Thứ Tư, 27/11/2024 01:18 SA
Bình đẳng trong gia đình:
Khó hay dễ?
Thứ Bảy, 23/08/2014 00:00 SA

Vợ chồng cần trân trọng giá trị của nhau - Ảnh: T.VĂN

Trong cuộc sống gia đình hiện nay có hay không sự phân chia trách nhiệm công việc rạch ròi giữa vợ và chồng? Vợ chồng bình đẳng với nhau khó hay dễ? Và sự bình đẳng ấy có làm cho cuộc sống hôn nhân thực sự hạnh phúc, bền vững? Đó là những câu hỏi mà không ít đôi vợ chồng trăn trở trên hành trình kiếm tìm sự bình đẳng dưới mái nhà của mình.

 

Chị Nguyễn Thị Thủy ở phường 9 (TP Tuy Hòa) mỗi ngày đi làm về lại tất bật lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa cho con cái, trong khi chồng chị thong dong xem ti vi, đọc báo. Hỏi sao không nhờ chồng phụ một tay, chị bảo: “Từ trước đến giờ, ổng luôn nói chuyện bếp núc, chăm sóc con cái là của đàn bà. Thời gian đầu, chị cũng đấu tranh về chuyện này dữ lắm nhưng ổng không thay đổi. Thôi vì con cái, vì muốn nhà cửa yên ấm mình cố gắng nín nhịn, chịu khó để tránh cảnh vợ chồng cãi cọ “đá thúng đụng nia”, tội nghiệp mấy đứa nhỏ”.

 

Chồng chị Trần Thị Nga ở phường Phú Thạnh thì “tiến bộ” hơn. Những hôm chị Nga bận việc ở cơ quan, anh thay vợ đi chợ, nấu cơm, đưa con đi học. Chị Nga thổ lộ: “Những lúc chồng chia sẻ, đỡ đần vợ việc nhà như vậy, tôi cảm động và biết ơn ảnh vô cùng. Nhưng nhiều khi, tôi cũng thấy buồn và hụt hẫng. Nhất là khi vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”, ảnh lại lấy chuyện giúp vợ ra nói: “Chẳng có thằng chồng nào làm việc nhà nhiều như tôi đâu. Đàn ông xưa nay mấy ai làm chuyện bếp núc, giặt giũ của phụ nữ. Bây giờ, nhiều người nói tôi bị vợ “xỏ mũi” đấy (?!)”. Chị Nga bảo, hóa ra trong sâu thẳm, chồng mình vẫn nghĩ việc nhà là của vợ. Anh có chia sẻ đỡ đần vợ cũng chỉ là sự “chiếu cố”, chứ không xuất phát từ tình thương yêu.

 

Tôi có chị bạn làm chức vụ khá cao ở một công ty nọ. Ở nơi làm việc, chị rất có uy, được mọi người nể trọng. Thu nhập hàng tháng của chị lại cao gấp đôi chồng mình, nhưng khi về nhà thì việc gì cũng phải “anh ơi”, “anh à”, “ý của anh ra sao?”. Chị bạn tôi nói: “Ở nhà mà không thỏ thẻ, nhẹ nhàng thì chồng sẽ nổi máu tự ái đàn ông, lúc ấy chỉ có nước “đường ai nấy đi”. Nhún nhường chồng một chút cho yên cửa yên nhà. Thiệt một chút cũng không sao, thua chồng mình chứ thua ai mà sợ!”.

 

Còn chị Lê Thị Châu ở phường 5 thì may mắn có một người chồng luôn sẵn lòng nhặt rau, quét nhà, rửa chén giúp vợ. Dù vậy, chị Châu không khi nào để chồng làm, vì “đàn ông làm những việc ấy sao bằng cánh phụ nữ. Để ảnh làm mình không hài lòng, cuối cùng cũng làm lại hết…”. Theo chị, tạo hóa đã ban cho mỗi giới một đặc trưng, tính cách, bởi thế chẳng có công thức chung nào cho sự bình đẳng cũng như cho hạnh phúc và hôn nhân mà là thỏa thuận uyển chuyển của cả hai, miễn là mỗi người đều hài lòng với phần mình cho và nhận.

 

Trong câu chuyện của chị Thủy, chị Nga hay chị bạn tôi cho thấy nhu cầu bình đẳng, nhu cầu được chồng chia sẻ, thấu hiểu của những người vợ là có thật. Nhưng không phải ai cũng may mắn đạt được như chị Châu. Bởi lâu nay mọi người đã quen với nếp nghĩ phụ nữ là phải sống phụ thuộc đàn ông. Đàn ông là cây tùng, cây bách trong gia đình. Đàn ông lo những việc lớn lao ngoài xã hội, còn phụ nữ phải đảm đương những việc nho nhỏ như nhà cửa, bếp núc. Phụ nữ nào mà làm khác đi sẽ cho là nổi loạn, nhất là khi họ lên tiếng đòi bình đẳng với chồng.

 

“Không ai có thể phủ nhận vai trò của phụ nữ trong gia đình, từ thiên chức làm mẹ cho đến việc nội trợ. Trong những năm qua, ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy bình đẳng nam nữ, giúp phụ nữ tiến thân, làm chủ cuộc sống của mình. Họ có nhiều cơ hội học tập, nâng cao vị thế của bản thân ngoài xã hội, nhưng trong gia đình lại rất khó tìm thấy sự bình đẳng. Sự giải phóng phụ nữ dường như chỉ dừng lại ở cái mà cơ chế xã hội mới mang lại, chưa thực sự đi sâu vào đời sống gia đình. Cùng với tất cả gánh nặng của công việc ngoài xã hội, người phụ nữ còn phải gánh trên vai thiên chức làm mẹ, làm vợ. Kết quả, nhiều người mệt mỏi, thậm chí có người phải hy sinh sự nghiệp, tự do cá nhân… trước những quan niệm truyền thống” - bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng ban Gia đình - Xã hội (Hội LHPN tỉnh), chia sẻ.

 

Theo bà Hà, những quan niệm lâu nay như: “Dạy dỗ con cái và bếp núc là chuyện của đàn bà”, “Đàn ông con trai chỉ việc học hành và làm những việc lớn”… không còn phù hợp với cuộc sống gia đình thời hiện đại. Không một người vợ nào cảm thấy vui vẻ khi họ suốt ngày đầu tắt mặt tối với công việc, còn chồng lại thảnh thơi chờ “cơm bưng, nước rót”. Lối sống vô trách nhiệm, ích kỷ này sẽ dần làm “chết” tình yêu trong trái tim người vợ. Một gia đình chỉ có thể đầm ấm, hạnh phúc thực sự khi vợ chồng thương yêu, chia sẻ với nhau mọi công việc trong cuộc sống hàng ngày.

 

THỦY VĂN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chị Siêm tận tụy với công tác dân số
Thứ Sáu, 22/08/2014 14:00 CH
Khi đàn ông làm hộ lý
Thứ Sáu, 22/08/2014 13:00 CH
Vấn đề cần quan tâm
Thứ Sáu, 22/08/2014 09:10 SA
Mất dấu 2 cá thể nghi là bò tót
Thứ Sáu, 22/08/2014 08:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek