Thứ Sáu, 04/10/2024 16:27 CH
Hội Y tế thôn bản tỉnh:
Truyền thông sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực
Thứ Sáu, 30/09/2016 13:00 CH

Hội Y tế thôn bản Phú Yên đang có nhiều biện pháp truyền thông sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

 

Nữ y tế thôn bản xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) tuyên truyền tại hộ gia đình - Ảnh: TUYẾT DIỆU

 

Từ chiếu phim về người khuyết tật

 

Hội Y tế thôn bản Phú Yên tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu trong cộng đồng như: Giám sát, phát hiện và báo cáo tình hình dịch bệnh, bệnh xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, nước sinh hoạt; vận động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và KHHGĐ; sơ cứu ban đầu và chăm sóc bệnh thông thường; tham gia các chương trình y tế cộng đồng tại địa phương… Ngoài các buổi truyền thông trực tiếp, Hội còn phối hợp với các ngành khác thường xuyên thực hiện các hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe.

Mới đây, hơn 100 người khuyết tật và người nhà thuộc 4 xã Suối Trai, Ea Chà Rang, Sơn Nguyên và Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) chăm chú theo dõi những thước phim cảm động về người khuyến tật tại nhà sinh hoạt cộng đồng xã Suối Trai. Đó là phim nói về nghị lực phi thường của một em bé khi vượt qua nghịch cảnh khuyết tật chân tay, tự mình làm được hầu hết các sinh hoạt cá nhân hàng ngày. Cách mẹ em bé yêu thương, quan tâm, giáo dục và khuyến khích đứa trẻ khuyết tật hòa nhập với cuộc sống được chuyển tải một cách dễ hiểu và sinh động trong phim. Bên cạnh đó, các đoạn phim nêu gương nghị lực phi thường có thật trong đời sống ở Phú Yên vượt qua nghịch cảnh tật nguyền vươn lên thành công trong cuộc sống cũng đã gây xúc động đến người xem tại buổi giao lưu.

 

Không chỉ có những thước phim hay, thiết thực, buổi giao lưu còn trở nên ý nghĩa hơn nhờ hoạt động tương tác với khán giả. Sau khi chiếu phim, các tuyên truyền viên đã đặt những câu hỏi nhằm khuyến khích người khuyết tật và người thân nâng cao nhận thức, hiểu biết trong việc giúp người khuyết tật tự tin và có kỹ năng hòa nhập cộng đồng.

 

Ma Duyên, người cha có con bị mù, câm, điếc, có mặt tại buổi giao lưu chia sẻ: “Đứa trẻ trong phim dù chỉ còn một bàn chân có thể cử động nhưng em đã được mẹ tập đánh răng bằng cách dùng chân rất thành thục. Tôi không ngờ một đứa trẻ khuyết tật, còn rất nhỏ lại có thể làm được nhiều việc nếu được chỉ dạy đúng cách. Sau buổi giao lưu, tôi sẽ quan tâm đến con mình hơn để cùng con phát triển hết khả năng, hòa nhập cuộc sống”.

 

Không chỉ chiếu phim, tuyên truyền trực tiếp nhằm nâng cao nhận thức cho nhóm khuyết tật, Hội Y tế thôn bản Phú Yên và các đơn vị phối hợp còn tổ chức giao lưu văn nghệ, tặng quà cho các gương khuyết tật vượt qua nghịch cảnh vươn lên trong cuộc sống.

 

Chị Lê Thị Dung Thoa, thành viên Hội Y tế thôn bản Phú Yên, cho biết: “Nói về người khuyết tật, chúng tôi sử dụng hình thức chiếu phim nêu gương người thật việc thật, những tấm gương đầy nghị lực vươn lên trong cuộc sống để tuyên truyền, tiếp thêm niềm tin cho những người đồng cảnh ngộ. Truyền thông bằng phương pháp này rất hiệu quả vì thu hút nhiều người tham gia. Ở những nhóm đối tượng khác, chúng tôi lại tổ chức phương pháp truyền thông khác, phù hợp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất”.

 

Đến hò vè, kịch tương tác...

 

Hiện khoảng 60% nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu được Hội Y tế thôn bản Phú Yên truyền thông thông qua hình thức sáng tác hò vè và văn nghệ dân gian. Hình thức truyền thông này được đánh giá là phù hợp với những người có trình độ bình dân vì dễ xem, dễ nghe và dễ đi vào lòng người. Thậm chí, cộng đồng cũng có thể tự sáng tác những vần thơ hay bài hát về chủ đề được nêu ra. Đến nay, Hội Y tế thôn bản tỉnh sản xuất được 4 băng đĩa và đã nhân bản các băng đĩa này cung cấp cho các đơn vị y tế tuyến xã.

 

Một phương pháp truyền thông khác mà Hội sử dụng đó là kịch tương tác. Kịch tương tác là những vở kịch ngắn thường thiên về mảng phê phán hiện tượng, thói quen không tốt đến sức khỏe ở cộng đồng. Tiểu phẩm kịch được thiết kế luôn có phần tham gia của người xem. Hình thức này giúp người xem vừa thấy vui vừa thấy thẹn và tự điều chỉnh hành vi theo chiều hướng tích cực.

 

“Hình ảnh biết nói” là một phương pháp khác cũng mang lại hiệu quả trong công tác truyền thông. Hội viên vận dụng tối đa chức năng chụp ảnh và quay video từ điện thoại thông minh để ghi lại các hình ảnh sinh động diễn ra ngay trong đời sống. Tại các buổi truyền thông, những hình ảnh ấy được đưa ra để tuyên truyền và định hướng. Các vấn đề thường sử dụng “hình ảnh biết nói” như: xả rác bừa bãi, ao tù nước đọng, diệt muỗi, diệt bọ gậy… Đây là một phương pháp phổ biến dễ thực hiện.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Chủ tịch Hội Y tế thôn bản Phú Yên, các phương pháp truyền thông của hội thời gian qua hướng đến sự tương tác, tạo ra hiệu quả truyền thông và có sức lan tỏa trong cộng đồng. Ở cơ sở, các phương pháp tuyên truyền này phù hợp với nhu cầu thực tế. Chính nhờ hiệu quả lan tỏa mà nhiều ban ngành khác cùng phối hợp, hưởng ứng.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek