Miền Trung của Việt Nam là vùng khí hậu khắc nghiệt. Nhưng năm 2016 là năm mưa kéo dài bất thường nhất. Mưa liên tục cả tháng trời, lũ chồng lũ. Đành rằng người miền Trung vốn giỏi chịu đựng, đã quen chống chọi và đôi khi phải coi chuyện bão lụt là “số phận” tự nhiên dành cho mình! Đành rằng “Nắng mưa là chuyện của trời”!
Nhiều mưa lũ ở miền Trung
Trước đây, trên Báo Lao Động số ra ngày 11/11/2010, nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc có nhắc chuyện bão lụt ở miền Trung: “Trong 80 năm đầu thế kỷ XX (1802-1887), qua 5 đời vua từ Gia Long đến Kiến Phúc, miền Trung có 134 trận bão lụt, nếu tính theo đơn vị tỉnh thì đếm được 230 trận, trong đó có 28 trận bão, 98 trận lũ lụt, cả bão lụt kết hợp là 104 trận, nhiều nhất là Quảng Nam, sau đó là Thừa Thiên, Quảng Trị và Quảng Bình... Mùa bão lũ là tháng 8 (50 trận), tháng 9 (77 trận), các tháng tiếp theo ít dần [...]. Đọc lại sử sách còn biết được hậu quả của bão lụt ở miền Trung có những trận rất nặng nề mà tiêu biểu nhất là cơn bão tháng 9/1842 dưới thời vua Thiệu Trị. Cơn bão năm ấy diễn ra trên diện rộng suốt từ Nghệ An đến Phú Yên, riêng tỉnh Nghệ An, sử chép có 5.240 người chết, 40.750 ngôi nhà bị đổ, 696 thuyền bị chìm...”.
Tại Phú Yên, tỉnh ở giữa của tiểu vùng duyên hải Nam Trung Bộ, dân gian còn lưu truyền bài: Vè bão lụt năm Giáp Tý (1924) với nhiều hình ảnh tang thương:
“Giáp Tý Khải Định cửu niên/ Trời làm bão lụt Phú Yên cơ hàn/ Tuy Hòa cho tới Tuy An/ Đồng Xuân phủ cũ mấy làng gần sông/ Đá Bia ra tới Cù Mông/ Dưới biển sóng dậy, trên đồng nước dâng/ Nhà cao lụt lội nửa lưng/ Nhà thấp đá mái nước bưng trôi nhà...”
Trong ký ức của người dân, hình ảnh nhà cửa tan hoang, khắp nơi người chết, trâu bò heo gà chết, cây cối gãy đổ... vì bão lụt vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Vậy mà, theo thông báo và đánh giá của những nhà chuyên môn, thiên tai hàng năm đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến khó lường. Vùng duyên hải miền Trung hiện nay không thường xảy ra lũ lụt mà có nhiều loại hình thiên tai, hiểm họa của tự nhiên tác động đến đời sống con người như: bão, lốc xoáy, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, khô hạn, nước biển dâng cao (bao gồm cả sóng thần), xâm nhập mặn, xói lở bờ sông...
Xét về đặc điểm văn hóa dân tộc, người miền Trung cũng như người Việt Nam nói chung đều có tư tưởng giao hòa với tự nhiên. Con người thường ứng xử thuận theo tự nhiên hơn là chinh phục, cải tạo tự nhiên. Vậy nên, người dân vùng Phú Yên và các địa phương lân cận thường nhắc câu: “Ông tha mà bà không tha/ Bà cho cây lụt 23 tháng 10” hoặc: “Ông không tha, bà không tha/ Trời cho cây lụt 23 tháng 10”. Lụt lội làm hư hỏng nhiều thứ, thiệt hại nhiều thứ, thậm chí tính mạng con người. Còn ở vùng biển tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, người dân cũng lưu truyền câu: “Tháng 9 thì nín bán buôn”. Phải “nín” (dừng) việc ra khơi, buôn bán cá tôm, vì tháng 9 âm lịch trời thường có dông bão.
Còn nhớ, trong truyện Mùa “len” trâu viết cách đây hơn nửa thế kỷ, nhà văn Sơn Nam tả nhân vật Tư Đinh quan niệm rất giản đơn rằng nắng mưa, ngập lụt là chuyện rất “thường tình”, vì “Hồi nào tới giờ, trời cứ vậy hoài, hết mùa hạn thì phải đến mùa nước lụt”. Nhân vật chú Tư vẫn cho thằng Nhi, đứa con trai duy nhất, còn nhỏ, theo đoàn “len” trâu, dù biết nhiều bất trắc có thể xảy ra với con, vì đó là sự lựa chọn thuận theo lẽ tự nhiên.
Thế nhưng, chuyện mưa nắng không phải chỉ do trời, mà còn do con người góp phần tạo nên. Con người không thể chạy theo lợi ích trước mắt mà bất chấp lợi ích lâu dài của cộng đồng, của dân tộc. Khi rừng bị tàn phá, đất bạc màu vì phân hóa học, không khí bị ô nhiễm, nguồn nước và cây trái bị đầu độc thì con người sẽ bị hại trước tiên. Kinh nghiệm của dân gian giờ đã không đủ đối phó với tự nhiên và vượt qua được các tai nạn. Con người không thể trông chờ vào phép màu của Sơn Tinh và tin rằng dù Thủy Tinh có dâng nước cao bao nhiêu cũng không thể ngập núi, hay ngồi nhìn nước và trách móc “số phận” trời đất dành cho mình. Chúng ta cũng không thể chỉ tập trung kêu gọi và ca ngợi chuyện giúp đỡ, hỗ trợ người dân bị thiệt hại mỗi khi có thiên tai. Chúng ta cần làm gì?
Nâng chất giáo dục con người về môi trường sống
Nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích nguyên nhân, hệ quả của biến đổi khí hậu hay diễn biến thất thường của thời tiết. Ý kiến của chúng tôi là giáo dục có vai trò quan trọng trong chuyện ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc thứ nhất là thay đổi cách dạy cách học, chương trình học theo hướng thực tế, hiệu quả và coi mục tiêu con người với môi trường sống là hàng đầu. Điều này đã có Nghị quyết 29 mở đường chỉ lối.
Việc thứ hai, giáo dục phải làm nhiệm vụ khai phóng từ cấp học nhỏ nhất. Ví dụ học sinh cấp tiểu học cần được vẽ bản đồ và xác định được ngôi nhà của em đang ở đâu, khu vực đó nắng mưa, bão lụt hàng năm ra sao, nhà cửa xây thế nào, con người làm những việc gì, khi trời mưa (bão) em biết phải làm những việc gì... Không cần nói nhiều, giảng giải nhiều các kiến thức khoa học địa lý, mà hãy để học sinh hiểu về bản thân mình trước, thấy được mối liên hệ từcá nhân đến tự nhiên, có kỹ năng thực hành như biết trồng cây, giữ gìn nguồn nước, thì ý thức bảo vệ tự nhiên tất yếu sẽ hình thành vững vàng. Trẻ em cần giáo dục hành vi chuẩn ngay từ nhỏ những điều bắt buộc phải làm và những điều không được làm với bản thân, với gia đình, với người khác và với môi trường sống.
Điều thứ ba, giáo dục đại học là cực kỳ quan trọng vì đây là nơi đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao. Chúng ta đã cải cách giáo dục nhiều lần nhưng đều bỏ quên cấp đại học và ít đầu tư cho cấp học này. Đây là nơi sinh viên cần được yêu cầu phải có trách nhiệm, sáng kiến hay tìm giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, sinh viên phải là lực lượng tuyên truyền cho ý thức bảo vệ tự nhiên. Hiện nay vẫn có rất nhiều bạn sinh viên tham gia vào các phong trào làm sạch biển hay trồng cây, nhưng đi ra khỏi phong trào, hành vi cá nhân hàng ngày như giữ vệ sinh, bỏ rác đúng chỗ, tiết kiệm nước... vẫn chưa trở thành nề nếp.
Dân gian thường nói “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, tính cách con người là thứ được đánh giá khó thay đổi nhất giống như chuyện nắng mưa của trời đất. Nhưng nhiệm vụ của giáo dục là thay đổi con người để họ thành những sản phẩm có ích nhất, chất lượng nhất. Vậy chúng ta hãy thay đổi từ con người ngay bây giờ, ngay hôm nay. Giáo dục ý thức tôn trọng tự nhiên, xây dựng mối quan hệ thân thiện của con người với tự nhiên ngay từ nhỏ là cách dễ nhất, hiệu quả nhất mà giáo dục cần quan tâm.
Ngày tết là ngày vui và vui nhất là thời tiết thuận hòa, cuộc sống no đủ. Chỉ mong trong những ngày sum họp tưng bừng, mọi người đều nhớ hôm nay và ngày mai nắng mưa sẽ như thế nào để chủ động ứng phó. Cầu mong nắng mưa bão lũ khắc nghiệt sẽ đi qua và những thế hệ hôm nay sẽ làm nên nhiều phép màu trong sáng kiến khoa học kỹ thuật đủ sức làm nên một thời đại mới, văn minh và tiến bộ hơn. Cầu mong dù nắng, dù mưa, thì cuộc sống của con người lúc nào cũng dâng tràn niềm tin yêu và hạnh phúc!
TS NGUYỄN THỊ THU TRANG