Chủ Nhật, 06/10/2024 11:34 SA
Nỗi lo từ hàng quán trước cổng trường
Thứ Sáu, 09/09/2016 13:00 CH

Đồ ăn, thức uống trước cổng trường thường khó kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng thu hút khá đông các bạn nhỏ mua và sử dụng - Ảnh: THÁI HÀ

Năm học mới đã bắt đầu. Trước cổng trường tiểu học, trường mẫu giáo, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi Phú Yên, trung tâm tiếng Anh… xuất hiện nhan nhản những gánh hàng bán đồ ăn vặt, đồ chơi xuất xứ không rõ ràng, màu sắc bắt mắt. Trong khi những món đồ này thu hút khá nhiều bạn nhỏ thì phụ huynh lại lo ngại không biết nó ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con em mình.

 

Không rõ nguồn gốc, thiếu an toàn

 

Tại các cổng trường mẫu giáo, trường tiểu học ở TP Tuy Hòa, cứ sau buổi tan trường là các mẹt hàng, xe nước, xe kem lại lần lượt xuất hiện, thu hút rất nhiều học sinh. Không có chỗ bán hàng cố định, những người bán hàng rong thường bày hàng hóa trên xe đẩy, trên thúng, mẹt hoặc đặt trên các tấm nhựa trải xuống đất để bán. Thông thường, “thực phẩm ăn liền” gồm cá viên chiên, trứng cút chiên, bò viên chiên, tôm viên chiên, bánh tráng trứng, xiên nướng… đều có giá 2.000 đồng, kẹo hồ lô thì 3.000 đồng/cây, bánh tiêu 1.000 đồng/cái. Trên những chảo dầu được chiên đi chiên lại từ ngày này qua ngày khác, những người bán hàng sử dụng các nguyên liệu gì không ai kiểm soát được để cho ra các món thơm ngon, bắt mắt. Còn kem 1.000 đồng/que thì không ngọt hẳn mà có vị đăng đắng của hóa chất và được bọc trong bao ni lông in màu lem luốc, khiến phụ huynh không ngừng lo ngại về việc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Bên cạnh các loại thức ăn nhanh, thức uống cũng được nhiều bạn nhỏ yêu thích vì sắc màu sặc sỡ, giá lại rẻ, chỉ 1.000-5.000 đồng/món. Nhưng những loại nước này sử dụng quá nhiều phẩm màu với các nguyên liệu không tự nhiên. Sau khi các “thượng đế nhí” ăn, uống xong, phẩm màu thường dây ra đầy tay và mặt.

 

Ngoài mặt hàng đồ ăn, thức uống, đồ chơi “bình dân” cũng được bán nhiều ở cổng trường như: bộ bài hình búa, dao, kéo; yoyo; rô bốt, siêu nhân có giá chỉ từ 1.000 đồng/món với nhãn mác đều ghi bằng chữ Trung Quốc, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 

Không sôi động như ở các cổng trường khu vực TP Tuy Hòa, nhưng các trường học ở khu vực nông thôn, hoạt động bán hàng rong cho học sinh cũng diễn ra hàng ngày, khiến phụ huynh không khỏi lo lắng cho sức khỏe của con em.

 

Chị Lưu Thị Thanh (phường 9, TP Tuy Hòa) có con học lớp 3, rất bất an khi thấy con ăn ở các quầy hàng bán trước cổng trường. “Tôi cũng nghe báo chí phản ánh có nhiều món ăn, đồ chơi bán ở cổng trường chứa chất độc hại gây ung thư, nên cấm con mua các mặt hàng này nhưng nhiều lúc tiền cháu để dành chỉ đợi khi đến trường mới ăn chung với bạn. Hôm nay con đãi bạn thì hôm sau bạn lại mua cho con. Những lúc này, gia đình muốn quản lý con cũng khó”, chị Thanh chia sẻ. Còn anh Đỗ Thanh Công (phường 7, TP Tuy Hòa), con mới chỉ học mẫu giáo nhưng cũng đau đầu bởi các xe hàng trước cổng trường vì: “Người ta biết trẻ con thích những đồ chơi có màu sặc sỡ nên ngày nào, trước cổng trường cũng có những xe bán bong bóng, các món đồ chơi bằng nhựa hay các loại kẹo rẻ tiền mà đa số đều xuất xứ từ Trung Quốc. Tôi rất ngại cho con sử dụng những sản phẩm này nhưng vẫn phải mua vì không mua là bé nhà tôi gào khóc, không chịu về”.

 

Nói không với quà vặt, đồ chơi trước cổng trường

 

Ông Cao Sĩ Dật, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân (TP Tuy Hòa), cho biết ban giám hiệu nhà trường có trách nhiệm bảo đảm khâu an toàn vệ sinh thực phẩm các dịch vụ ăn uống trong khuôn viên nhà trường, còn đối với các gánh hàng bên ngoài thì không thể quản lý. Trong những buổi sinh hoạt lớp, chào cờ, trường đều nhắc nhở học sinh không được ăn vặt ở những nơi này, vì chúng không rõ nguồn gốc. Nếu có em nào vi phạm, đội cờ đỏ của trường sẽ ghi tên để nhắc nhở. “Chúng tôi không có thẩm quyền xử lý hàng bán rong ngoài cổng trường, trách nhiệm này thuộc về UBND phường. Nhưng việc xử lý cũng rất khó, khi lực lượng của UBND phường kiểm tra thì họ dẹp, còn khi vắng bóng, mọi việc đâu lại vào đấy”, ông Dật nói.

 

Phụ huynh thì lo lắng, cấm đoán, không cho con sử dụng vì không biết có những gì trong cốc nước xanh, đỏ, que kem giá 1.000 đồng hay trong những món đồ chơi rẻ tiền không rõ nguồn gốc mà con em họ vẫn ăn, chơi hàng ngày… còn các hàng quán bán rong vẫn vô tư hoạt động trước cổng trường. Trong khi những biện pháp quản lý, những người có trách nhiệm thì chưa tìm ra cách thức quản lý hiệu quả. Và để học sinh có ý thức bảo vệ bản thân, không cách nào khác là gia đình tăng cường giáo dục.

 

“Thông thường, những người bán hàng rong không bắt buộc có giấy chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vì họ thường buôn bán những mặt hàng không cố định nhưng nếu cơ quan chức năng phát hiện những gánh hàng này bán hàng hóa không có nhãn mác thì có quyền tịch thu và tiêu hủy. Tuy nhiên, trước giờ tôi chưa nghe thông tin gánh hàng rong nào bị phạt hành chính cả. Chúng tôi chưa khẳng định được đồ ăn, đồ chơi ở các quán hàng rong có an toàn hay không. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho con em mình, phụ huynh cần hạn chế tối đa và tốt nhất là không mua hàng rong cho con em mình sử dụng. Nếu mua, phụ huynh cần xem xét vị trí bán hàng ăn uống có vệ sinh không; những mặt hàng đóng gói có đầy đủ thông tin trên bao bì (xuất xứ, hạn sử dụng…) không; nếu không có tem, nhãn thì dứt khoát không mua”, ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên, khuyến cáo.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek