Thứ Tư, 09/10/2024 00:21 SA
Chuyện của dòng sông và những cây cầu
Thứ Sáu, 05/08/2016 14:00 CH

Cầu Bến Lớn bắc qua sông Bàn Thạch - Ảnh: THÁI HÀ

Cầu Bàn Thạch (mới), Đà Nông, Bến Lớn, Đá Cối, Bến Củi lần lượt được xây dựng bắc qua sông Bàn Thạch làm cho xóm làng ven sông như được thổi thêm làn gió mới, trù phú hơn, tươi đẹp hơn. Bên những cây cầu mới thông thoáng, xe chạy bon bon với đèn điện sáng choang, thi thoảng lòng của những người con đất quê nặng niềm hoài cổ vẫn da diết nhớ về những chuyến đò ngang, dọc từng một thời làm nên linh hồn của dòng Bàn Thạch.

 

Nhớ những chuyến đò ngang, dọc

 

Ông Lê Trung Hiền, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tây Hòa, cho biết sông Bàn Thạch dài 86km bắt nguồn từ phía tây huyện Tây Hòa, chảy qua huyện Đông Hòa và đổ ra biển Đông ở cửa Đà Nông. Trên dòng sông này, từ thời Pháp thuộc chỉ có cầu Bàn Thạch (cũ), nằm trên tuyến quốc lộ 1 được xây dựng. Sau này, để thuận lợi cho thông thương, mua bán, phục vụ dân sinh, từ thập niên 80 của thế kỷ trước, nhiều chiếc cầu nhỏ như Bến Trâu, Bến Mít, Bến Sách, Bến Củi được bắc qua sông. Thế nhưng, với những người từng sống ven bờ sông, chuyện dòng sông và bến đò vẫn còn được lưu giữ lại rất nhiều trong ký ức.

 

Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Hảo (xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa), dòng sông, bến đò vừa là nơi hiền hòa lại vừa hung hiểm. Bà Hảo nhớ lại: Nhà tôi ở ven Bến Lớn, khoảng 20 năm trước, nghề chèo đò vẫn còn hưng thịnh. Tôi nhớ, trên bến có ông Thừa làm nghề lái đò. Ông có làm một túp lều tranh ngay trên bãi cát, lúc nào cũng có những đọt khói nhỏ bay lên. Trong lều, ngoài vài cái xoong được treo ngăn nắp thì chiếc ấm nhôm trắng luôn được bắc trên bếp lửa để pha trà. Ông Thừa ở trong lều, đến khi nào nghe khách gọi một tiếng dài “đò ơi…”, mới khom người, thò đầu ra, chậm rãi xuống bến mở dây buộc đò rồi chèo sang đưa khách. Tôi yêu bến sông, chiều nào cũng tha thẩn ở đây để nhìn ông đưa khách sang sông và xin được đi “ké” vài chuyến cho đỡ ghiền nhưng về sau không bao giờ còn dám bén mảng tới. Bởi trên dòng sông này, trong một mùa nước lớn, chị tôi và sau đó, một người chị họ khác đã phải nằm lại vì hụt chân, đuối nước.

 

Còn bà Lê Thị Mức, người ngang dọc buôn bán trên dòng sông Bàn Thạch hơn nửa cuộc đời thì không thể quên không khí nhộn nhịp trên bến, dưới đò. Bà Mức nói: “Ngoài những chuyến đò ngang, dòng sông Bàn Thạch ngày đêm nhộn nhịp bởi những chuyến đò dọc và ghe máy. Xuồng máy chạy dọc dòng sông chở cá, mắm ở miệt biển lên, chở lúa gạo, đường đen miền núi về; đò ngang chở tất tần tật từ gà vịt, rau củ, khoai sắn, thơm, mít, mía cây… từ các vùng ven đến các chợ trung tâm của xã để buôn bán vào những ngày phiên và mang về những vật dụng cần thiết. Đêm trên sông, những chuyến đò chở lúa bó từ Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), bè gỗ từ thượng nguồn về hạ lưu với ánh đèn pin nối nhau theo hàng dài. Về sau, chính quyền hai bên bờ sông cử du kích xã đêm nào cũng mai phục nên các bè gỗ không hoạt động nữa. Dòng sông về đêm cũng bớt ồn ào hơn”.

