Thứ Bảy, 02/11/2024 03:27 SA
Tiếp sức cho làng nghề truyền thống
Thứ Bảy, 03/10/2015 14:43 CH

Phụ nữ làng nghề thúng chai Phú Mỹ (xã An Dân, huyện Tuy An) nỗ lực giữ nghề truyền thống - Ảnh: N.DUNG

Trong các làng nghề truyền thống, phụ nữ giữ vai trò hết sức quan trọng. Bằng tình yêu và sự trân trọng với nghề truyền thống của cha ông, họ đã nỗ lực gìn giữ và “tiếp lửa” cho các làng nghề truyền thống ở các địa phương trong tỉnh.

 

NỖ LỰC GIỮ NGHỀ TRUYỀN THỐNG

 

Người có công đầu tiên đưa nghề làm gốm mỹ nghệ về thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) là chị Trần Thị Chiên. Bởi chị nhận thấy, dù làm gốm mỹ nghệ mất nhiều thời gian, công sức nhưng giá trị cao hơn rất nhiều lần so với làm gốm truyền thống. Bởi vậy, ngoài việc đúc bếp lò, ấm, chậu trồng hoa như mấy chục năm trước, chị Chiên đã học hỏi, mày mò làm tượng, đèn ngủ ốp tường, đồ trang trí trong nhà bằng gốm.

 

Cũng như chị Chiên, nhiều phụ nữ làng nghề đan đát ở Vinh Ba (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) cũng mang nhiều nỗi niềm trăn trở trong việc tìm hướng đi mới cho làng nghề truyền thống quê mình. Sẵn có kiến thức và lòng yêu nghề, chị Trần Thị Thắm sau khi tham khảo nghề đan giỏ bằng cọng lá dừa, mây tre của tỉnh Bến Tre rồi về tự học, sau đó dạy lại cho người dân trong làng. Chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Vinh Ba, cho biết: “Trước kia, tôi cũng như nhiều bà con ở đây chỉ đan các mặt hàng truyền thống như vỉ bánh tráng, thúng, nia, sàng, mành… nhưng tiêu thụ rất chậm. Phải nói, từ ngày học được cách làm hàng thủ công mỹ nghệ, thu nhập hàng tháng của chúng tôi cải thiện hơn trước nhiều”.

 

Để giữ nghề truyền thống của cha ông, buộc người dân làng nghề phải nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, hữu ích trong đời sống hàng ngày, sản phẩm cần phải đáp ứng yếu tố bền và đẹp. Chị Trương Thị Bích Kiều, chủ một cơ sở sản xuất thuyền thúng Phú Mỹ (xã An Dân, huyện Tuy An), cho hay: “Để giữ thương hiệu làng nghề, dù có lúc nhận rất nhiều đơn đặt hàng nhưng chúng tôi không thể làm vội vàng. Thúng chai Phú Mỹ trước khi bán cho khách luôn được thợ kiểm tra cẩn thận, nếu như phát hiện một lỗi nhỏ cũng đổi cho khách để giữ uy tín thương hiệu của làng nghề”.

 

VAY VỐN PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ

 

Hơn 10 năm trở lại đây, việc khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống ở Phú Yên như: thúng chai Phú Mỹ, đan mây tre ở Hòa Đồng, trồng dâu nuôi tằm ở Hòa Phong (huyện Tây Hòa), gốm mỹ nghệ Hòa Vinh, nước mắm Mỹ Quang (xã An Chấn, huyện Tuy An), dệt thổ cẩm ở các xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) và Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), bánh tráng Hòa Đa (huyện Tuy An), bánh tráng Hòa Trị (huyện Phú Hòa)… được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư. Các cấp hội LHPN trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực trong hành trình hồi sinh các làng nghề truyền thống trên đất Phú.

 

Tuy nhiên, hiện nay việc duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống đang gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất. Chị Phạm Thị Út Loan, một phụ nữ ở làng nghề bó chổi đót ở thôn Mỹ Thành (xã Hòa Thắng), chia sẻ: “Trở ngại lớn nhất với chúng tôi hiện nay vẫn là nguồn vốn để phát triển làng nghề. Bởi không phải người dân nào cũng có điều kiện để mua nguyên liệu dự trữ. Nhất là những năm gần đây, giá đót trên thị trường liên tục biến động. Giá như bà con ở đây tiếp cận được nhiều chương trình vay vốn ưu đãi để phát triển làng nghề thì tốt biết mấy”. Đây cũng chính là mong mỏi của phụ nữ ở làng nghề trồng rau và hoa xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa). “Chị em ai cũng mong có thêm nguồn vốn để mua phân bón, cây giống mở rộng diện tích cây trồng; thời gian vay vốn không chỉ một năm mà ít nhất là 2 đến 3 năm”, chị Phan Thị Họa Mi, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Kiến, bày tỏ.

 

Chỉ tính riêng trong hai năm 2014-2015, Hội LHPN tỉnh đã đứng ra tín chấp 780 triệu đồng từ nguồn Quỹ Giải quyết việc làm của UBND tỉnh cho ba dự án Phát triển nghề bó chổi đót và chổi xương ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa); Trồng rau và hoa ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa); Trồng cây diệp hạ châu ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa). Theo đó, các dự án này đã tạo điều kiện cho 54 hộ dân ở ba địa phương nói trên vay vốn với lãi suất ưu đãi. Tùy theo từng dự án, mỗi hộ được vay từ 10 đến 20 triệu đồng trong vòng 1 đến 2 năm, ưu tiên cho đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ đang gặp khó khăn về nguồn vốn vay để làm ăn, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, phát triển làng nghề.

 

LAN KHANH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek