Cơn lũ lịch sử tháng 11/2009 xảy ra ở huyện Đồng Xuân đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân, phá hủy hàng trăm ngôi nhà, san bằng hàng nghìn héc ta đất sản xuất, cây trồng và cơ sở hạ tầng, đẩy nhiều gia đình vào cảnh tang thương, tay trắng. Sau lũ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã hướng về vùng rốn lũ chia sẻ nỗi đau, chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể huyện Đồng Xuân và tỉnh Phú Yên khắc phục hậu quả. Nói về bài học kinh nghiệm sau trận lũ này, ông Võ Cao Phi, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết:
- Trước khi cơn bão số 11 xảy ra từ ngày 2 đến ngày 6/11/2009, Huyện ủy, UBND huyện, Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Đồng Xuân đã tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương chuẩn bị mọi phương án phòng tránh. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, ban đêm nước dâng cao và xảy ra lũ quét khiến người dân không kịp trở tay, nên đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Sau khi lũ rút, toàn huyện có 35 người chết, 11 người bị thương; trong đó nghiêm trọng nhất là ở xóm Trường, thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2 với 18 người chết. Đó là chưa kể hàng trăm người bị lũ cuốn được cứu vớt kịp thời, thoát chết.
Ngoài ra, còn có 8.031 nhà ở của người dân bị ngập nước, 265 nhà sập hoàn toàn, 183 nhà thiệt hại trên 70%, 167 nhà thiệt hại trên 50%, nhiều tài sản của người dân bị lũ cuốn trôi; 700ha lúa, 2.250ha mía, 2.220ha sắn, 570ha cây màu bị thiệt hại, khoảng 1.200ha rừng trồng bị ngã đổ hoàn toàn, cùng 245 con bò, 679 con heo, 53.680 gia cầm chết. Nhiều tuyến kênh mương bị sạt lở, bồi lấp dòng với khoảng 24.616m3 đất, 2.403m3 bê tông. Hệ thống giao thông cũng bị hư hỏng nặng, tuyến đường sắt Bắc - Nam qua huyện bị thiệt hại khoảng 25 tỉ đồng. Hầu hết các trường học bị ngập nước, đồ dùng dạy học bị cuốn trôi… Tổng thiệt hại tài sản hơn 350 tỉ đồng.
* Sau 5 năm nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, đời sống và hoạt động sản xuất của người dân vùng lũ hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Sau khi bão, lũ đi qua, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, xã, thị trấn khẩn trương tìm mọi nguồn lực giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, kêu gọi cứu trợ với phương châm không để dân đói, rét và xây dựng nhà ở tạm để họ ổn định cuộc sống; nhanh chóng khắc phục hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, cải tạo đất để nhân dân tái sản xuất; đẩy nhanh tiến độ thi công khu tái định cư và hỗ trợ xây nhà ở mới khang trang cho các hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai. Đến nay, hầu hết các xã dọc sông Kỳ Lộ được bố trí mặt bằng xây dựng khu tái định cư, nhiều nơi có nhà cửa khang trang, hạ tầng cơ sở khá hoàn thiện. Hàng trăm héc ta đất sản xuất bị bồi lấp nặng ở các xã Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Sơn Nam, Phú Mỡ cũng được cải tạo để nhân dân canh tác, khôi phục kinh tế.
Đặc biệt, từ Quyết định số 716 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2013, người dân ở các xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam được hỗ trợ xây dựng 50 chòi tránh lũ có sàn vượt lũ rộng từ 11 đến 32m2, cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 đến 3,6m, kinh phí từ 40 triệu đến gần 140 triệu đồng/nhà để tránh lũ hoặc di dời đến nơi cao ráo, an toàn.
* Qua kinh nghiệm thực tế, trước mùa mưa lũ hàng năm, địa phương đã triển khai các biện pháp gì trong phòng chống bão, lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại?
- Ngoài chủ động xây dựng các phương án phòng, chống lụt, bão hàng năm theo phương châm 4 tại chỗ, huyện đã chú trọng hơn trong công tác quy hoạch nói chung, quy hoạch khu dân cư nói riêng. Đối với vùng ven sông, lũ quét, ngập lụt sâu, sạt lở núi, kiên quyết không bố trí dân cư; đồng thời xây dựng khu tái định cư cho các vùng này để ổn định, đảm bảo an toàn cho nhân dân trong mùa bão, lũ. Trong sản xuất, huyện cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ để tránh được lụt, bão và có phương án dự trữ, dự phòng giống cây trồng, thức ăn gia súc trong mùa bão, lụt. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về tác hại của lụt, bão và giúp đỡ nhau trong hoạn nạn được đẩy mạnh; chủ động xây dựng phương án và phải hoàn tất việc sơ tán dân vào ban ngày, vì việc di chuyển vào ban đêm rất nguy hiểm, gây khó khăn cho lực lượng cứu hộ. Đây là điều kiện quyết định đảm bảo sự an toàn của người dân và tài sản trong mùa mưa, bão, đặc biệt là khi lũ xảy ra đột ngột.
Ngoài ra, thời gian qua huyện cũng đã xây dựng các công trình như trường học, trạm y tế, trụ sở xã và các công trình công cộng khác để phục vụ cho việc di dời dân, tài sản khi có bão, lũ lớn. Huyện còn đầu tư xây dựng các kèchống lũ, sạt lở dọc sông Kỳ Lộ để bảo vệ khu dân cư; đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến thoát lũ, cứu nạn vượt sông Kỳ Lộ với kinh phí 100 tỉ đồng; tiếp tục hỗ trợ các hộ nghèo xây chòi tránh lũ theo Quyết định 716 của Thủ tướng Chính phủ…
* Xin cảm ơn ông!
PHƯƠNG NAM (thực hiện)