Giữa cuộc sống xô bồ, tấp nập của phố thị, đâu đó vào mỗi sáng sớm, đứng trưa, chiều muộn hoặc đêm khuya vẫn có những tiếng rao hàng. Ấy là tiếng rao của các mẹ, các chị đang gồng gánh mưu sinh, lo toan cho gia đình.
Không có vốn liếng để mở một gian hàng cố định, người bán hàng rong chọn cách buôn gánh bán bưng để kiếm ít tiền lời lo toan cho gia đình - Ảnh: T.HÀ |
SẢN PHẨM TƯƠI NGON
TP Tuy Hòa dù là ngày nắng chói chang, ngày mưa tầm tã, những gánh hàng rong vẫn cứ mải miết đi về. Người bán hàng rong có thể là người trong phố, cũng có thể là người ở các phường ngoại ô hay các huyện lân cận đến. Thường, họ đi rảo bán những món hàng quê trên đôi quang gánh hoặc xe đạp rong rủi khắp các con phố. Trên giỏ hàng của họ là những rau củ, các loại hoa trồng ở vườn nhà, một ít cá thịt, đồ ăn vặt… được chọn lựa cẩn thận, sắp xếp gọn gàng và lúc nào cũng tươi ngon.
Từ 3 giờ sáng, bà Phạm Thị Điệp ở khu phố Phước Hậu 3 (phường 9, TP Tuy Hòa) đã có mặt ở chợ Tân Hiệp để mua sỉ đồ hàng khắp nơi đổ về. Sau một hồi chọn lựa, ngã giá, bà Điệp cũng chọn được một ít rau muống của những người ở Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An) chở vào; những đọt bầu, bí của những nhà vườn ở Hòa An (huyện Phú Hòa), chuối thì lấy lại của vựa... Khi hai sọt rau quả sau xe đã đầy, bà Điệp mới bắt đầu dạo quanh các ngả đường, hẻm phố để bán hàng.
Người bán hàng rong trên phố đi từ đường này sang đường khác, từ phố này sang phố khác, miệng cất tiếng rao và tai chú ý lắng nghe có tiếng “ới” nào vọng ra từ trong nhà là dừng lại. Mỗi khi có khách gọi, họ lại tạt vào lề đường, dỡ giỏ hàng sau xe đạp ra và lấy đồ cho khách.
Những người bán hàng rong thường nói đúng giá và bán, chẳng nói thách để giữ khách. Dù nhà ở gần chợ Tân Hiệp (TP Tuy Hòa) nhưng chị Tống Thùy Linh vẫn có thói quen vẫy những gánh hàng rong để mua hàng chứ ít khi đi chợ. “Nhiều thời gian thì đi chợ sẽ có nhiều sự lựa chọn, với lại không phải lúc nào cũng cần mua một lúc nhiều thứ, thành ra hàng rong luôn là sự lựa chọn ưu tiên”, chị Linh chia sẻ.
MỖI GÁNH HÀNG RONG, MỖI PHẬN NGƯỜI
Những người bán hàng rong đa phần đều có gia cảnh khó khăn. Không có nhiều tiền để mở một sạp riêng ở chợ, họ chọn cách mua đi, bán lại một vài mặt hàng vì vốn ít. Với cách mua bán này, mỗi ngày họ kiếm được vài chục đến trăm ngàn đồng để chi tiêu cho gia đình. Như bà Phạm Thị Điệp năm nay đã gần 80 tuổi. Ở cái tuổi mà đa số các bà đều đã được nghỉ ngơi để vui vầy cùng con cháu thì bà Điệp vẫn ngày ngày đi bán hàng rong để kiếm ít tiền chi dùng cho ba người trong gia đình gồm một mẹ già đã 99 tuổi, một chị gái 83 tuổi và bản thân bà. Còn bà Nguyễn Thị Điểm ở khu phố Lê Thành Phương, phường 8, TP Tuy Hòa đã có thâm niên hơn 10 năm bán hàng rong. Bà Điểm cho biết, bà có cô con gái gần 20 tuổi, đang yên lành chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo. Khi đưa vào TP Hồ Chí Minh điều trị, các bác sĩ chỉ định phải tháo bỏ một chân để giữ lấy mạng sống. Hai vợ chồng bà Điểm đều là lao động phổ thông, để có tiền chạy chữa cho con, ngoài việc làm ruộng, bà Điểm làm đủ thứ việc nhưng tiền vẫn không đủ. Vậy là từ đó đến nay, gánh hàng rong trên vai bà ngày càng nhọc nhằn hơn.
Gánh hàng rong, tuy nhỏ bé, lặng lẽ nhưng là phương tiện mưu sinh của nhiều phận người. Đêm, những gánh hàng rong “ngủ” rất muộn. Có thời, khi sống trên một căn gác nhỏ trong thành phố, tôi cứ văng vẳng nghe âm thanh của người bán hột vịt lộn. Tiếng rao càng khuya, càng khản đặc và cái yên ắng của thành phố ngủ sớm này làm cho nó đầy đủ, rõ ràng hơn. Lâu dần, tiếng rao trở nên thân quen. Có nhiều hôm buồn không ngủ được, tiếng rao như cùng thức với mình. Tôi rời căn gác nhỏ, thỉnh thoảng vẫn nhớ da diết tiếng rao đêm.
Đời sống ngày một phát triển hơn, nhưng những gánh hàng rong từ năm này sang năm khác không nhiều thay đổi. Vẫn là những món hàng đơn sơ được bỏ trong thúng nan rồi cho vào quang gánh; vẫn là những người mẹ, những người chị ở quê đầu đội nón lá, chân mang dép xẹp suốt ngày lam lũ; vẫn là những tiếng rao hàng quen nhịp với bước chân, gõ đều đặn trên đường phố…
THÁI HÀ