Vợ chồng ông bà Trần Văn Côn - Hà Thị Thu ở xã Hòa Định Tây, Phú Hòa có đến 7 người con, trong đó 6 người đều đỗ đạt và có công việc ổn định. Vợ chồng ông Côn là tấm gương vượt khó nuôi con ăn học.
![]() |
Gia đình ông Trần Văn Côn - Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
CHA MẸ LÀM ĐIỂM TỰA
Năm nay ông Côn đã ngoài tuổi 70 nhưng vẫn còn mạnh khỏe. Ông bảo, trước đây vợ chồng ông rất vất vả, nhưng nay các con đều đã tốt nghiệp ra trường, có việc làm ổn định nên cũng đỡ nhiều rồi. Nhìn thấy các con đủ lông đủ cánh, có kiến thức để bươn chải ngoài xã hội nên tinh thần ông cũng trở nên phấn khởi, người khỏe ra.
Ông Côn sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa). Học xong lớp 12, ông có thời gian dạy tiểu học ở xã Bình Ngọc, sau đó chuyển về làm việc ở HTX Hòa Định, quê vợ thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây, Phú Hòa. Công việc ở HTX chỉ mang lại thu nhập ít ỏi, trong khi 7 người con lần lượt ra đời khiến gia cảnh nhà ông Côn càng khốn khó. Để tăng thêm thu nhập, bà Thu phải làm nhiều việc nặng nhọc để lo cho con có cái ăn, cái mặc và ăn học nên người.
Bà Thu chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi phải bươn chải rất nhiều. Chồng tôi làm ở HTX, tôi ở nhà một mình làm hơn mẫu ruộng, nuôi heo, gà, vịt. Ban đầu, ruộng vườn mang lại nguồn thu nhập đáng kể, nhưng khi các con ngày càng lớn, rồi đi học đại học, kinh tế gia đình rơi vào bế tắc, phải vay mượn nhiều nơi, thậm chí đi vay nóng bên ngoài. Cũng có nhiều lời ra tiếng vào chê bai mình nghèo nhưng tôi mặc kệ, miễn sao lo được cho các con học tới nơi tới chốn là mừng”.
Để làm gương cho các con, bản thân ông Côn luôn sống mẫu mực, cứng cỏi. Ông cũng sớm gieo vào ý thức con suy nghĩ mà ông ấp ủ cả đời mình: Muốn thoát khỏi đói nghèo, dốt nát cần phải học. Ông Côn bộc bạch: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, có trình độ học vấn, các con mới có thể trở thành những người hữu ích và tương lai mới khỏi gian truân, lận đận”.
Ông Hà Công Hỷ, cán bộ văn hóa xã Hòa Định Tây là người hiểu rõ về hoàn cảnh gia đình ông Côn, cho biết: “Gia đình ông ấy vốn khá giả nhưng do đông con và chỉ ăn học nên kinh tế suy sụp dần. Nay thì giai đoạn khó khăn đã qua, các con của ông Côn đều đã tốt nghiệp và giúp đỡ được phần nào cho cha mẹ. Gia đình ông là tấm gương tiêu biểu về tinh thần hiếu học ở xã Hòa Định Tây”.
CON NỖ LỰC HẾT MÌNH
Lớn lên trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ lo lao động kiếm miếng ăn, không có nhiều thời gian dành cho các con nên để có được thành quả như ngày hôm nay, bản thân các con của ông Côn phải tự mình nỗ lực rất nhiều.
Anh Trần Trọng Cai, con thứ 2 của ông Côn đang công tác tại Sở GD-ĐT Phú Yên, chia sẻ: “Năm lớp 10, học lực của tôi chỉ dưới trung bình. Ba tôi biết chuyện này nhưng rất bình tĩnh. Ông gọi riêng tôi lại bảo tôi chọn giữa một bên là bao gạo với sách vở, bên kia là cái rựa. Nếu tôi chọn cái rựa, ba sẽ đánh cho tôi một trận rồi sau đó tôi có thể nghỉ học đi lao động kiếm sống và sau này không được trách cứ ai. Lúc đó tôi nhát đòn và không muốn ba buồn nên bắt đầu học hành chăm chỉ. Đến cuối năm học lớp 11, tôi được xếp vào vị trí top đầu của lớp”.
Là người anh lớn trong gia đình, anh Trần Trọng Quyền, Tổ trưởng tổ Anh văn của Trường phổ thông tư thục Duy Tân nhận được ở cha mẹ mình nhiều sự quan tâm hơn các em. Tuy nhiên, anh cũng là người vất vả nhất. Ngoài giờ học, anh Quyền còn đi chặt củi chuẩn bị cho mùa mưa, cắt rau nấu cháo cho gà vịt ăn, nhắc nhở các em lớn trông coi các em nhỏ để cha mẹ yên tâm làm việc. Anh Quyền chỉ học bài khi tối muộn. Không có nhiều thời gian cho bài vở nhưng với quyết tâm cao, anh thi đậu vào Trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên (nay là Trường đại học Phú Yên), sau đó tiếp tục học liên thông tại Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
Các người con sau này của ông Côn, người học trung cấp, người học cao đẳng, người học đại học nhưng vì kinh tế gia đình ngày càng khó khăn nên việc học hành cũng vất vả không kém. Anh Cai nói: “Thời tôi đi học ở Quy Nhơn, mẹ còn cho 250.000 đồng/tháng. Sau này, thằng Hưởng (Trần Trọng Hưởng, em kế anh Cai) còn khổ hơn vì cảnh nhà ngày càng túng quẫn, ba mẹ không lấy đâu ra tiền để gửi. Nó học cả năm ngoài Quảng Nam (Trường trung học Điện 3, nay là Trường cao đẳng Điện lực miền Trung) mà không biết đến mùi dầu gội đầu là gì. Đến cuối khóa, nợ nần chồng chất, nó sợ thiếu tiền thì không thi tốt nghiệp được. Nhưng nhờ học giỏi, nó nhận được học bổng nên mới có tiền xoay sở. Hiện giờ, nó làm việc cho một công ty xây dựng lớn ở TP Hồ Chí Minh”.
Hiện nay, ngoài anh Quyền và anh Cai làm việc ở Phú Yên thì các người con còn lại của ông Côn đều có công việc ổn định tại TP Hồ Chí Minh với thu nhập khá. Về kinh tế, vợ chồng ông Côn không còn lo lắng gì, nhưng ông Côn và vợ vẫn cần mẫn với những công việc hằng ngày. Ông Côn nói: “Công việc đã quen tay nên vẫn cứ làm. Với lại, còn làm việc được lúc nào hay lúc ấy, để sau này con cái có đứa nào khó khăn thì mình còn hỗ trợ được ít nhiều”.
THÁI HÀ