Thứ Sáu, 29/11/2024 19:46 CH
Gia đình có 3 thế hệ sống bằng nghề rèn
Thứ Sáu, 04/04/2014 09:00 SA

Trong khi nhiều lò rèn “cha truyền con nối” ở nông thôn không còn đỏ lửa, nghề rèn có nguy cơ mai một, thì vẫn có những thợ rèn sống được với nghề. Hơn 25 năm qua, lò rèn của gia đình ông Nguyễn Thành Tài ở thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) vẫn luôn đỏ lửa và mang lại thu nhập ổn định cho 10 thành viên trong gia đình có 3 thế hệ.

 

ong-tuan-140404.jpg

Cụ Nguyễn Văn Tuấn, 75 tuổi vẫn cùng con cháu hàng ngày làm một số công đoạn của nghề rèn - Ảnh: H.LUÂN

Đúng ngày hẹn, anh Nguyễn Văn Lợi ở thôn Phú Xuân A, xã Xuân Phước đến lò rèn ông Nguyễn Thành Tài lấy 10 chiếc rựa làm mới và 3 cái liềm đặt “cắt răng”. Anh Lợi cho biết: “Nhà tôi đang vào vụ thu hoạch mía nên mua rựa về cho nhân công sử dụng, sẵn tiện cắt răng liềm để chuẩn bị thu hoạch lúa. Cả xã Xuân Phước không còn lò rèn nên tôi phải xuống tận đây”.

 

Gia đình ông Tài làm nghề rèn từ đầu những năm 1970, cha truyền con nối cho đến nay. Ông Tài và 2 người em trai học nghề từ cụ thân sinh, rồi truyền lại đến đời con, đời cháu. Hiện tại, gia đình 3 thế hệ nhà ông Tài vẫn làm nghề rèn để nuôi sống gia đình. Hằng ngày, 10 thành viên trong gia đình chia nhau từng công đoạn để rèn những thanh kim loại vô tri thành những đồ vật hữu dụng. Đàn ông có sức khỏe thì làm việc nặng như ngồi lò, đập đe, phụ nữ thì mài giũa, tra cán hoàn thiện sản phẩm… Anh Nguyễn Văn Mót (23 tuổi), con trai ông Tài cho biết: “Nghề rèn đòi hỏi phải có sức khỏe, sự cẩn thận và khéo léo trong từng khâu. Để có một sản phẩm ra lò đạt chất lượng, người thợ phải hiểu biết về tính chất từng loại sắt, thép. Sau đó, phân chia nguyên liệu thành từng đoạn phôi tương ứng với sản phẩm, rồi cho vào nung đỏ, đưa lên đe, dùng búa đập; nguội, lại cho vào lò nung, rồi lại bỏ ra đập, cứ như vậy cho đến khi tạo được sản phẩm vừa ý. Khâu quan trọng nhất là phải “tôi” để sản phẩm đạt độ cứng như mong muốn, không được non quá hoặc không được già quá. Công đoạn cuối cùng là mài, giũa để sản phẩm có độ sắc và độ bóng cần thiết như yêu cầu của khách hàng”.

 

Theo ông Tài, sở dĩ lò rèn của gia đình luôn đông khách bởi số người làm nghề rèn ngày càng ít đi mà người dân quê vẫn có thói quen sử dụng các sản phẩm thủ công từ lò rèn như cuốc, xẻng, dao, rựa, liềm, kéo cắt tỉa cây… Hơn nữa, những sản phẩm đặt hàng từ lò rèn luôn có chất lượng tốt hơn hàng chợ nên được người dân địa phương và các vùng lân cận chọn lựa.

 

2 người em của ông Tài là Nguyễn Thành Cư, Nguyễn Thành Hạt sau thời gian đi làm thuê, làm mướn ở TP Hồ Chí Minh, cũng quay về làm nghề rèn cùng gia đình. Ông Cư tâm sự: “Tôi và vợ quay lại nghề của cha ông là muốn có cuộc sống ổn định, có điều kiện chăm lo cho con cái được học hành tốt hơn”.

 

Cụ ông Nguyễn Văn Tuấn, cha của ông Tài, năm nay đã 75 tuổi nhưng vẫn còn sức khỏe cùng làm nghề với vợ, con và cháu. Cụ Tuấn đảm trách những việc nhẹ nhàng phù hợp với tuổi già. Cụ Tuấn kể lại, khoảng 20 năm trước, giữa trăm nghề người ta chọn nghề rèn, người muốn học nghề rèn chí ít cũng phải “lễ” thầy 3 chỉ vàng và phải có cha mẹ đến thưa hỏi đàng hoàng. Cuộc sống ngày càng phát triển, nhiều sản phẩm sản xuất công nghiệp ra đời, nên sản phẩm từ nghề rèn không được ưa chuộng như trước, nhiều người không còn mặn mà với cái nghề “mặt lọ, than hồng” này nữa. “Nghề rèn cực nhọc, nhưng chưa bao giờ phụ người chăm chỉ. Không giàu sang phú quý, nhưng nghề đảm bảo cái ăn, cái mặt đầy đủ cho tất cả thành viên trong gia đình. Vì làm nghề cực nhọc nên con cái trong gia đình muốn chuyển sang nghề khác. Và như vậy, không khỏi mai một cái nghề truyền thống”, cụ Tuấn trăn trở.

 

Theo ông Nguyễn Thành Tài, làm nghề rèn không giàu, nhưng nếu có sức khỏe, chăm chỉ và bếp “đỏ lửa” thường xuyên là có cái ăn cái mặc. “Vì vậy, dù vất vả, khó khăn nhưng tôi luôn động viên vợ, con và các em cố gắng giữ nghề” , ông Tài tự hào nói về nghề truyền thống của gia đình.

 

HUỲNH LUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek