Nguồn nước ở Phú Yên đang đứng trước những nguy cơ làm cạn kiệt và suy giảm chất lượng. Giải pháp nào để “đối phó với khan hiếm nước” như chủ đề đặt ra nhân ngày Nước thế giới năm nay?
Năm nay, Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), kỷ niệm ngày Nước thế giới với chủ đề “ Đối phó với khan hiếm nước” nhằm cảnh báo về tình trạng thiếu nước. Vấn đề này đặt ra cho Phú Yên điều gì?
Nhiều nơi người dân còn dùng nước sông suối trong sinh hoạt - Ảnh: N.T
NGUY CƠ CẠN KIỆT VÀ SUY GIẢM CHẤT LƯỢNG NGUỒN NƯỚC
Tài nguyên nước ở Phú Yên khá phong phú, trong ba nguồn nước (nước mưa, nước mặt và nước dưới đất) thì nguồn nước dưới đất là có chất lượng tốt nhất, ổn định, ít bị biến đổi và được xếp vào tỉnh giàu về tài nguyên nước nhờ có hệ thống sông suối dày đặc, bình quân 0,5 km/km2. Trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 50 con sông dài trên 10 km, trong đó sông Ba được xếp là sông lớn thứ 10 trong cả nước. Tổng lượng dòng chảy sông ngòi đổ ra biển tại PhúYên khoảng 12,5 km3 nước, đạt 15.000 m3/người, gấp 1,97 lần so với thế giới. Song vào mùa nắng nóng, nhiều sông suối bị cạn kiệt, tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất thường xuyên xảy ra ở nhiều vùng.
Nguồn nước ở Phú Yên ta cũng đang đứng trước những nguy cơ tiềm tàng làm cạn kiệt và suy giảm chất lượng. 70% lượng nước mặt là do ngoài tỉnh đổ vào và tập trung vào mùa mưa lũ. Hiện nay, chất lượng rừng tự nhiên suy giảm với độ che phủ đạt khoảng 36% nằm ở mức độ báo động về môi trường sinh thái, chẳng những tác động tiêu cực đến sản xuất và sinh hoạt, mà còn gây suy thoái tài nguyên đất, tài nguyên nước. Trong khi đó, chất lượng nước đang bị đe dọa ô nhiễm do sản xuất và quá trình đô thị hoá gây ra. Một số nhà máy sản xuất công nghiệp như các nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhà máy chế biến đường, cồn rượu ở đầu nguồn các dòng sông; các nhà máy sản xuất bia, các khu công nghiệp ven biển, các làng nghề, nuôi trồng thuỷ sản… là các tác nhân gây ô nhiễm nếu không được đầu tư và vận hành nghiêm túc hệ thống xử lý nước thải. Hoạt động sản xuất nông nghiệp sử dụng một lượng lớn các hoá chất bảo vệ thực vật, phân bón, … cũng “góp phần” gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước dưới đất. Theo tính toán, có tới 50% lượng thuốc trừ sâu được sử dụng rơi xuống và tích luỹ trong môi trường đất. Đây là một nguồn gây ô nhiễm nguy hiểm do khả năng tồn dư lâu dài trong các mạch nước ngầm, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người. Nguồn nước ngầm ở một số dịa phương đã bị nhiễm hoá chất như Sơn Thành Đông (Tây Hoà), Xuân Lãnh (Đồng Xuân). Việc sử dụng mặt nước ven biển và nội địa phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản chưa được quy hoạch và chưa mang tính bền vững.
Hiện nay, tốc độ đô thị hoá rất nhanh nhu cầu sử dụng nước và xả thải cũng tăng theo trong khi đó nước thải sinh hoạt từ đô thị đến nông thôn đều xả trực tiếp vào môi trường tự nhiên. Việc đổ rác bừa bãi góp phần làm lan truyền các chất ô nhiễm, đặc biệt là các chất ô nhiễm hữu cơ và các mầm bệnh vào trong đất sẽ dần dần thâm nhập vào nguồn nước ngầm. Sự gia tăng dân số nhanh tạo một sức ép rất lớn lên môi trường nước nói chung và nước dưới đất nói riêng sẽ là nguyên nhân sâu xa của các vấn đề về môi trường.
GIẢI PHÁP BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC
Với tốc độ đô thị hoá và sự phát triển nhanh chóng của hoạt động sản xuất kinh doanh đặt ra yêu cầu tăng khả năng cấp nước. Do vậy, cần có giải pháp tiết kiệm và sử dụng hợp lý nguồn nước, đặt biệt là trong các tháng mùa khô. Ông Lê Văn Thứng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên cho rằng: Thế kỷ thứ 21 là thế kỷ của nước ngọt. Ở đâu quản lý được nguồn nước sẽ có điều kiện phát triển. Vì lẽ đó, Nhà nước đã ban hành Luật Tài nguyên nước. Đối với Phú Yên, chúng ta không chủ quan với nguồn nước hiện có mà ngay từ bây giờ cần phải có những giải pháp quản lý, khai thác và bảo vệ tốt tài nguyên nước. Trước hết, cần phải củng cố, bổ sung mạng lưới điều tra quan trắc tài nguyên nước, bao gồm cả nước mặt và nước dưới đất, cả lượng và chất, hình thành mạng lưới quan trắc điều tra tài nguyên nước thống nhất trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở kiểm kê đánh giá tài nguyên nước và lấy lợi ích kinh tế, ổn định xã hội mà xây dựng chiến lược “an ninh về nước” nhằm phục vụ chất lượng cuộc sống, bảo đảm sức khoẻ, tương lai giống nòi. Những giải pháp cụ thể cần thực hiện. Xác định rõ trách nhiệm về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước của các cấp, các ngành, tổ chức và cộng đồng, cá nhân, đặc biệt đề cao trách nhiệm của các cơ sở sản xuất và dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích cá nhân và tổ chức tham gia công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn nước; nhân rộng các mô hình tự quản về môi trường, mô hình cấp nước tư nhân trong cộng đồng dân cư.
Phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước; đề cao trách nhiệm, tăng cường sự tham gia có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông của địa phương trong hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước nguồn nước. Xây dựng và phát triển các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, kịp thời biểu dương, khen thưởng và phổ biến, nhân rộng.
Năm nay, với hiện tượng Elnino xuất hiện nên mới vào đầu mùa khô song tình trạng hạn hán, thiếu nước đang diễn ra gay gắt nhiều vùng trong nước. Ở Phú Yên mức nước các sông, hồ chứa đều xuống thấp so với trung bình nhiều năm đang là thách thức đối với sản xuất nông nghiệp trong vụ hè thu sắp tới. Đây là những cảnh báo thiết thực về tình trạng khan hiếm nước đang diễn ra trước mắt chúng ta.
MAI ANH