Mưa lớn mù mịt, nước từ trên núi đổ xuống ầm ầm, trận lũ quét ngày 13/12 vừa qua đã cuốn trôi tài sản, nhà cửa, người dân chỉ kịp chạy thoát thân. Sau lũ, nhiều ngôi nhà sập, bị ngập sâu trong nước ngập ngụa bùn đất, đá, ruộng vườn tan hoang, đường sá, đê kè xói lở nghiêm trọng.
Kinh hoàng nước lũ
Trên gương mặt chị Tô Thị Minh Thủy (38 tuổi) ở chợ Xuân Triều, thôn Xuân Hòa, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) vẫn còn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh tượng trưa 13/12 khi dòng nước lũ cuốn trôi nhà cửa cùng nhiều tài sản của gia đình đi mất. Chị Thủy kể: “Sau khi nhận được thông báo về đợt mưa to do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, hai vợ chồng tôi đã chuẩn bị tinh thần ứng phó với lũ, chủ động dọn dẹp đồ đạc trong nhà, kê chống các thiết bị điện lên cao. Tuy nhiên, đến 2 giờ chiều, nước lũ từ trên núi đổ xuống, liên tục dâng cao, chảy rất xiết. Vợ chồng tôi và con trai (14 tuổi) cố hết sức đạp gãy cửa sổ để thoát ra ngoài. Mỗi người chia nhau đu bám trên 3 cây bạch đàn trước nhà để tránh bị lũ cuốn, sau đó nhờ lực lượng dân quân xã đến hỗ trợ đưa đến nơi an toàn. Còn ngôi nhà đã bị đổ sập, đồ đạc thì bị cuốn trôi. “Thật kinh hoàng, từ hồi giờ tôi mới thấy nước lớn nhanh, lũ mạnh như vậy. Đu trên cây bạch đàn nhìn ngôi nhà bị sập, đồ đạc, tài sản trong nhà bị cuốn trôi giữa dòng nước cuồn cuộn đục ngầu mà chẳng biết làm gì”, chị Thủy nói trong sự bàng hoàng, xót xa.
Cùng hoàn cảnh, nhà bà Nguyễn Thị Ước (79 tuổi) ở cùng thôn Xuân Hòa, cũng bị nước lũ đánh sập. Rất may trước đó, bà Ước được người thân đưa ra khỏi nhà kịp thời. Theo những người lớn tuổi ở thôn Xuân Hòa, trận lũ quét ngày 13/12 là trận lũ lớn nhất từ trước đến nay họ chứng kiến. Họ chưa bao giờ thấy đợt lũ nào lớn như vậy và gây thiệt hại nặng nề đến thế. Tuy không kéo dài như đợt lũ đầu tháng 11 vừa qua nhưng đợt này, lũ đi tới đâu là cuốn trôi mọi thứ trên đường đi của nó.
Còn trại nuôi vịt của ông Đỗ Văn Tài (58 tuổi) ở thôn Sơn Thọ, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) vừa được đầu tư kiên cố bằng lưới B40, cọc trụ bê tông, mái tôn lên tới hơn chục triệu đồng cũng bị lũ cuốn trôi. Ông Tài nói: “Trại vịt là cả tài sản gia đình, nay bỗng chốc bị cuốn trôi. Không biết sắp tới chúng tôi lấy gì mưu sinh khi mà tết nhất đã cận kề”.
Trên địa bàn huyện Tuy An, mưa lớn và lũ quét đã làm nhiều đoạn quốc lộ 1 bị ngập sâu cả mét, đất đá tràn qua mặt đường, nhà cửa, hoa màu nhiều nơi bị ngập sâu. Trong đó, nặng nhất là khu vực thôn Mỹ Phú 2, xã An Hiệp, lũ quét làm ngập hàng trăm ngôi nhà, nhấn chìm Trường mầm non An Hiệp tại thôn Mỹ Phú 2, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của 15 học sinh và 4 cô giáo bị mắc kẹt tại trường.
Ông Nguyễn Văn Luân, Trưởng thôn Mỹ Phú 2 (xã An Hiệp) vẫn còn ám ảnh khi kể lại: “Nhà tôi nằm đối diện với Trường mầm non An Hiệp nên khi nghe tiếng kêu cứu thất thanh của các cháu và cô giáo trong trường, tôi nhanh chóng nhờ lực lượng thanh niên trong xóm cùng tìm cách đưa các cháu và cô giáo ra khỏi trường. Ban đầu, tôi và một số thanh niên bơi vào trường và cõng từng cháu ra ngoài. Nhưng đến khi nước ngập gần tới ngực thì chúng tôi nhận ra rằng không đủ sức để chuyển từng cháu ra ngoài được. Vì vậy, nhiều người đã nghĩ ra cách lấy mái nhà ở khu vui chơi trẻ em làm bằng sắt (như cái thúng chai) đặt các cháu ngồi vào đó để đưa ra ngoài, nhờ vậy đã cứu được hơn 10 cháu và 4 cô giáo khỏi họng lũ”.
