Thứ Hai, 07/10/2024 01:26 SA
Những điểm mới của Luật Trẻ em
Thứ Ba, 30/08/2016 11:33 SA

Quy định cụ thể về các quyền và bổn phận của trẻ em; sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; các biện pháp bảo vệ trẻ em ba cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp); chăm sóc thay thế cho trẻ em; trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em; các hành vi vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm… là những điểm mới trong Luật Trẻ em vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11, ngày 5/4/2016.

 

Về kết cấu, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (năm 1991) gồm 5 chương, 26 điều; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (năm 2004) vẫn gồm 5 chương và được bổ sung thành 60 điều.

 

Luật Trẻ em năm 2016 gồm 7 chương với 106 điều (tăng 46 điều) và có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Trong đó, Chương I. Những quy định chung (từ điều 1-11); Chương II. Quyền và bổn phận của trẻ em (từ điều 12-41); Chương III. Chăm sóc và giáo dục trẻ em (từ điều 42-46); Chương IV. Bảo vệ trẻ em (bao gồm cả nội dung về bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, từ điều 47-73); Chương V. Trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em (từ điều 74-78); Chương VI. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em (từ điều 79-102); Chương VII. Điều khoản thi hành (từ điều 103-106).

 

Về tên gọi, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được đổi thành Luật Trẻ em để phản ánh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của luật.

 

Về khái niệm, nguyên tắc thực hiện quyền trẻ em và những hành vi bị nghiêm cấm: quy định “trẻ em là người dưới 16 tuổi” nghĩa là không giới hạn trẻ em là công dân Việt Nam, mà đối tượng áp dụng của luật còn bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài cư trú tại việt Nam. Trong Luật Trẻ em có 11 khái niệm được giải thích rõ, trong đó có các khái niệm về phát triển toàn diện của trẻ em, chăm sóc thay thế, xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em...

Luật Trẻ em quy định 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có bổ sung các nhóm mới như: trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.

 

Luật cũng quy định “Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương”, đồng thời cụ thể hóa thành trách nhiệm của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Bộ LĐ-TB-XH.

 

Luật Trẻ em cũng quy định rõ việc ưu tiên nguồn lực để thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, bao gồm cả nguồn tài chính và nguồn nhân lực. Tháng hành động vì trẻ em vào tháng 6 hàng năm và Quỹ Bảo trợ trẻ em cũng được quy định trong luật để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em và vận động nguồn lực cho trẻ em. Luật Trẻ em quy định cụ thể và bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm như tước đoạt quyền sống của trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; không thực hiện trách nhiệm hỗ trợ trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm…

 

Về các quyền và bổn phận của trẻ em, Luật Trẻ em quy định 25 nhóm quyền của trẻ em như quyền sống; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, không bị mua, bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạn; quyền được đảm bảo an sinh xã hội; quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội; quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn… Các bổn phận của trẻ em đối với gia đình, nhà trường, cộng đồng, đất nước và chính bản thân các em được quy định cụ thể trong Luật Trẻ em phù hợp với chế định về nghĩa vụ công dân của Hiến pháp năm 2013, Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng và phù hợp với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng con người Việt Nam trong bối cảnh mới.

 

(Còn nữa)

 

TRUNG KIÊN (giới thiệu)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek