Toàn tỉnh có rất nhiều người tàn tật là nạn nhân chất độc da cam, cuộc sống rất khó khăn, mặc cảm, nhưng họ vẫn tràn đầy lạc quan, nghị lực sống, vượt qua chính mình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng trao quà cho Y Thảnh - Ảnh: KIM CHI |
1. Nhân kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, mới đây, Y Thảnh, 37 tuổi, một nạn nhân da cam ở thôn Tân Lập, xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa), xuống TP Tuy Hòa để dự lễ kỷ niệm và nhận những phần quà do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên hỗ trợ. Tuy hai chân bị liệt bẩm sinh, nhưng bù lại Y Thảnh có khuôn mặt sáng, nụ cười hiền khiến người đối diện dễ có thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Y Thảnh kể: “Sinh ra, tôi đã bị liệt tay, còn chân teo tóp dần. Lớn lên cũng không được đến trường như các bạn cùng trang lứa mà chỉ ở nhà tự học chữ. Năm 1994, mấy người bạn cùng thôn rủ tôi vào TP Hồ Chí Minh bán vé số. Không chần chừ, tôi đi ngay”.
Bán vé số đến năm 2006, dành dụm được một ít tiền, Y Thảnh quyết định về quê nhà. Sau đó, nhờ được tổ chức quốc tế hỗ trợ vốn làm ăn, Y Thảnh mở một tiệm tạp hóa kiếm sống qua ngày, rồi Nhà nước hỗ trợ chiếc xe lăn. Cuộc đời luôn mỉm cười với những người thiện chí, năm 2007, anh gặp K’Pá Hờ Xuân và kết hôn. Có người san sẻ, vun vén tình thương, cuộc sống gia đình đầm ấm, Y Thảnh đã có 2 người con (một trai, một gái) hoàn toàn khỏe mạnh. Y Thảnh nói: “Sức khỏe tôi yếu nên không làm được những việc nặng, nhờ có tiệm tạp hóa, hàng ngày tôi phụ vợ buôn bán. Nhà có 8 sào mía, lúc vào mùa vụ thì vợ lên rẫy trồng mía, làm cỏ, tôi ở nhà làm việc nhà. Nay đứa con trai đã 10 tuổi, biết giúp đỡ ba mẹ, nên tôi cũng đỡ vất vả được phần nào, còn đứa nhỏ mới 13 tháng tuổi nên tôi phụ vợ trông nom”.
2. Ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), nhiều người biết đến anh Nguyễn Ngọc Hậu với nghị lực vượt qua tật nguyền. Anh Hậu bị tật hai chân bẩm sinh, thế nhưng đến nay dù đã hơn 42 tuổi, anh Hậu chưa bao giờ bi quan, chán nản trong cuộc sống, trái lại anh luôn lạc quan, chăm chỉ với công việc kiếm sống. Trời không phụ lòng người, tuy tàn tật nhưng anh Hậu may mắn có được một người vợ giỏi giang, hai đứa con của anh phát triển bình thường như bao đứa trẻ đồng trang lứa. Với chiếc xe lăn do Nhà nước hỗ trợ mấy năm trước, hàng ngày, anh xuống TP Tuy Hòa bán vé số. Sau này, nghe nhiều người giới thiệu, anh Hậu vào TP Hồ Chí Minh để bán vé số, mỗi năm về nhà vài lần để thăm gia đình. Anh tâm sự: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi là gia đình luôn bên cạnh, động viên giúp đỡ. Tôi tuy tàn nhưng không phế và luôn cố gắng phấn đấu vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, mong sao gia đình có cuộc sống ổn định, hai con học hành đàng hoàng”. Và có một điều trùng hợp thú vị, khi tôi hỏi Y Thảnh có biết anh Nguyễn Ngọc Hậu không, Y Thảnh bất ngờ cho biết, những năm tháng ở TP Hồ Chí Minh chính là nhờ có anh Hậu đã giúp đỡ anh mưu sinh, kiếm sống bằng nghề bán vé số.
3. Anh Đào Ngọc Điểm, 39 tuổi ở khu phố Chí Đức, thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), là nạn nhân chất độc da cam, bị ảnh hưởng từ cha là một thương binh. Anh bị liệt 2 chân, phải ngồi xe lăn mỗi khi di chuyển. Anh Điểm bộc bạch: “Cuộc sống của tôi tuy khó khăn nhưng tôi luôn cố gắng vượt qua nỗi đau số phận. Cách đây gần 20 năm, tôi đi bán vé số ở TP Hồ Chí Minh và gặp được vợ tôi hiện nay. Tuy còn nhiều vất vả trong cuộc sống, nhưng bằng trái tim và tình yêu thương, chúng tôi cố gắng xoay xở, phấn đấu vượt qua nghịch cảnh. Lần lượt chúng tôi cũng có với nhau hai đứa con ngoan hiền, đứa lớn năm nay học lớp 6, đứa nhỏ học mẫu giáo”.
Mấy năm trước, cha mất, cả gia đình anh Điểm rời TP Hồ Chí MInh về lại quê nhà để sống và chăm sóc mẹ già. Trò chuyện với tôi, anh Điểm trải lòng: “Lúc về cũng vất vả lắm, vì không biết làm gì. Thế rồi, bằng số vốn ít ỏi vợ chồng tôi mua gà giống về nuôi. Không phụ lòng người, những đàn gà và mấy sào ruộng, cũng giúp chúng tôi ổn định cuộc sống. Vợ chồng tôi rất hạnh phúc khi hai con đều ngoan. Hiểu được hoàn cảnh của gia đình nên các con tôi luôn động viên nhau học tập, cố gắng không làm ba mẹ buồn lòng”.
Ông Nguyễn Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên, cho biết: Được Nhà nước, cộng đồng quan tâm chăm sóc bằng nhiều hình thức nên thời gian qua, nhiều người là nạn nhân da cam, tàn tật đã vượt qua bệnh tật, vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nhiều nạn nhân da cam đã tự nỗ lực phấn đấu cố gắng vượt qua sự hạn chế của bản thân với những công việc làm chân chính, là tấm gương sáng để nhiều người tàn tật khác noi theo.
KIM CHI