Ngành thủy sản Phú Yên đang thực hiện công văn của Cục Khai thác Bảo vệ nguồn lợi thủy sản về hướng dẫn điều khiển tàu đi tránh bão trên biển, phương pháp neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão ở dọc ven sông Đà Rằng (TP Tuy Hòa)
ĐIỀU KHIỂN TÀU ĐI TRÁNH TRÚ BÃO
Khi có tin báo bão, thuyền trưởng phải xác định ngay vị trí của tàu so với vùng nguy hiểm mà bão có thể gây ra, theo dõi thường xuyên hướng di chuyển, tốc độ di chuyển của bão để quyết định hướng tàu sẽ chạy thoát ra khỏi vùng nguy hiểm về nơi trú đậu an toàn gần nhất. Phải giữ liên lạc thường xuyên với các đài trực canh ở bờ. Khi điều khiển tàu chạy đi tránh trú bão, tất cả các vật nặng, cồng kềnh trên boong tàu phải đưa xuống dưới hầm tàu, chằng buộc các vật dụng còn lại trên boong, chằng buộc nắp hầm chắc chắn, kiểm tra tình trạng neo và dây neo tàu. Tất cả thuyền viên trên tàu phải mặc áo phao cứu sinh. Trong cabin lái, ngoài thuyền trưởng, ít nhất luôn luôn phải có từ 1 – 2 người có khả năng lái tàu trực cùng, trong hầm phải có ít nhất 2 người trực liên tục.
Khi điều khiển tàu đi trú bão, trong mọi trường hợp, không được lái hoặc để tàu trôi xuôi theo hướng gió vì bão sẽ cuốn tàu vào gần tâm bão hơn. Nếu không may máy tàu bị hỏng không thể sửa chữa, tại vị trí độ sâu có thể thả neo thì phải thả ngay neo, còn nếu không thể thả neo thì cố định lái ở vị trí 0 và thả trôi tàu. Phải liên lạc khẩn cấp với các tàu khác đang ở trong khu vực và với đài trực canh ở bờ để được ứng cứu khẩn cấp. Trong trường hợp không thể đưa kịp tàu về vùng biển của Việt Nam mà phải vào các vùng biển của các nước, vùng lãnh thổ khác để tránh trú bão, thì trước khi vào trú bão, thuyền trưởng phải điện báo ngay cho cơ quan chức năng của Việt Nam biết các thông tin: tên tàu, tên thuyền trưởng/chủ tàu; số hiệu tàu, số người trên tàu; vị trí tại điểm liên lạc (vĩ độ, kinh độ), thông tin về tàu (số đăng ký, tổng trọng tải, chiều dài tàu, công suất máy chính), vị trí (vĩ, kinh độ) vùng biển của nước, vùng lãnh thổ dự kiến đưa tàu đến. Trong trường hợp khẩn cấp: ban ngày tàu có thể treo cờ U hoặc P, buổi tối có thể dùng đèn báo. Sau khi vào nơi trú đậu an toàn, phải thông báo cho cơ quan chức năng của Việt
PHƯƠNG PHÁP NEO ĐẬU TRONG CÁC KHU NEO ĐẬU TRÁNH TRÚ BÃO
Nếu diện tích khu neo đậu rộng, có ít tàu đang neo đậu, tốt nhất nên neo tàu một mình riêng biệt, sao cho khi neo đã bám đáy, tàu có thể quay trở các hướng mà không bị va đập với bất cứ vật gì và không bị mắc cạn. Thả 1 – 2 neo trước mũi tàu, chiều dài dây neo bằng 5 – 7 lần độ sâu nơi thả neo. Nếu trong khu neo đậu có các phao bù hoặc cọc neo buộc tàu, tàu buộc chặt dây neo mũi vào phao bù/cọc neo và xông dây neo ra một khoảng độ dài 5 – 7m, sau đó thả thêm neo đằng lái. Cần sử dụng các đệm chống va treo ở mạn tàu để tránh sự va đập giữa các tàu. Nếu trong khu neo đậu không có phao bù/cọc neo và có quá nhiều tàu neo đậu, thì cần neo tàu theo hướng phía lái vào bờ, chằng buộc vào các vật sẵn có trên bờ và thả thêm 2 neo phía mũi tàu. Tối đa chỉ được neo 3 tàu liền nhau và giữa các tàu phải có đệm chống va và giây liên kết. Đối với khu neo đậu tàu ở các đảo ngoài biển, chỉ neo đậu tàu khi bão có cường độ tối đa cấp 9. Nếu bão có cường độ mạnh từ cấp 10 trở lên thì phải đưa tàu về các khu neo đậu trong bờ, trong sông.
Tàu neo đậu ở vũng, vịnh, đầm phá ven biển: Chọn những nơi khuất gió nhất và đáy biển là cát, cát pha sét hoặc sét, neo một mình cách biệt với các tàu khác và cách xa các vách đá, các chướng ngại vật khác, thả 1 – 2 neo mũi, chiều dài dây neo bằng 5 – 7 độ sâu nơi thả neo, sao cho khi neo đã bám đáy, tàu có thể quay trở các hướng mà không bị va đập với bất cứ vật gì và không bị mắc cạn. Đối với tàu thuyền nhỏ, có thể kéo lên bờ cách càng xa mép nước càng tốt, kê kích, chằng buộc chắc chắn hoặc tháo máy đưa lên bờ rồi cho tàu chìm tại nơi neo đậu.
Tàu neo đậu trong sông, kênh, rạch: Tốt nhất di chuyển tàu sâu vào trong sông, kênh, rạch. Chọn vị trí khuất gió, quan sát hướng thả neo cho phù hợp giống như thả neo trong vũng, vịnh.
CÁC TẦN SỐ LIÊN LẠC CỦA MỘT SỐ ĐÀI TRỰC CANH
Các tần số liên lạc trong phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn gồm Đài Thông tin Duyên hải với các tần số (KHZ) 2182; 6215; 7903; 7906; 8291; 12.290. Bộ đội Biên phòng: tần số ban ngày (từ 6 – 18 giờ) 9030, ban đêm (từ 18 – 6 giờ) 6820. Hải quân: tần số 7903.
NGUYỄN VĂN DO