Tối qua 3/10, bão số 5 đã tràn vào đất liền thuộc địa phận giữa hai tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình gây ra gió giật mạnh, mưa như trút nước ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) và thành phố Đồng Hới (Quảng Bình)...
Quảng Bình: Người chết, phà trôi
Đến 15 giờ ngày 3/10, việc tổ chức di dời 2.070 hộ với 10.930 người ở 17 xã ven biển đến nơi sơ tán mới an toàn. Khoảng 800 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang Quảng Bình đã giúp dân sơ tán, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, giúp dân chằng buộc nhà cửa…
Một ngôi nhà ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) bị giật đổ ngay trận gió đầu tiên - Ảnh: TTO
Đến 22g, ở Quảng Bình đã có một công nhân của tàu hút bùn đang thi công tại công trình cảng biển Hòn La (Quảng Trạch) bị sóng biển cuốn mất tích. Một cháu bé ở thôn Thanh Tân, xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch) bị thương nặng do một tấm tôn lợp nhà cuốn theo gió chặt vào người. Phà Phú Trịch đưa người và phương tiện qua lại chín xã vùng nam huyện Quảng Trạch nối với vùng ngoài là thị trấn Ba Đồn và quốc lộ 1A đã bị trôi mất một trong hai chiếc.
Tại huyện Tuyên Hóa, 450 căn nhà bị tốc mái, nhiều gia đình trước đây đã bị thiệt hại do trận lũ ngày 7/8 gây ra, chưa kịp dựng lại nhà nay lại bị hư hỏng nặng nề. Trung tâm y tế của huyện Tuyên Hóa cũng bị hư hỏng nặng. Mực nước trên sông Gianh đã lên mức báo động III.
Hàng trăm cây cối to ở Quảng Trạch, Bố Trạch, TP Đồng Hới đã bị gãy đổ ngổn ngang khi bão chớm đổ bộ vào tỉnh này lúc 20 giờ. Mưa lớn làm ngập nhiều đoạn đường ở nội thành TP Đồng Hới. Đường ven biển Nhật Lệ có đoạn bị ngập sâu đến 0,5m. Bảng hiệu của các nhà hàng bị giật đổ nghiêng ngả. Điện thoại bị cắt đứt liên lạc nhiều lần. Nhiều vùng ở Quảng Trạch, Bố Trạch bị mất liên lạc qua điện thoại.
Hà Tĩnh: Hệ thống thông tin liên lạc, đường xá bị phong toả
Bão số 5 đang đổ bộ tàn phá huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) lúc 18h chiều 3/10 - Ảnh: VNN
Theo tin của Ban PCLB tỉnh Hà Tĩnh, đến 19 giờ 30 phút ngày 3/10, bão số 5 đã bắt đầu đổ bổ vào Kỳ Anh, sức gió ở tâm bão giật trên cấp 13. Sóng ở cảng Vũng Áng cao 8-9 m. Một xà-lan chở cần cẩu công trình của đơn vị thi công bến cảng số II – cảng Vũng Áng đã bị chìm…
Ngay khi bão vừa đổ bộ toàn tỉnh Hà Tĩnh mất điện từ chiều tối. Điện thoại bàn cũng bị tắc, có lẽ do đứt dây. Điện thoại di động từ các huyện cũng thi thoảng mới liên lạc được. Huyện Kỳ Anh bị bão tàn phá với sức gió giật trên cấp 13. Tại Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân gió giật trên cấp 10.
Toàn bộ hệ thống liên lạc và đường sá bị phong tỏa, thông tin về bão từ các vùng trong tỉnh hoàn toàn bị cắt đứt. Dự báo thiệt hại trong cơn bão số 5 trên địa bàn Hà Tĩnh là rất lớn chưa thể thống kê được.
Đến 23g20’, mọi nỗ lực của đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh do Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Bình dẫn đầu muốn tiếp cận 2 xã Kỳ Ninh, Kỳ Hà (huyện Kỳ Anh), nơi dự đoán sẽ chịu thiệt hại rất nặng nề, đã không thể thực hiện. Hàng chục cột điện đổ xuống lấp kín mặt đường, xe ô tô không thể vượt qua. Mọi nỗ lực để giải phóng đường đều thất bại.
Trước đó, lúc 14g chiều cùng ngày, tại xã Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), lốc lớn đã giật bay mái của 20 nhà dân.
Nghệ An: Ước tính thiệt hại 72 tỉ đồng
Bão số 5 diến biến phức tạp, có diện ảnh hưởng rộng. Hôm qua (3/10), tỉnh Nghệ An đã triệt để di dời dân vào vùng tránh bão an toàn. Tính đến 19g chiều cùng ngày, các huyện, thị trong toàn tỉnh đã di dời được 11310 hộ gia đình với 53149 nhân khẩu. Cụ thể Thị xã Cửa Lò 3000 hộ, với 10530 người, Diễn Châu 4967 hộ và 13790 người được di chuyển...
Tuy nhiên, bão số 5 đã không vào Nghệ An, nhưng lượng mưa và gió rất lớn.
Bão số 5 bắt đầu tàn phá Nghệ An. Ảnh chụp lúc 18 ngày 3/10/2007 tại Cửa Lò - Ảnh: VNN
Trong ngày 3/10, bão số 5 đã có nhiều diễn biến rất kỳ quặc làm lúng túng các nhà dự báo. Vào lúc 4g sáng, bão đang di chuyển theo hướng tây tây bắc đi vào vịnh Bắc bộ và điểm đổ bộ dự kiến là Vinh thì đột ngột ngoặt xuống theo tây tây nam và nếu đi thẳng có thể sẽ đổ bộ vào Quảng Trị. Đến 13g, bão lại đổi sang hướng tây tây bắc và tây để hướng vào vùng giáp ranh Hà Tĩnh - Quảng Bình. Sức gió của bão cũng thay đổi bất ngờ. Vào buổi sáng bão suy yếu đi một ít, xuống còn cấp 10, 11 nhưng đến đầu giờ chiều đã mạnh lên thành cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12. Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng dự báo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nhận định: "Đây là cơn bão rất khó dự báo, nó có nhiều thay đổi lớn và rất phức tạp".
Tại thành phố Vinh chiều ngày 3/10 cũng có mưa lớn, sức gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8. Một số đường lớn như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong ... ngập nặng. Cây cối gãy ngổn ngang, dây điện đứt... trên nhiều tuyến phố khiến gặp rất nhiều khó khăn về giao thông.
Ảnh hưởng của bão số 5 đã làm thiệt hại về nông Nghiệp rất nặng nề. Hoa màu ở các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc... đã bị thiệt hại nặng. Gió đã quật ngô gãy, lạc bật gốc.
Theo báo cáo nhanh của ông Nguyễn Thọ Cảnh (Phó trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An): Tính đến 19h chiều tối 3/10 toàn tỉnh đã bị thiệt hại 12.000 héc ta Ngô; 4.000 héc ta rau màu các loại; 1.000 héc ta lạc thu đông; 2.000 héc ta lúa mùa. Thiệt hại nặng nhất là các huyện: Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Cửa Lò, Hưng Nguyên ... Tổng thiệt hại ước tính lên đến 72 tỉ đồng.
Ngay trong sáng nay (4/10), tỉnh Nghệ An đã họp bàn về phương án khắc phục ảnh hưởng của báo số 5.
Quảng Trị: Một người thiệt mạng do nước cuốn
Tỉnh Quảng Trị đã có một trường hợp bị thiệt mạng đầu tiên do ảnh hưởng của cơn bão số 5. Nạn nhân là anh Nguyễn Thái Dĩnh (36 tuổi) ở thôn Chấp Bắc (xã Vĩnh Chấp huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). Anh Dĩnh bị nước lũ cuốn trôi khi đi qua ngầm.
Cũng do ảnh hưởng của cơn bão trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có những thiệt hại bước đầu. Theo thống kê bước đầu, đến 19h đã có 12 ngôi nhà bị tốc mái, trên 1.000 cây cao su bị gãy đổ. Khu vực bãi tắm Cửa Tùng do ảnh hưởng trực tiếp của sóng bão nên đã bị xâm thực, xói lỡ tuyến đường. Theo thông tin cập nhật được đến 16h chiều 3/10, toàn tỉnh đã di dời trên 1.600 hộ dân ở các huyện thị xã nằm ở địa bàn xung yếu.
Quảng
20h ngày 3/10, ảnh hưởng của cơn bão số 5 đã gây mưa lớn nhiều nơi trên địa bàn Quảng
Sạt lở trên tuyền đường lên vùngcao huyện Tây Giang, Quảng
Tin từ UBND huyện Đại Lộc cho biết, vào khoảng 8h 3/10, ông Nguyễn Xuân Tách (SN 1952, ở thôn Tân Hòa, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc) đi ghe vớt củi ngoài sông Đại Lãnh đã bất ngờ bị nước lũ mạnh làm lật ghe, cuốn trôi. Đến chiều tối ngày 3/10, vẫn chưa tìm thấy thi thể nạn nhân. Đây là nạn nhân đầu tiên thiệt mạng trong bão tại Quảng
Thống kê sơ bộ từ Ban phòng chống lụt bão các huyện điện về cho biết: Đến chiều 3/10, những tuyến đường trọng yếu liên huyện, liên xã ở các huyện núi cao Tây Giang, Phước Sơn... bị sạt lở nghiêm trọng những ngày qua do mưa lớn. Tuy nhiên, do lực lượng ứng trực đã kịp thời khai thông, đảm bảo an toàn giao thông lên các huyện.
Đặc biệt, tại đô thị cổ Hội An ở hạ lưu sông Thu Bồn đã bị ngập lụt trong nước do nước lũ từ thượng nguồn Thu Bồn đổ về cộng với triều cường từ biển dâng lên. Nhiều nơi trong đô thị cổ Hội An nước ngập sâu hơn 1m. Theo báo cáo nhanh của các huyện, có vài trăm héc ta lúa bị ngập nước, ngã đổ. Đến chiều 3/10, Ban PCLB tỉnh vẫn chưa thể thống kê nhanh tình hình thiệt hại do mưa bão trong những ngày qua.
Tin cuối cùng về bão số 5 Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương, bão số 5 đã gây ra gió mạnh cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11 ở Biển Đông, cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12 trên khu vực Nam vịnh Bắc bộ và ngoài khơi Trung bộ. Tối ngày 3/10, bão số 5 đi vào địa phận giữa hai tỉnh Quảng Bình – Hà Tĩnh và gây ra gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7 ở các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình, riêng khu vực Quảng Bình - Hà Tĩnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12.
Do ảnh hưởng của bão số 5, từ ngày 1 đến 4/10 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng
Đêm 3/10, sau khi đi vào địa phận giữa hai tỉnh Quảng Bình – Hà Tĩnh, bão số 5 đã di chuyển về phía tây qua Lào vào khu vực phía Đông Bắc Thái Lan. Hồi 7 giờ ngày 4/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 103,9 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 75km một giờ), giật trên cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 5 di chuyển về phía tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền thuộc lãnh thổ Thái Lan và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Như vậy, phạm vi gió mạnh của bão không còn có khả năng ảnh hưởng đến nước ta. Nhưng mưa lũ còn diễn biến phức tạp, cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo thời tiết và mưa lũ tiếp theo.
BTV (Tổng hợp)