 

Bừng lên sức sống những cây cầu

 

Những cây cầu cũ thường có quy mô nhỏ và thô sơ. Từ năm 2000 trở lại đây, các cây cầu Đà Nông, Bàn Thạch (mới), Bến Lớn, Đá Cối, Bến Củi (mới) lần lượt mọc lên quy mô, chắc chắn, đèn điện sáng trưng, nối đôi bờ dọc sông Bàn Thạch. Không còn những chuyến đò mùa nước lớn, không còn phải lội bộ những khi nước cạn, những chiếc cầu không chỉ là gạch nối hai làng quê mà còn thổi bừng lên sức sống cho những làng xóm ven bờ.

 

Cầu Bàn Thạch là huyết mạch nối liền quốc lộ 1. Từ khi cầu cũ xuống cấp, cầu mới đã được xây dựng để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt. Từ cầu Bàn Thạch hướng về phía biển, cầu Đà Nông được xây dựng năm 2000 nối Khu công nghiệp Hòa Hiệp với cảng Vũng Rô tạo thuận lợi cho việc giao thông theo trục đường động lực ven biển từ nam TP Tuy Hòa đến Vũng Rô được thông suốt. Cây cầu này đặc biệt có ý nghĩa với người dân xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa) khi họ không phải đi một quãng đường dài, nguy hiểm trên sông nước để sang trung tâm của huyện và TP Tuy Hòa. Ngược lên hướng tây, cầu Bến Lớn nối thị trấn Hòa Vinh và xã Hòa Xuân Tây của huyện Đông Hòa làm cho việc thông thương đi lại giữa hai vùng trở nên thuận lợi. Thay vì phải đi đường vòng 5-7 cây số, người dân ở các thôn Nam Bình 1, Nam Bình 2 của xã Hòa Xuân Tây chỉ phải vượt qua một cây cầu là đã có thể sang thị trấn Hòa Vinh rồi theo đó ra TP Tuy Hòa, xuống thị trấn Hòa Hiệp Trung. Xa về phía thượng nguồn, cầu Đá Cối nối thôn Lạc Đạo và Đồng Thạnh của xã Hòa Tân Đông làm cho đời sống của người dân thôn Lạc Đạo xa xôi trước đây như thay da đổi thịt. Không còn những làng xóm cách trở, cây cầu mới với đèn điện sáng choang thắp sáng cả thôn xóm. Còn cây cầu Bến Củi, xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) được xây dựng từ thập niên 80 của thế kỷ trước, được xây mới lại năm 2013 là công trình thoát lũ và phục vụ dân sinh hiệu quả.

 

Ông Lê Tấn Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho biết: “Những cây cầu mới, trong đó có cầu Bến Lớn không chỉ giúp cho giao thông được thuận lợi hơn mà còn làm cho đời sống kinh tế, tinh thần của người dân hai bờ tương đồng. Ví dụ như trước đây, hai thôn Nam Bình 1 và Nam Bình 2 của xã Hòa Xuân Tây ở vị trí khá heo hút thì nay, khi có chiếc cầu băng qua thị trấn, người dân Nam Bình được tiếp cận với vùng đất sôi động hơn giúp cho đời sống văn hóa tinh thần cũng như vật chất của họ được nâng lên rõ rệt”.

 

Trên dòng sông dài hơn 80km, chỉ từ năm 2000 trở lại đây, lần lượt 5 chiếc cầu mới mọc lên. Những chiếc cầu đánh dấu sự đổi thay của cả một vùng dân cư ven sông rộng lớn. Nó cũng cho thấy sự phát triển từng ngày của đất nước. Trên những chiếc cầu, xe tải chở vật liệu xây dựng ngày đêm rầm rập qua lại để xây lên những công trình mới; những chuyến xe chở nặng nông sản như dưa hấu, bắp, đậu, sắn ung dung chạy trên đường; những chuyến xe chở hàng từ cảng vào đất liền cứ nối tiếp nhau mà không phải băng sông, vượt núi... Bên những chiếc cầu mới, hình ảnh ông lái đò trở thành quá vãng, hoài niệm. Đổi lại, bọn trẻ con giờ đến trường, người lớn đi làm, đi chợ không phải vượt sông hay đi đường vòng; hàng hóa thông thương dễ dàng hơn và hơn cả, trên dòng sông không còn thấy nhiều cảnh đau lòng xảy ra vì cách trở đò giang.

 

THÁI HÀ

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek