Tháng Bảy linh thiêng. Dòng sông Thạch Hãn buổi chiều tà hắt lên một màu đỏ rực như nhắc nhở về một thời hoa lửa. Thành cổ Quảng Trị giờ đã phủ xanh màu cây cỏ nhưng trên các bức tường thành vẫn còn lại những vết đạn. Bao nhiêu máu xương các liệt sĩ đã đổ xuống trên mảnh đất này.
NỖI NHỚ THƯƠNG CỦA NGƯỜI Ở LẠI…
Hơn 2.000 cựu chiến binh tham gia chiến dịch Thành cổ Quảng Trị 1972 từ khắp mọi miền Tổ quốc đã tề tựu về thăm lại chiến trường xưa, ôn lại 81 ngày đêm súng không rời tay và cúi đầu trước vong linh những đồng đội đã hy sinh. Thấp thoáng là những màu áo xanh tình nguyện, áo đỏ sao vàng của các đoàn viên, thanh niên từ các thành đoàn, tỉnh đoàn về đây nghe kể về cuộc chiến giành từng tấc đất trên Thành cổ Quảng Trị.
Cựu chiến binh Phan Văn Mượt (Sư đoàn 308) lần thứ 8 từ Hải Dương vào Quảng Trị để thăm lại chiến trường xưa và thắp hương tưởng nhớ đồng đội. Dù đã ở tuổi 85, chân đi không vững, nhưng khi nào đoàn Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 Hải Dương vào thăm chiến trường xưa là ông cũng có mặt. Trầm ngâm nhìn về phía dòng sông Thạch Hãn đang đón những giọt nắng đỏ hồng còn vương lại trong chiều hoàng hôn, đôi mắt ông Mượt đỏ hoe khi nhớ lại những ngày này cách đây hơn 40 năm. Cựu chiến binh Phan Văn Mượt nghẹn ngào kể lại: “Xa kia, nơi gần đài sen ấy là tám đồng đội của tôi trên một chiếc thuyền đã hy sinh khi chèo đò vượt sông bị địch thả bom. Tôi may mắn đi chuyến đò sau nên mới sống sót. Bao lần đến thăm lại Thành cổ Quảng Trị nơi các bạn nằm lại, tôi vẫn còn cảm thấy rất đau xót và day dứt khôn nguôi”.
Hai bờ sông Thạch Hãn hôm nay đông kín người nhưng không sôi động. Ai cũng lặng im rong ruổi trong miền suy cảm của riêng mình. Dòng sông Thach Hãn như dùng dằng không chảy vì chở nặng biết bao nỗi tiếc thương. Ngồi nơi đây, vẫn có những người vợ, người mẹ, người con của các anh đến thăm. Bà Nguyễn Thị Thái, vợ liệt sĩ Lê Hiệu Đạo (Trung đoàn Xe tăng 202) ngồi bên dòng sông thắp hương. Bà Thái nghẹn ngào không nói nên lời. Dòng sông Thạch Hãn có xương máu của chồng bà hòa quyện. Năm 1972, bà Thái mang thai được hai tháng thì hay tin chồng hy sinh. Đau đớn tột cùng, nhưng bà gắng gượng sống vì giọt máu của người chồng yêu thương. 43 năm đã trôi qua, một mình bà nuôi dạy con gái. Cô con gái ấy giờ là một giáo viên, có mặt cùng mẹ hôm nay để tưởng nhớ về người cha - người chiến sĩ Thành cổ mà cô chưa kịp gặp mặt.
MÃI GHI CÔNG CÁC ANH
Thành cổ Quảng Trị soi mình yên ả bên dòng sông Thạch Hãn đón dòng người nối tiếp nhau mang theo những vòng hoa, nén nhang và tấm lòng tri ân, biết ơn những người anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để đất nước được hòa bình như hôm nay.
Tại Đài tưởng niệm trung tâm Thành cổ Quảng Trị, khi thuyết minh viên vừa cất giọng đọc lời bài hát “Cỏ non Thành cổ” đã có tiếng tiếng nấc sụt sùi, những đôi mắt nhòa lệ vì không kìm được xúc động. “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi. Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật. Mỗi tấc đất là cuộc đời có thật. Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào…”. Từng dòng người đi vào Thành cổ, ai ai cũng như cố bước đi thật nhẹ vì từng tấc đất nơi đây đều có máu xương của hàng nghìn anh hùng liệt sĩ đổ xuống.
Các anh đã hòa mình vào đất mẹ, vào những cành cây ngọn cỏ, các anh hòa vào dòng sông Thạch Hãn yên bình, vào dáng hình xứ sở. Các anh mãi trường tồn cùng đất nước.
Ông Lê Xuân Tánh, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 dâng hương trước tượng đài, rưng rưng nói: “Hôm nay, trong ánh hào quang của Phật Tổ, nơi trần thế chúng tôi chỉ biết thành tâm cầu nguyện cho hương hồn các anh siêu thoát. Mong rằng nơi cõi vĩnh hằng, các anh và hương linh vui lòng yên nghỉ bởi các anh đã làm trọn nghĩa vụ với Tổ quốc với nhân dân. Vinh quang thuộc về những đồng đội, đồng chí của chúng tôi”.
Chiều tà, trên dòng sông Thạch Hãn, 20.000 ngọn đèn hoa đăng thắp sáng lung linh cả dòng sông như sưởi ấm cho vong linh các anh. Trong những ngọn đèn hoa đăng ấy mang theo một lời tri ân, một lời nguyện cầu của người thân, bạn bè, đồng đội mong các anh yên nghỉ, mong các anh siêu thoát.
Hàng trăm áo xanh tình nguyện của Tỉnh đoàn Quảng Trị đang xếp những cánh đèn hoa đăng để cho người dân đến thả. Các em đến đây mang theo những tâm tư của thế hệ trẻ, những thế hệ được sống trong hòa bình gửi những lời tri ân đến các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng.
Hòa vào ánh nến và đèn hoa đăng lung linh trên dòng sông Thạch Hãn là tiếng hát của những người cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị 1972 từ chương trình nghệ thuật “Hát cho đồng đội tôi nghe” vang vọng cả đất trời Quảng Trị anh hùng và khắc sâu vào tâm khảm mỗi người...
Theo QĐND