Chủ Nhật, 27/10/2024 18:19 CH
Dỡ cơm đi tìm con chữ
Thứ Sáu, 25/12/2015 10:45 SA

Em Nguyễn Thị Thúy Quỳnh dỡ gô cơm, lội nước đến trường - Ảnh: H.NAM

Những ngày qua, trời mưa, học sinh ở xóm Thượng Tổng, thôn Mỹ Long, xã An Dân (huyện Tuy An) bước ra khỏi nhà là xăn quần xách dép lội bùn trên đoạn đường lầy lội để đến trường. Đường xa đi lại vất vả, sáng đi học, các em phải dỡ gô cơm ở lại trường buổi trưa, nhưng các em vẫn cháy bỏng ước mơ tìm con chữ.

 

GÔ CƠM… ĐẾN TRƯỜNG

 

Mờ sáng, chị Nguyễn Thị Bé Xin (ở xóm Thượng Tổng) thức giấc xuống bếp lui cui bắt nồi cơm lên bếp, hâm lại nồi cá kho rồi dỡ cơm, cá vào trong gô nhựa để con gái Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, học sinh lướp 4B, Trường tiểu học An Dân số 1, mang theo đến trường. Bỏ cái muỗng vào trong, đậy gô cơm kỹ càng, chị Xin phân bua: “Sáng qua đi chợ mua cá cơm về kho để dành, con nhỏ đi học xa, buổi trưa ăn uống khô khan, biết vậy nhưng không thể dỡ canh được, chiều về nấu canh chua, cá ngọt bồi bổ thêm cho con”.

 

Cũng ở cùng xóm Thượng Tổng, em Võ Thị Cẩm Tuyết, được mẹ dỡ cơm với trứng gà đổ chả kèm theo ít cà đĩa luộc. Gói nắm cơm trong túi ni lông, rồi mẹ em để vào chiếc cặp cho con đi học.

 

Mùa mưa, hành trình đến trường của học sinh nơi đây thật khó khăn. Bước ra khỏi nhà là các em phải xăn quần, xỏ hai chiếc dép lên hai bên tay nắm ghi đông xe đạp. Suốt chặng đường đến trường, nhiều đoạn phải lội bùn, dắt bộ hoặc gồng mình đạp xe cố rướn qua chỗ bùn đất trơn trượt. Hết đoạn đường lầy lội là đến đoạn đường từ miễu Cây Xanh đến suối Hố Gạo nước chảy thành dòng ngập ngang đầu gối. Qua hết đoạn đường này mới lên được đoạn đường bê tông. Tưởng êm xuôi, nào ngờ đi được 500m đến đầu thôn chỗ cổng thôn văn hóa Mỹ Long lại gặp đoạn đường ngập ngụa bùn đất.

 

Từ xóm Thượng Tổng đi một quãng xa, đến thôn Mỹ Phú (xã An Dân) mới gặp lại đường bê tông. Đi một đoạn có con suối chảy cắt ngang qua đường, các em “cùng cảnh ngộ” dựng xe đạp rửa bùn đất, vuốt lại ống quần cho thẳng thớm, mang dép rồi đạp xe đến trường.

 

Sân Trường tiểu học An Dân số 1 hôm ấy có 4 học sinh lớp 4B, ngoài Quỳnh, Tuyết còn có em Nguyễn Đặng Gia Bình, Trần Dương Thiên vai mang cặp tay xách gô cơm vào lớp học. Tan buổi học, 4 em cùng ngồi ăn cơm, thức ăn trong mỗi gô cơm khác biệt, có gô cơm chỉ là mắm ruốc, rau luộc.

 

NGHỊ LỰC HỌC TRÒ VÙNG XA

 

Chị Cao Thị Diễm Trinh, một phụ huynh ở xóm Thượng Tổng, bộc bạch: “Ở đây quen rồi, hôm nào trời mưa to, nước trên trổ máng xóm nhà đổ xuống ầm ào là biết chắc suối Hố Gạo nước chảy xiết, nên tôi phải đưa con qua khỏi suối Hố Gạo rồi mới về. Thấy đường đi lại khổ nhọc, tối về tôi động viên con cố gắng học chăm chỉ, nó bảo mẹ yên tâm, con sẽ học thành tài để sau này phụ giúp ba mẹ”.

 

Còn chị Đặng Thị Hồng, mẹ của em Nguyễn Đặng Gia Bình, cho biết con chị mới học lớp 4 mà đã “nhờ” rồi. Hai vợ chồng đi làm ngoài đồng cả ngày, nên những việc lặt vặt trong nhà, hay chuyện học hành cháu đều tự lập. Ngay cả chuyện khâu vá, tra lại nút áo, cháu cũng tự làm được. Nó còn hứa sẽ học đến tốt nghiệp đại học.

 

Ông Trần Kim Thanh và nhiều người dân ở xóm Thượng Tổng cho hay, mùa mưa đoạn đường này “chằn ăn, trăn quấn” vì lầy lội. Ở đây nhà nào muốn đi ra khỏi làng đều lội bùn đi qua Mỹ Long, người lớn còn “khóc ròng” huống chi tụi nhỏ. Vậy mà mấy đứa nhỏ trong xóm vẫn đi học đều đều. Học sinh lớp 4 đi học dỡ theo gô cơm đã hơn 4 năm nay, người ở xa đến thấy cảnh này cũng bùi ngùi…

 

Con đi học, cha mẹ cho tiền nhưng không dám đi ăn quán vì quán cơm nằm kề đường quốc lộ 1, mà từ trường lên quốc lộ 1 thì xa, đã có trường hợp đau lòng xảy ra ở xóm này rồi.

 

Thầy Nguyễn Thanh Đạm, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học An Dân số 1, cho hay: Đối với các em học sinh ở xóm Thượng Tổng ở xa trường, đường đi khó khăn, nên học buổi sáng xong các em ở lại tại trường, nhà trường cũng tạo điều kiện mở phòng học cho các em có chỗ nghỉ qua trưa. Ở thôn Mỹ Long học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 có điểm trường trong thôn, riêng lớp 4, 5 thời gian gần đây phải học ở trường chính vì sĩ số học sinh rất ít, chỉ dưới 10 em.

 

Trong tuyến đường giao thông liên xã đang thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn thì thôn Mỹ Long còn “nặng” nhất vì đường dài hơn 2km mà dân cư ít nên việc huy động vốn trong nhân dân rất cao. Ngoài việc được tỉnh hỗ trợ xi măng, UBND xã An Dân đã làm tờ trình đề nghị huyện hỗ trợ thêm kinh phí, xã cũng huy động các nguồn vốn khác bổ sung để “gánh” bớt kinh phí huy động trong dân, phấn đấu hoàn thành tuyến đường này trong năm 2016, để học sinh và người dân đi lại thuận lợi.

 

Chủ tịch UBND xã An Dân Trần Hữu Hiệu

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek