Chủ Nhật, 27/10/2024 00:35 SA
Cơ sở xoa bóp “Ánh sáng cho người khiếm thị”:
Giúp người khiếm thị vượt lên số phận
Thứ Ba, 05/01/2016 07:58 SA

Người khiếm thị làm nghề xoa bóp cho khách tại cơ sở “Ánh sáng cho người khiếm thị” - Ảnh: X.TRIỆU

Vượt lên tật nguyền, cô gái khiếm thị 22 tuổi Huỳnh Công Hạnh (phường 2, TP Tuy Hòa) quyết tâm học nghề và mở cơ sở xoa bóp “Ánh sáng cho người khiếm thị”. Cơ sở này đã giúp Hạnh và 4 người khác cùng cảnh ngộ đến từ nhiều tỉnh, thành phố có công việc, thu nhập ổn định. Từ đây, họ tự tin hòa nhập vào cuộc sống.

 

MÁI NHÀ CHUNG

 

Cơ sở xoa bóp “Ánh sáng cho người khiếm thị” do Huỳnh Công Hạnh làm chủ nhiệm là một căn nhà được thuê lại với giá 2,5 triệu đồng/tháng, diện tích khoảng 70m2, tại 172 Lê Trung Kiên (TP Tuy Hòa). Ngôi nhà được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ, bên dưới là phòng khách; trên gác bố trí 4 chiếc giường để xoa bóp cho khách.

 

Huỳnh Công Hạnh chia sẻ: Mặc dù bị khiếm thị nhưng tôi luôn nghĩ mình phải làm gì đó, ít nhất là tự nuôi sống được bản thân. Khi Hội Người mù Phú Yên thông báo có lớp dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt cho người mù, tôi đã đăng ký và được đi học lớp nghề sơ cấp 3,5 tháng tại Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam. Có nghề trong tay, tôi nghĩ ngay đến việc mở cơ sở tại Phú Yên. Nhờ sự giúp đỡ của gia đình, họ hàng và Hội Người mù tỉnh, tháng 12/2014, cơ sở xoa bóp “Ánh sáng cho người khiếm thị” được thành lập.

 

Với cách xoa bóp theo liệu pháp y học cổ truyền, khách đến cơ sở “Ánh sáng cho người khiếm thị” ngày một đông. Thấy công việc có chiều hướng tốt, Hạnh đã kêu gọi các bạn mình quen trước đây về làm cùng. Căn nhà nhỏ số 172 Lê Trung Kiên lúc này trở thành mái nhà chung của Hạnh và 4 thành viên đến từ các tỉnh, thành: Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Đắk Lắk. Có thêm người, ngoài việc lo cho hoạt động kinh doanh của cơ sở, với 30% thị lực còn lại của mắt trái, Huỳnh Công Hạnh còn chăm lo cơm, nước… cho mọi người.

 

Nguyễn Minh Tuấn (20 tuổi, quê Quảng Nam) tâm sự: Trước đây, tôi làm xoa bóp ở nhà, thấy không hiệu quả nên chuyển sang bán kẹo kéo dạo. Cuộc sống vất vả lắm! Khi được chị Hạnh gọi về làm cùng với các anh chị ở cơ sở này, tôi đã có chỗ làm ổn định không phải rong ruổi kiếm sống. Từ khi có công việc và thu nhập, ngoài chi phí sinh hoạt cá nhân, tôi còn có thể gửi tiền về giúp đỡ phần nào cho gia đình ở quê nữa...

 

Hiện tại, mỗi ngày, cơ sở xoa bóp “Ánh sáng cho người khiếm thị” tiếp đón khoảng 15 khách đến bấm huyệt, giác hơi, xông hơi dược liệu… Sau khi trừ các chi phí, bình quân mỗi thành viên có thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/tháng. Có việc làm và thu nhập ổn định, những người khiếm thị ở cơ sở cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống. Hơn thế, họ còn ấp ủ ước mơ về cuộc sống tương lai.

 

NHỮNG ƯỚC MƠ

 

Sau 8 tháng sinh hoạt và làm việc tại cơ sở, Trương Thanh Tuấn (30 tuổi, quê ở Thừa Thiên - Huế) vui vì có được cuộc sống đời thường. Tuấn kể: “Ở đây, buổi sáng, tôi cùng mọi người cũng đi uống cà phê cho tỉnh táo trước khi làm việc. Dịp lễ, chúng tôi cùng rủ nhau đi chơi, có khi hát karaoke nữa. Vào quán, tôi nhờ nhân viên bấm sẵn những bài mình biết, khi nhạc lên là hát theo...”.

 

Cuộc sống của những người khiếm thị vốn dĩ bị bóng tối vây quanh nên có được niềm vui thực sự là điều đáng quý đối với họ. Từ đây, họ không còn mặc cảm tật nguyền nữa, thay vào đó là những ước mơ. Hoàng Thu Huyền, cô gái 21 tuổi, quê ở Hà Nội, bộc bạch: “Tôi mong công việc ở đây sẽ phát triển tốt để có thể tích lũy được số vốn nho nhỏ cho cuộc sống sau này. Khi ổn định, nếu có một người thực sự hiểu và sẵn sàng gắn bó thì tôi cũng sẽ tính đến chuyện xây dựng hạnh phúc riêng cho mình”.

 

Với chủ nhiệm cơ sở Huỳnh Công Hạnh, cô cũng ấp ủ những dự định tương lai nhưng không chỉ riêng cho bản thân. Hạnh nói: Ước mơ thì có nhiều lắm. Trước mắt, tôi mong mình có đủ sức khỏe để lo hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của các thành viên ở cơ sở. Nếu công việc tốt, tôi sẽ nhận thêm và dạy nghề miễn phí cho người mù. Còn chuyện gia đình, tôi cũng muốn lắm nhưng do duyên trời nữa…

 

Dẫu Huỳnh Công Hạnh và những người khiếm thị ở cơ sở “Ánh sáng cho người khiếm thị” còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách ở phía trước nhưng với nghị lực vượt lên tật nguyền, họ thật sự đã khẳng định mình “tàn” nhưng không “phế”.

 

Ông Hoàng Tự Điển, Chủ tịch Hội Người mù Phú Yên, khẳng định: Việc Hạnh mở cơ sở “Ánh sáng cho người khiếm thị” cho thấy em đã nỗ lực vươn lên để hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Điều đáng quý hơn nữa là Hạnh còn có thể giúp đỡ được những người khác có chung hoàn cảnh có việc làm và thu nhập ổn định. Cơ sở “Ánh sáng cho người khiếm thị” thực sự đã giúp những người khiếm thị vượt lên số phận…

 

 

VŨ XUÂN TRIỆU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek