Với sự phát triển của xã hội hiện đại, ngoài trang bị kiến thức, việc rèn kỹ năng sống ngay từ nhỏ là cách giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách và có khả năng tự lập trong cuộc sống khi trưởng thành.
Rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ mầm non là rất quan trọng - Ảnh: T.HẰNG |
Nghiên cứu ở nhiều khía cạnh khác nhau, mỗi nhà tâm lý học lại có một khái niệm khác nhau về kỹ năng sống. Đó là “khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày”, là “tập hợp các kỹ năng được rèn luyện hoặc kinh nghiệm thực tế được sử dụng để xử lý những vấn đề trong cuộc sống... nhưng tất cả đều là những kỹ năng giúp mỗi cá nhân ứng phó với tự nhiên và biến đổi của xã hội.
Theo các chuyên gia, rèn luyện kỹ năng sống cần bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ, nhất là trong lứa tuổi mầm non, vì đây là giai đoạn hình thành tính cách và nhân cách. Không chỉ thế, khi còn nhỏ những hành động, hành vi hàng ngày dễ trở thành thói quen tốt hoặc xấu khi trẻ trưởng thành. Đó có thể là việc rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, biết nói lời xin lỗi khi mắc lỗi, biết cảm ơn khi nhận quà… Bắt đầu từ những hành động nhỏ này, trẻ hình thành những thói quen tốt, kỹ năng biết ứng xử trong cuộc sống. Lớn lên một chút, trẻ nhận thức được tình huống nguy hiểm cho bản thân, bạn bè, biết kêu cứu khi gặp nguy hiểm, biết chia sẻ với người lớn khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Nhận thức được điều này, hiện nay trong từng tiết dạy ở các trường mầm non, thầy cô giáo đổi mới bài học, lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho các cháu.
Cô Cao Thoại Giang Thy, Trưởng nhóm trẻ tư thục mầm non Phượng Hồng (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa), cho biết: “Trong quá trình dạy, trường tôi lồng ghép các kỹ năng sống cho trẻ như trẻ phải biết tự ăn, tự lấy đồ chơi cho bản thân và bạn bè. Qua từng hành động nhỏ như vậy, các cháu sẽ dần hình thành thói quen tự lập. Đồng thời, trong từng tiết học trên lớp, các giáo viên cũng lồng ghép kể những câu chuyện trong sinh hoạt đời thường, hướng các em đến những giá trị nhân văn, phát huy tính chủ động của các cháu”.
Bên cạnh sự giáo dục của thầy cô giáo mầm non, các bậc phụ huynh cũng góp phần rất lớn trong rèn luyện kỹ năng sống cho con trẻ. Sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa nhà trường và gia đình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các em phát huy được tính chủ động, tự lập, dám nghĩ, dám làm trong giao tiếp, ứng xử hiệu quả, thuyết trình, thương thuyết... Theo các chuyên gia tâm lý và các nhà giáo dục, trong giáo dục kỹ năng cần tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, làm trẻ mất phương hướng không biết nghe theo ai và dễ lệch lạc trong tư duy, suy nghĩ.
Thiết nghĩ ba mẹ nên hậu thuẫn song song với ngành giáo dục mầm non, với cô giáo, cùng tìm hiểu một sở thích của trẻ, cùng dạy trẻ một kỹ năng nào đó. Các bậc phụ huynh cần gần gũi với con, trao đổi với giáo viên để biết con được rèn kỹ năng nào, phát hiện và bồi dưỡng các kỹ năng trong sinh hoạt hàng ngày. Như vậy, cả gia đình và nhà trường cùng phối hợp rèn luyện các kỹ năng cho con, giúp cho sự phát triển của trẻ sau này.
Rèn luyện kỹ năng sống là cách giúp trẻ em tự tin, có kiến thức, kỹ năng ngay từ nhỏ và đây cũng chính là tiền đề để các em phát triển hoàn thiện về nhân cách lúc trưởng thành.
LÊ HOÀNG