Gần đây, nông dân trong tỉnh liên tục bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong lúc sinh hoạt sản xuất, khiến nhiều người hoang mang, lo sợ. theo thống kê của Bệnh viên đa khoa Phú Yên, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị 141 ca ở các huyện, thị trong tỉnh bị rắn cắn, chủ yếu là rắn lục đuôi đỏ; nhiều nhất là trong 2 tháng 10 và 11 với tổng số 41 ca.
Như vậy, sau Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh phía Nam, giờ đây đến lượt Phú Yên, ghi nhận có hiện tượng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều và tấn công người.
NHIỀU NGƯỜI BỊ RẮN CẮN
Tại huyện Tây Hòa, theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa huyện này, trong gần 2 tháng qua, bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị 22 ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn, tăng đột biến so với bình quân hàng năm. Hầu hết các xã trong huyện này đều có nạn nhân, cá biệt có nơi trong một xóm có nhiều người bị loài rắn độc này tấn công.
Cụ Nguyễn Thị Điền ở thôn Xuân Thạnh 2, xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) là nạn nhân mới nhất bị rắn lục đuôi đỏ cắn, phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Theo lời cụ Điền, chiều 16/11, cụ ra vườn hái rau thì bị con rắn thân màu xanh lá chuối non, đuôi đỏ nâu, cỡ bằng ngón tay trỏ nấp sẵn trong bụi rau mổ vào ngón tay giữa. Cụ được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tây Hòa, sau đó chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị. Cụ Điền còn cho biết, nhiều ngày trước, trong lúc làm vườn cụ phát hiện và đập chết 5 con rắn tương tự. Trong khi đó, bà Phan Thị Phương ở cạnh nhà cụ Điền cho hay, trong ngày 15/11, bà cũng phát hiện 2 con rắn lục đuôi đỏ, trong lúc ngồi xắt rau cho heo trong sân nhà. Rất may bà Phương đã kịp phản xạ, không bị rắn cắn. Theo người dân thôn Xuân Thạnh 2, trong khoảng 2 tháng qua đã có 5 người trong thôn này và ở thôn giáp ranh Xuân Thạnh 1 bị rắn lục đuôi đỏ tấn công, nhưng rất may tất cả đều được cứu chữa kịp thời, không nguy hiểm đến tính mạng.
Đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tây Hòa vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn, bà Huỳnh Thị Bích Chi, ở khu phố Phú Thứ, thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa), cho biết con rắn cắn vào chân của bà cỡ ngón tay cái, trong lúc bà hái rau ngoài vườn vào sáng 16/11.
Tìm đến nhà ông P.Đ.K ở khu phố Mỹ Lệ Tây, thị trấn Phú Thứ, để tìm hiểu thông tin ông K đã phát hiện và đập chết 25 con rắn lục đuôi đỏ tại cùng một địa điểm, do một số người dân kể lại thì được ông cho biết, hơn 10 ngày trước, trong 3 đêm liên tiếp, ông K cùng 2 người trong xóm đã giết số rắn đó tại một bụi tre gần nhà ông. “Nghe nhiều người bị rắn lục cắn nên tối đến, tôi cùng mấy anh em cầm đèn pin kiểm tra quanh các bụi cây gần nhà. Trong đêm đầu tiên, dù chủ động, nhưng chúng tôi không khỏi hoảng sợ vì chưa bao giờ thấy nhiều rắn lục đến thế, tới 16 con. Và tiếp tục 2 đêm sau, chúng tôi đập chết thêm 8 con nữa cũng tại bụi tre này”, ông K kể lại.
XUẤT HIỆN TIN ĐỒN
Hiện nay, tại một số nơi ở huyện Tây Hòa xuất hiện tin đồn tương tự tin đồn thất thiệt ở Quảng Ngãi là có người lạ mang bao đựng rắn lục đuôi đỏ đi thả ở các vùng quê. Trước sự việc này, ông Nguyễn Kim Hồng, Trưởng Công an xã Hòa Tân Tây, cho biết: “Tôi chưa nghe gì về tin đồn có người thả rắn tại địa phương kể cả việc người dân trong xã bị rắn cắn”.
Còn tại Hòa Đồng, công an xã này cho biết, có nghe phản ánh của người dân về hiện tượng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường và một số người bị chúng cắn. Tuy nhiên, Công an xã Hòa Đồng cũng bác thông tin đồn đoán là có kẻ xấu thả rắn.
Trong khi một số người dân hoang mang với tin đồn có kẻ xấu đi thả rắn thì một số nông dân ở xã Hòa Đồng cho rằng vì loài chim bìm bịp - thiên địch của rắn lục - bị suy giảm do chúng bị săn bắt rầm rộ thời gian qua, gây mất cân bằng hệ sinh thái, khiến loài rắn lục sinh sôi, sống sót nhiều. Cũng có người cho rằng nguyên nhân khiến rắn lục đuôi đỏ gia tăng bất thường, có thể vì điều kiện sống thuận lợi hoặc do tác động của biến đổi khí hậu.
Theo bác sĩ Châu Khắc Toàn, Phó khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viên Đa khoa Phú Yên, khi bị rắn lục đuôi đỏ hoặc nghi ngờ các loại rắn độc cắn, nạn nhân tuyệt đối không được ở nhà tự chữa trị bằng các bài thuốc dân gian, mà phải lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và tiêm huyết thanh kháng nọc độc càng sớm càng tốt. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hầu hết nạn nhân bị rắn cắn đều được điều trị thành công, không có trường hợp nào diễn biến phức tạp. |
NHÓM PHÓNG VIÊN PYO