trái tương đối ổn định, chỉ lên xuống trong chu kỳ một năm, tùy thời điểm chính vụ hay hiếm hàng. Hiện tại, khóm Đồng Din bán giá 8.000-15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, dân ở đây vẫn giữ cách bán theo từng chục “có đầu” (12 trái), định giá tùy theo kích cỡ, chất lượng khóm. Với mức giá này, trang trại khóm của ông Đông luôn đạt mức lãi ròng trên 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình ông còn thu nhập thêm trên 100 triệu đồng/năm từ việc luân canh đậu, bắp, sắn, trồng cỏ nuôi bò; vợ ông còn kiêm thêm việc mua bán nông sản trong vùng.

 

“Nhìn lại thì rất cực nhọc mới có được thành công như vầy. Biết bao công sức của gia đình tôi đã cày xới trên những sườn núi này. Thế nhưng làm nông mà, không vắt óc, đổ mồ hôi thì làm sao mà thành được!”, ông Đông chia sẻ.

 

“Ngã” thì… làm lại

 

“Mức thu nhập như gia đình ông Đông không phải là cao so với nhiều người chuyên canh khác, thế nhưng ông vẫn là người có mức sống hàng đầu trong dân trồng khóm ở vùng núi nắng gió này. Diện tích không nhiều nhưng quan trọng là ông luôn có ý thức học hỏi kinh nghiệm người đi trước, quyết đoán đầu tư ứng dụng khoa học vào trồng khóm nên lợi nhuận luôn đạt cao hơn một số diện tích khóm lân cận. Tuy nhiên, gần 2ha đất khóm của ông vừa bị sạt lở, hư hại do mưa lũ. Rất buồn nhưng ông Đông đang quyết chí khôi phục”, ông Đào Quyết Hận, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Hòa, nhận xét.

 

Ông Đông cho hay: “Trước Tết Đinh Dậu, nhìn rẫy khóm bị sạt lở dập vùi mà đau lòng. Tôi phải “nắm chặt tay” để khắc phục, trồng lại hàng triệu cây giống. “Ngã” thì đứng dậy mới là đàn ông chớ! Nói thiệt, cây khóm đang phát triển nóng ở Đồng Din nên người dân phá sạch cây rừng, sạt lở đất là khó tránh. Anh em trồng khóm cũng đang tự nhìn lại mình, để tìm cách giữ đất trong điều kiện nắng mưa thất thường này. Hiện tôi đang dành một phần diện tích để trồng rừng giữ đất. Cây khóm luôn ưa nắng nhưng tôi phải “nhượng” bớt “nắng” cho rừng trồng. Tôi tâm niệm, tất cả phải vì sự ổn định của cây khóm Đồng Din. Tôi còn ước ao xây dựng được thương hiệu bền vững cho khóm Đồng Din, chứ hiện tại mới chỉ là uy tín chất lượng… truyền miệng”.

 

Theo ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, Đồng Din đang có 838ha khóm của hơn 200 hộ dân, giải quyết lao động thường xuyên cho trên 1.000 người trong và ngoài huyện. Nhiều người trồng khóm đã tích tụ đất thâm canh, giàu lên trông thấy, nhà cao cửa rộng, con cái ăn học đàng hoàng. Thế nhưng vựa khóm Đồng Din vẫn còn lắm chuyện “đau đầu”. Đây vốn là đất quy hoạch trồng cây lâm nghiệp nhưng người dân lại chọn khóm - do rễ cạn nên khó giữ đất trên diện rộng.

 

Còn ông Lê Ngọc Tính, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho hay: “Vùng Đồng Din đang chuẩn bị quy hoạch lại một phần đất trồng rừng, để chống sạt lở đất. Thế nhưng phải dung hòa với lợi ích của nông dân chuyên canh khóm. Những người bắt đầu có ý thức giữ rừng, đầu tư phương thức canh tác khóm sạch như ông Đông là điều rất đáng quý. Một số nhà đầu tư đang có dự án làm nhà máy chế biến khóm. Họ đòi hỏi phải quy hoạch ổn định đất trồng khóm Đồng Din để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động”.

 

Dọc đường vào Đồng Din, chưa phải mùa cao điểm thu hoạch nhưng đã thấy lớp lớp xe máy, xe tải vận chuyển khóm trái ra quốc lộ 25. Đường đất đá gập ghềnh, xe tải chỉ vào được khoảng chục cây số, khóm từ rẫy phải trung chuyển khoảng 3 tạ trên mỗi xe máy. Ông Tính nói: “Con đường từ quốc lộ 25 vào Đồng Din đã được nâng cấp nhiều lần nhưng chưa thể có nguồn vốn kiên cố hóa. Chính quyền địa phương đang quyết tâm tìm phương án đầu tư để bà con thêm điều kiện phát triển cây khóm Đồng Din. Để những người làm ăn chân chính như ông Đông ngày càng giàu có”.

 

HÙNG PHIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek