Sống ở miền Bắc từ thuở lên bốn, tôi theo mẹ đi nhiều nơi cho đến khi vào đại học. Sau ngày đất nước thống nhất, tôi còn nhiều lần về thăm lại chốn xưa, nơi đã để lại những năm tháng thơ trẻ đẹp nhất của cuộc đời. Rồi khi đi làm, tôi có nhiều dịp hành phương Bắc qua những chuyến công tác. Lần này, cùng đoàn văn nghệ sĩ của Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đi thực tế sáng tác, chúng tôi có dịp đến thăm Điện Biên và nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng khác với những trải nghiệm thú vị.
Với thế hệ chúng tôi, trưởng thành vào những năm tháng chiến tranh vô cùng ác liệt ở cả hai miền Nam - Bắc, khi đến với khu tưởng niệm 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, bệnh xá Đặng Thùy Trâm và thành cổ Quảng Trị, tôi có cảm giác như một cuộc hành hương trở về với các bạn bè đồng trang lứa. Ngắm nhìn chân dung 10 cô gái tại khu tưởng niệm ở Ngã ba Đồng Lộc và di ảnh của Đặng Thùy Trâm, tôi như được gặp lại những con người thân quen của thế hệ mình: vẫn là những ánh mắt hồn nhiên, trong sáng, chứa chan bao nhiệt huyết của một thời thanh niên sôi nổi, vẫn là những chiếc áo cánh với kiểu chải tóc và chiếc kẹp ba lá đơn sơ, giản dị… Tôi lại nhớ đến các bạn cùng lớp trong những năm đi sơ tán. Nếu như tâm hồn của thanh niên thời ấy có thể đọc được như đọc phim X-quang, thì tôi dám đoán chắc tất cả đều trong sáng như nhau, không một gợn đen. Tất cả, không phân biệt trai hay gái đều viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu. Tôi cũng là một trong số ấy, cũng đã có một bữa liên hoan nho nhỏ với bạn bè, tặng hết sách vở cho các bạn rồi khoác ba lô đến điểm tập trung. Nhưng sau vài ngày ăn cơm lính, anh cán bộ ở Ban Tuyển quân gọi tôi lên, bảo: “Em chưa đi đợt này vì ba em đang ở chiến trường B, em lại là con trai cả. Về nhà đỡ đần cho mẹ, chăm sóc các em. Khi nào cần, sẽ đến lượt”. Cuối năm ấy, trên chuyến tàu liên vận sang Liên Xô du học, lúc dừng lại để tránh một chuyến tàu ngược chiều, tôi nhìn thấy những khuôn mặt trẻ măng lướt qua ô cửa sổ cùng với tiếng hát hào sảng vượt Trường Sơn đi cứu nước cứ đọng mãi vào tâm khảm. Đó là chuyến tàu chở tân binh vào chiến trường. Tôi tin chắc trên chuyến tàu ấy có 2 người bạn cùng lớp vì hôm đến thăm các cậu ấy ở đơn vị huấn luyện, họ vui mừng khoe: sắp đi B rồi.
Năm tôi tốt nghiệp đại học, cả nhà ra ga Hàng Cỏ đón tôi, chỉ thiếu một đứa em, hỏi má, má chỉ lắc đầu, tôi có cảm giác sân ga như bồng bềnh dưới chân mình.
Ngay hôm sau, má đưa tôi ra nghĩa trang Văn Điển. Vừa sụt sịt khóc bà vừa kể, năm 72 đến lượt em tôi, nhưng chỉ mới nửa năm vào chiến trường nó đã bị thương nặng phải đưa ra Bắc điều trị, rồi trận ném bom hủy diệt bằng B52 của Mỹ vào cuối năm ấy đã cướp đi tất cả. Tôi nấc lên như người có lỗi: “Giá như hồi đó con vào chiến trường thì nó vẫn còn sống”... Mấy tháng sau, gặp lại các bạn cũ, tôi được biết, chỉ có một đứa trở về. Kể từ dạo ấy, tôi luôn có cảm giác như mình đang mang một món nợ: nợ cha mẹ, bạn bè, em trai và còn biết bao chàng trai, cô gái ưu tú khác đã hy sinh trong khi mình vẫn còn sống.
Hôm vào Mường Phăng thăm hầm chỉ huy của Tướng Giáp, có cô gái Thái mời mua đồng bạc trắng hoa xòe, cô bảo “May lắm đấy”. Tôi đã định mua, nhưng nghĩ, đời mình đã may mắn hơn bao người khác, còn ham hố gì nữa, lại thôi. Ghé thăm Khu di tích Thành cổ Quảng Trị, tôi như nghe văng vẳng đâu đây 2 câu thơ thấm đẫm tình đồng đội của Lê Bá Dương “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”. Chính Dương đã khởi xướng phong trào thả hoa trên sông Thạch Hãn vào ngày 27/7 hàng năm để tưởng niệm vong linh đồng đội.
Vâng, cho phép tôi được thả một nhành hoa vào dòng sông để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP