Trong dịp kỷ niệm 62 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi, những đứa con của quê hương Đồng Xuân, hăm hở trở về thăm xã Xuân Quang 1 - đơn vị anh hùng, khu căn cứ cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Xuân Quang ngày trước nổi tiếng là địa phương kiên cường đánh giặc với khẩu hiệu: “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”.
Nước sạch về tận nhà đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Phú Tân, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) Ảnh: N.LƯU |
Trời vẫn còn nắng nóng, chưa có một trận mưa nào đáng kể nên mực nước sông Cái mùa này quá cạn. Chính giữa dòng sông nổi lên những cồn cát trắng phau. Con đường số 6 cũ nối Xuân Phước với Xuân Quang chưa được nâng cấp, còn lắm ổ gà. Bà con sống ở hai bên đường mùa nắng thì hít bụi, mùa mưa thì nước đọng trên đường tạt vào nhà khi có xe ô tô chạy qua. Chúng tôi hiểu rõ bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng vẫn còn nhiều khó khăn, thiệt thòi. Mặc dù Nhà nước có chính sách ưu tiên, ưu đãi nhưng vẫn còn nhiều việc chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nhân dân.
Trụ sở của UBND xã Xuân Quang 1 ở giữa thôn Kỳ Lộ. Vùng này còn có tên Bằng Dẻ. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bằng Dẻ có nhiều cây cối um tùm, địa thế rất tốt, ở trung tâm xã. Các cuộc họp quan trọng của lãnh đạo xã thường tổ chức ở đây. Hồi đó các anh ước mơ khi nào độc lập, thống nhất nước nhà sẽ xây dựng ở đây trụ sở làm việc của địa phương thật khang trang. Bây giờ ước mơ đó đã thành sự thật.
Các đồng chí lãnh đạo địa phương và hơn 20 cụ ông, cụ bà tuổi đã ngoài 80, râu tóc bạc phơ có mặt tại trụ sở xã từ lâu, chờ đoàn chúng tôi đến. Họ là những chứng nhân lịch sử. Người là bí thư, người là chủ tịch, người là xã đội trưởng chỉ huy dân quân du kích đánh giặc rất ngoan cường; người là chiến sĩ du kích từng hạ gục nhiều tên địch, bị thương nặng không chịu rời trận địa; người thì bị địch bắt tù đày, tra tấn rất dã man vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, không hề khai báo nửa lời để bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Họ là những cán bộ cơ sở kiên cường bám dân, xây dựng vững chắc thế trận chiến tranh nhân dân, địch đến là đánh, địch rút lui là tổ chức tăng gia sản xuất để có lương thực nuôi cán bộ cách mạng, nuôi quân đánh giặc. Có thời kỳ bà con dành phần gạo cuối cùng để gởi lên chiến khu nuôi thương binh, bệnh binh…
Buổi tọa đàm ôn lại truyền thống 62 năm qua của Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Quang 1 diễn ra ngay sau đó. Các cụ Thân Văn Chác, Nguyễn Sang, Lê Nay, Lê Xuân Phương, Nguyễn Thị Xíu, Trần Văn Thơm… lần lượt kể lại khí thế quật khởi trong những ngày Cách mạng tháng Tám 1945 ở các thôn Kỳ Lộ, Đồng Hội, Suối Cối, Phú Tân… Rồi trong kháng chiến chống Pháp chín năm và chống Mỹ cứu nước hơn 20 năm ở Xuân Quang 1, những trận đánh hay, những người đánh giỏi của hơn 30 năm trước được các cụ kể lại rất mạch lạc, chi tiết, làm cho người nghe có cảm giác như sự việc vừa diễn ra cách đây không lâu; những người trong cuộc không còn nữa mà như thấy họ vẫn có mặt ở đây. Thật tự hào và xúc động! Đã quá trưa mà người kể vẫn muốn tiếp tục được kể nữa, và người nghe vẫn muốn tiếp tục được nghe thêm.
Chúng tôi đi thăm lại một số địa danh gắn liền với chiến công oanh liệt của quân và dân xã Xuân Quang 1 và những nơi ghi đậm nhiều kỷ niệm với các anh trong đoàn.
Đây là thôn Suối Cối có trận đánh Suối Cối nổi tiếng. Sáng ngày 8/5/1954, tiểu đoàn Ngự lâm của địch đi càn quét lên Kỳ Lộ, lọt vào ổ phục kích của tiểu đoàn 365 (có sự phối hợp của dân quân du kích xã Xuân Quang). Ta nổ súng, bọn địch chống trả quyết liệt, nhưng cả tiểu đoàn Ngự lâm của địch bị tiêu diệt, vài tên lính Âu Phi còn sống sót tháo chạy về Gò Cày. Đây là trận đánh tiêu diệt gọn lớn, gây hoang mang lớn đối với địch. Chỉ vài ngày sau khi bị tiêu diệt ở Suối Cối, bọn lính ở Đồng Me rút chạy về La Hai, đến giữa tháng 5/1954 xã Xuân Quang không còn bóng giặc.
Xe ô tô dừng lại cách một đoạn sườn đồi yên ngựa không xa, anh Tạ Sơn Xuân (Hai Hiền) xúc động nói:
- Đây là nơi tôi bị bom vùi sâu xuống đất. Bà con thôn Đồng Hội đã đào bới, cứu tôi thoát chết trong gang tấc.
Hồi Cách mạng tháng Tám năm 1945, các cụ tuổi 18, 20, đã hăng hái vác gậy tầm vông và giáo, mác đi cướp chính quyền bù nhìn phong kiến, đánh đuổi bọn địa chủ phản động, gian ác, bảo vệ thành quả cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các cụ đều là những cán bộ chủ chốt ở xã Xuân Quang 1.
Xe ô tô chạy một đoạn nữa, cả hai anh Tạ Sơn Xuân và Trần Văn Thu (Bốn Thu) đều reo lên: “Anh còn nhớ không, đây là nơi hai anh em mình bịn rịn chia tay nhau hồi tháng 11/1962, mỗi người đi về một hướng (anh Bốn Thu đi về hướng Bắc sông Cái, anh Hai Hiền đi về hướng thôn Kỳ Lộ) để làm công tác giữ dân, làm thất bại chiến dịch Hải Yến của địch. Hồi ấy ai cũng nghĩ rằng lần chia tay này sẽ có người không bao giờ trở lại…”.
Mỗi một tên đất, tên làng ở xã Xuân Quang trước đây đều gắn liền với lịch sử hào hùng và truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và toàn dân trong xã kể từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công.
Đồng chí Ngô Trọng Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Quang 1 nói: “Chúng cháu là lớp con cháu của các cụ, được Đảng phân công và được các cụ cũng như nhân dân trong xã tín nhiệm giao phó cho nhiệm vụ nặng nề. Chúng cháu xin hứa sẽ không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của Đảng bộ và nhân dân trong xã, ra sức xây dựng địa phương vững mạnh toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và an ninh quốc phòng trong thời kỳ mới. Chúng cháu nguyện ra sức giữ gìn, bảo vệ và phát huy truyền thống cách mạng anh hùng của quê hương. Đó là những giá trị tinh thần rất to lớn mà biết bao thế hệ cha ông đã kiến tạo nên. Chương trình hành động mà Đại hội Đảng bộ lần thứ X của xã là: “Tăng cường đoàn kết toàn dân, ra sức vượt qua khó khăn, khai thác tiềm năng sẵn có, phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH-HĐH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng an ninh; tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới”.
Chúng tôi nghĩ đó là một chương trình hành động thể hiện đầy đủ sự năng động, sáng tạo và quyết tâm của Đảng bộ xã Xuân Quang 1. Tạm biệt nhân dân và các cụ lão thành cách mạng, tạm biệt vùng đất Xuân Quang 1 tình sâu nghĩa nặng, lòng chúng tôi tràn ngập niềm tự hào và tin tưởng vào một tương lai mới ở vùng đất kiên cường này.
Bút ký của TÔ PHƯƠNG