Chị Nguyễn Thị Minh Vân, giáo viên đang công tác tại Quy Nhơn nghe tin, về quê thăm cha mẹ già ở thôn Phú Mỹ 2, kể lại: Nghe cha gọi nói nhà ngập, cả làng ngập hết, tôi vội vàng thuê taxi về nhưng nước lớn không vô nhà được. Thấy thanh niên, dân quân, chính quyền đang sơ tán người dân bằng thuyền thúng, nhất là người già và các cháu mầm non mà tim đập thình thịch. Nhìn mức nước mà thấy kinh khủng; nhìn
hàng xóm khóc vì đồ đạc hư hỏng, lo bò bị trôi chết mà lòng xót xa”.
Cũng trong trưa 13/12, nước lũ hạ lưu sông Ba lên cao rất nhanh, bò ngoài bãi lùa về không kịp, các chủ bò phải nhờ lực lượng chức năng ứng cứu. Một số tàu và xà lan không thể tiếp cận do nước sông chảy xiết, chính quyền địa phương phải điều xe cẩu hạng nặng để “câu” bò từ giữa cầu Đà Rằng lên đường giúp dân. Anh Phan Thanh Hòa ở xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), nói: “Nước sông lên nhanh quá nên chúng tôi không kịp trở tay. Từ nhỏ đến giờ, tui chưa khi nào chứng kiến cảnh cứu bò bằng xe cẩu “câu” như thế này. Cảm ơn chính quyền và các lực lượng đã kịp thời giải cứu hơn 10 con bò kẹt giữa dòng lũ”.
Khắc phục hậu quả sau mưa lũ
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), đợt mưa lũ đã làm sập hoàn toàn 2 ngôi nhà, ngập 360 ngôi nhà, thiệt hại khoảng 35ha hoa màu (hành, khổ qua, dưa leo, hoa lay ơn...). Đến trưa 15/12, hai thôn Ngọc Phong và Minh Đức vẫn còn bị chia cắt và nhiều tuyến đường bị hư hỏng nặng. Lo ngại hơn là trận lũ này đã gây sạt lở, làm thay đổi dòng chảy của suối Cái chảy qua địa bàn xã. Việc đổi dòng đã làm sạt lở phần lớn diện tích đất sản xuất của người dân và nguy cơ uy hiếp tuyến xã lộ 20, đập Tú Toàn và đập Bến Đình, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của bà con. Ông Tô Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), cho biết: “Cơn lũ vừa rồi đã cuốn trôi nhiều tài sản, hoa màu. Đặc biệt là đoạn suối Cái đi qua khu vực đồng quê thôn Cẩm Tú bị sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến xã lộ 20. Trước mắt, UBND xã Hòa Kiến dùng rọ đá kè sát bờ suối để chống sạt lở”.
Riêng thôn Phú Mỹ 2, xã An Hiệp, lũ đã gây ngập sâu hơn 1m gần 100 hộ ở các xóm 5, 6, 7. Đỉnh điểm khi nước lũ tràn về, nhiều ngôi nhà ở xóm 5 ngập lút mái. Hiện tại, nước đã rút dần, chính quyền địa phương đã nhanh chóng đưa các nhu yếu phẩm cần thiết đến tận tay người dân. Người dân và các lực lượng hỗ trợ đang dọn dẹp nhà cửa, khẩn trương khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: “Tuy đợt lũ không kéo dài như các đợt trước nhưng lại đổ về với tốc độ nhanh nên bà con nhiều vùng không kịp ứng phó. Hiện tại, 3 xã An Hòa, An Cư, đặc biệt là An Hiệp bị thiệt hại nặng nề nhất. Sau khi nước rút, tất cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, BĐBP cùng thanh niên địa phương tổ chức quét dọn, thu gom rác. Đồng thời, UBND huyện đã kịp thời cấp phát 30 bao quần áo cho người dân các xã bị thiệt hại và xuất 100 triệu đồng mua mì ăn liền, nước uống cứu trợ kịp thời cho bà con...”.
THIÊN LÝ - HÀ MY